Tôi là MC Quỳnh Hoa - Phó giám đốc Nhà văn hóa Thanh Niên. Hơn hai tháng qua, tôi là người khởi xướng và kết nối đội tình nguyện viên nghệ sĩ, đi đến các điểm nóng của dịch bệnh. Từ 10 thành viên ban đầu, con số của đội đã lên hơn 130 người. Hôm nay, chúng tôi sẽ đến cắt tóc, hát ở bệnh viện dã chiến số 4 (huyện Bình Chánh). |
8h sáng, chúng tôi bắt đầu khuân vác từng thùng trang thiết bị y tế và vật dụng cần thiết lên xe bán tải. Đây là những món quà mà người dân đã gom góp, gửi đến Nhà văn hóa Thanh Niên để trao tặng đội ngũ tuyến đầu trên hành trình cam go đẩy lùi Covid-19. |
Khác với chuyến đi trước, lần này, tôi và các thành viên trong nhóm phải mặc đồ bảo hộ kỹ càng. Là người đứng đầu, tôi luôn trong tình trạng căng thẳng vì lo lắng cho đồng đội của mình. "Nếu đi đường dài thì phải kỹ" là câu cửa miệng của tôi khi nhắc nhở họ. |
Sau hơn 30 phút ngồi trên xe, chúng tôi đã tới bệnh viện dã chiến số 4 ở huyện Bình Chánh. Nơi đây là khu tái định cư, rộng gần 30 hecta, nằm ở xã Vĩnh Lộc B. Khoảng 500 nhân viên y tế và 4.000 bệnh nhân mắc Covid-19 đang điều trị tại đây. |
Trước khi vào bệnh viện, các thành viên trong nhóm đều phải xét nghiệm nhanh Covid-19. Tôi nhanh chóng phụ giúp nhân viên y tế viết code. Hơn 60 ngày đồng hành cùng đội tình nguyện viên, tôi thành thục hết các quy trình của việc lấy mẫu xét nghiệm. |
Tôi không thể nhớ nổi đây là lần thứ bao nhiêu bản thân và các đồng đội phải xét nghiệm Covid-19. Càng đi vào những nơi nguy hiểm, chúng tôi càng đối mặt với những rủi ro cao hơn. Trong xe riêng, tôi luôn chuẩn bị sẵn đồ đoàn. Nếu không may nhiễm nCoV, tôi sẽ đi cách ly luôn. |
May mắn, các thành viên trong nhóm đều âm tính với SARS-CoV-2. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Mọi người thường hỏi tôi có sợ khi tiếp xúc gần với F0. Thú thật, nếu trả lời không sợ là nói dối. Nhưng vượt lên tất cả là mong muốn được cống hiến. |
Sau khi nắm qua địa bàn, chúng tôi tiến hành đưa hệ thống loa, âm thanh xuống khoảng sân rộng của bệnh viện dã chiến số 4. Đây là lần thứ n tôi và các nghệ sĩ đến hát tại bệnh viện dã chiến. Song tôi vẫn không tránh khỏi cảm giác lo âu, hồi hộp. |
Khi tôi vừa cất lời chào đầu tiên gửi đến đội ngũ nhân viên y tế, bệnh nhân, mọi người đã ùa ra các ban công và vẫy tay khí thế. Lòng tôi ấm lại. Lúc này, đứng giữa không gian rộng lớn, trơ trọi, tôi và các đồng đội của mình không còn cảm thấy cô đơn. |
Lúc này đã hơn 11h. Cái nắng chói chang, gay gắt cộng với bộ đồ bảo hộ kín mít khiến tôi cảm thấy nghẹt thở. Mồ hôi chảy cả vào mắt, ướt đẫm. Thế nhưng, tôi vẫn ra sức nói, hát để giao lưu, kết nối nghệ sĩ và bệnh nhân. |
Các thành viên trong nhóm không ngại ngồi bệt xuống bãi cỏ để đánh đàn, hát. Qua lớp khẩu trang, có thể nhịp điệu, cao độ của họ không đạt đến mức hoàn hảo. Nhưng họ đã hát bằng cảm xúc tuyệt vời, chân thành và máu lửa. Tôi tin trong cuộc đời nghệ thuật, ít ai được biểu diễn trên một sân khấu đặc biệt như thế này. |
Cả nhóm vừa hát vừa vẫy tay giao lưu cùng bệnh nhân. Chúng tôi ở cách nhau một khoảng cách khá xa nhưng lại có sự kết nối đặc biệt. Những tiếng nhạc lần lượt vang lên, át hết không khí u ắng, vắng lặng thường thấy. |
Hàng nghìn khán giả tràn ra khung cửa sổ, vẫy tay, reo hò. Họ dùng điện thoại để ghi lại khoảnh khắc nghệ sĩ mặc đồ bảo hộ, hát, nhảy ở khoảng sân trước mặt. Ánh mắt họ rạng ngời, gương mặt hí hửng chính là lời cảm ơn tuyệt vời nhất mà chúng tôi nhận được trong chuyến đi. |
Phương Thanh có lẽ là người sung nhất trong buổi biểu diễn lần này. Nữ ca sĩ liên tiếp thể hiện nhiều ca khúc. Từ khi nhóm khởi xướng chương trình hát cổ vũ ở bệnh viện dã chiến, Phương Thanh không vắng mặt buổi nào. Có lần tôi hỏi bạn mình có mệt không, cô ấy đáp ngắn gọn: "Càng hát càng thấy khỏe". |
Ở cách chừng tôi một hàng rào dây là đội ngũ nhân viên y tế của bệnh viện. Họ hào hứng cổ vũ, hát theo từng giai điệu của bài hát. Trong phút chốc, tôi cảm thấy mình và mọi người ở đây như một gia đình lớn. Chúng tôi đồng điệu, thấu cảm và san sẻ cho nhau bằng giá trị tinh thần. |
Bác sĩ Phương Vũ (Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM) cũng đi chung với đoàn tình nguyện viên của chúng tôi. Em hào hứng thể hiện ca khúc "Sài Gòn tôi sẽ" - một sáng tác của thầy giáo Thái Dương. Tôi và các nghệ sĩ khác làm những động tác nhún nhảy, minh họa cho phần thể hiện của em. |
Giữa trưa, khi chúng tôi đang biểu diễn say sưa thì mây đen giăng khắp bầu trời. Tôi nhìn lên trên cao, bất chợt lo lắng. "Nếu trời mưa thì mình phải xử trí sao đây?", tôi tự hỏi và không lâu sau đó gió lớn, mưa ào ào kéo đến như muốn trêu ngươi. |
Trước tình huống đó, cả đoàn nghệ sĩ nháo nhác tìm nơi ẩn nấp. Ca sĩ Lê Minh MTV đang say sưa thể hiện "Yêu đời". Bất chấp mưa to, Lê Minh vẫn tiếp tục hát. Em ấy chạy ngay đến một bậc thềm gần đó, dùng cây chổi lau nhà làm micro. |
Mưa to. Gió giật liên hồi. Lúc này ai cũng thấm mệt và đói. Tôi vẫn tiếp tục phần dẫn của mình để kết nối nghệ sĩ và khán giả. Ở trên những bục cửa sổ phía xa, khán giả vẫn cổ động, reo hò như muốn tiếp lửa thêm cho cả đội. |
Trong lúc đó, các thợ cắt tóc đi chung đoàn tiếp tục cắt tỉa cho đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế. Có làm công việc tình nguyện trong tâm dịch mới thấu hiểu hết sự hy sinh to lớn của đội ngũ tuyến đầu. Nhiều bác sĩ nam hai tháng liền không được cắt tóc, nóng nực, khó chịu. |
Ánh mắt tôi dừng lại ở một nhân viên y tế trẻ. Mái tóc cậu ấy điểm bạc. Cậu thích thú khi được thợ làm tóc tạo kiểu trông gọn gàng và thời thượng. |
Một ngày dài khi trời mưa, nắng thay đổi xoành xoạch. Chúng tôi cũng nhanh chóng di chuyển qua 4 block trong khu bệnh viện để hát và cắt tóc. Các thành viên trong nhóm trêu nhau là "4 mini show" liên tiếp. |
Giữa những khoảng thời gian ăn trưa của bệnh nhân, chúng tôi tạm nghỉ để lấy lại sức. Sau đó, cả nhóm lại đi bộ qua những điểm khác để phục vụ ca hát. Kết thúc ngày dài, các nghệ sĩ và nhân viên y tế đều giơ tay cao, hô to: "Việt Nam chiến thắng". Mọi người cùng cố gắng nhé, để ai cũng sớm được về nhà. |