Muốn thành công, phải luôn dẫn đầu xu hướng
Sinh trưởng trong gia đình kinh doanh khấm khá, Lê Thu Ninh (cử nhân Luật, Viện ĐH Mở Hà Nội) sớm học hỏi được từ cha mẹ kinh nghiệm làm ăn. Kết hợp với đam mê thời trang, cô bắt tay vào buôn bán quần áo ngay từ năm thứ 2 đại học.
Năm 2011, Ninh dốc hết tiền tiết kiệm, vay mượn thêm bạn bè, người quen được 60 triệu đồng và mở shop thời trang đầu tiên bán tại nhà thuê ở ngõ nhỏ trên phố Ngô Sỹ Liên, Hà Nội. “Thời gian đó, các shop thời trang online chưa phổ biến như bây giờ. Bán hàng trong nhà nhỏ, ngõ ngách khó tìm theo kiểu rỉ tai, truyền miệng được nhiều chủ shop áp dụng dựa trên tâm lý tò mò, ham tìm tòi của các bạn trẻ. Mình kết hợp cả hai yếu tố ấy nên cửa hàng nhanh chóng có khách”, Thu Ninh chia sẻ.
Hàng thời trang do Thu Ninh vừa thiết kế, vừa làm stylist và làm mẫu được nhiều khách hàng trẻ yêu thích. Ảnh: NVCC |
Việc thuê một căn nhà nhỏ trong ngõ ngách giữa thủ đô để buôn bán vừa là chiêu kinh doanh hiệu quả, vừa giúp cô sinh viên năm 2 ĐH chỉ phải bỏ ra khoảng 4 triệu/tháng, số tiền khiêm tốn so với lợi nhuận thu về. Căn nhà 4 tầng, 2 tầng trên làm phòng ngủ và sinh hoạt, tầng 3 là kho chứa hàng, tầng trệt dành làm shop thời trang. Hàng của Ninh trong 2 năm đầu hoàn toàn là quần áo nhập từ Quảng Châu (Trung Quốc). Cứ khoảng 10 ngày, Ninh lại một mình bắt tàu sang Quảng Châu chọn hàng, thanh toán tiền trước sau đó về Hà Nội chờ mối buôn chuyển hàng đến. Ninh chia sẻ, quần áo cô nhập về hướng tới đối tượng học sinh sinh viên nên giá khá rẻ, 130.000 – 300.000 đồng/chiếc đối với hàng hè và khoảng 300.000 - 500.000 đồng/chiếc hàng đông. Nhưng do nhập được tận gốc, bán giá hợp lý, Ninh vẫn lãi được khoảng 1/3 trên giá hàng bán ra.
“Lúc đó mình là sinh viên nên bán đồ cho học sinh, sinh viên là lợi thế của mình. Trong dòng hàng thời trang giá rẻ này, muốn thành công, shop của bạn luôn phải là địa chỉ đầu tiên có mẫu hàng mới nhất và chất lượng hàng phải tốt hơn những sản phẩm cùng giá ngoài thị trường”, Ninh cho biết. Ngoài bán lẻ, Ninh còn đổ buôn quần áo đi nhiều tỉnh miền Trung và TP.HCM. Trừ các khoản chi phí thuê nhà, ăn học, mỗi tháng, cô sinh viên giỏi buôn bán để ra được hơn 10 triệu đồng tiền lãi.
Trụ tại ngôi nhà nhỏ trong ngõ phố đường Ngô Sỹ Liên khoảng 1 năm. Nhờ lượng khách mua buôn, mua lẻ khá đông và ổn định, sau khi tính toán kỹ, Ninh chuyển cửa hàng sang một địa điểm đẹp hơn trên phố Nguyễn Thượng Hiền (Hà Nội) với giá thuê 6,5 triệu đồng/tháng. Công việc kinh doanh thuận lợi, tiền lãi hàng tháng ngày một tăng dần thôi thúc Nguyễn Thu Ninh đi đến quyết định sớm thực hiện ước mơ mở cửa hàng thời trang thiết kế trên phố lớn của thủ đô.
Nhờ người bạn làm ngân hàng hỗ trợ, giúp cô vay tổng cộng khoảng 600 triệu đồng làm vốn kinh doanh, Ninh tin mình có thể duy trì được cả 2 cửa hàng. Một là shop hàng thời trang Quảng Châu giá rẻ và shop thời trang thiết kế cao cấp trên mặt phố Trần Quốc Toản với giá thuê đắt đỏ 22 triệu đồng/tháng.
Đầu tư thời gian cho ước mơ thiết kế thời trang, trong suốt 2 năm vừa học Luật ở trường ĐH, vừa buôn bán, Thu Ninh còn tranh thủ học các kiến thức cơ bản về may đo, thiết kế thông qua những website thời trang trong và ngoài nước, học cả cách chọn vải, phối màu…Biết rõ những thiếu hụt của mình khi làm thời trang thiết kế, Ninh xác định hướng đi cho sản phẩm là thời trang freesize, mang tính ứng dụng cao, tối giản chi tiết, sử dụng màu đơn sắc và đầu tư cho chất liệu.
Các sản phẩm thời trang do Ninh thiết kế bán có nhiều mức giá 600.000 – 1,5 triệu đồng. Trong khoảng 1 năm kinh doanh, duy trì 2 shop thời trang hút khách, Ninh phải thuê thêm 1 nhân viên quản lý cửa hàng và 4 nhân viên phụ việc.
Ninh cho biết, hàng thời trang thiết kế dù chất lượng vượt trội hơn nhiều nhưng về lợi nhuận, không thể sánh bằng hàng Trung Quốc. Ảnh: NVCC. |
“Liều lĩnh trong kinh doanh phải dựa trên cơ sở thành công”
Việc kinh doanh tưởng chừng suôn sẻ, trên đà buôn bán thuận lợi, Thu Ninh sẽ dần trả hết nợ ngân hàng và phát triển ước mơ về thương hiệu thời trang thiết kế của riêng mình. Tuy nhiên, trong một lần đi lấy hàng tại Trung Quốc, Ninh bị giật túi, mất hơn 100 triệu đồng tiền vốn và toàn bộ đồ đạc quý mang theo như điện thoại, iPad, laptop… Mất tiền vốn, không lấy được hàng, giá thuê mặt bằng trên phố Trần Quốc Toản 22 triệu đồng mỗi tháng và việc phải trả lương nhân viên trở thành gánh nặng chi phí khiến Ninh không kịp xoay sở. Chuyện buồn trong kinh doanh kết hợp với chuyện buồn trong tình cảm cá nhân tới cùng một thời điểm khiến Ninh suy sụp, buông xuôi. Vét hết vốn liếng, lời lãi từ 2 năm bươn chải kinh doanh, Ninh trả hết nợ ngân hàng, tìm vào Đà Nẵng để lấy lại cân bằng.
Tại Đà Nẵng, trong một dịp tình cờ gặp gỡ, tâm sự với Cát Tiên, chị gái của nhạc sĩ/ca sĩ Lê Cát Trọng Lý, Ninh được chị khuyên nên gây dựng lại cửa hàng. Lo con gái vất vả, bố mẹ Ninh một mực thuyết phục con vào cơ quan nhà nước làm việc, đúng ngành, đúng nghề để có cuộc sống ổn định. Nhưng Thu Ninh vẫn quyết tâm theo đuổi đam mê, mong có ngày bố mẹ sẽ hiểu.
Dù được nhiều khách hàng ủng hộ, Ninh tự thấy lợi nhuận thời trang thiết kế đem về không thể sánh với thu nhập từ bán quần áo Quảng Châu. Để “lấy ngắn nuôi dài”, Ninh vẫn phải duy trì cửa hàng quần áo Trung Quốc giá rẻ. Cô tiết lộ, chỉ trong tháng Tết 2013, cửa hàng quần áo Trung Quốc mang lại cho cô 200 triệu đồng tiền lãi.
Tìm được nguồn cung cấp vải tốt ở Đà Nẵng và Hội An (Quảng Nam), Ninh trở về Hà Nội, tiếp tục vay tiền bạn bè và người thân để kinh doanh. Việc lập kế hoạch kinh doanh, phân bổ vốn rõ ràng, chia thành từng giai đoạn phát triển giúp cô nhận được sự tin tưởng của người quen, sẵn sàng giúp đỡ tài chính.
Rút kinh nghiệm, lần này cô không đầu tư mở mang cửa hàng ngốn nặng vốn mà tập trung bán online là chủ yếu. Tập trung làm việc, mỗi tuần cho ra một album lookbook cập nhật những mẫu thời trang mới nhất do chính Ninh thực hiện từ thiết kế tới stylist, dàn dựng, chụp ảnh, cô hào hứng tâm sự: “Trước kia mình phải thuê tới 5 nhân viên nhưng hiện giờ, một mình mình làm việc của cả 5 người, bận rộn nhưng không hề mệt mỏi. Làm lại từ con số 0, mình biết rằng mình vẫn liều nhưng đây là sự liều lĩnh dựa trên cơ sở thành công chứ không còn là cái liều ngu dại, non nớt trước kia nữa”.
Hoạt động lại dù mới gần nửa tháng nhưng số tiền lãi khoảng 25 triệu đồng thu về cùng lượng khách tìm đến ngày một đông là tín hiệu thôi thúc Nguyễn Thu Ninh tiếp tục tin tưởng vào con đường khởi nghiệp trái nghề của mình.