Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nông trại ngoại ô: Đam mê không dễ của người thành phố

Mê đời sống nhà nông và muốn có nguồn thực phẩm an toàn, nhiều gia đình thành phố quyết định đầu tư tiền mua hoặc thuê đất làm nông trại ở ngoại thành.

Mê nông trại, thuê hay mua?

Với tổng thu nhập khoảng 40 triệu đồng/tháng cùng tài khoản tiết kiệm hơn 500 triệu đồng, vợ chồng chị Ngô Trang (CT1, KĐT Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) có ý định tìm mua hoặc thuê đất làm nông trại.

Chị Trang chia sẻ, hai vợ chồng đều là dân quê vào thành phố lập nghiệp đã gần 20 năm. Hiện có nhà riêng, tài chính ổn định, chị nuôi sở thích làm nông nghiệp nên muốn đầu tư làm nông trại mini ở ngoại thành. Tuy nhiên, chuyên viên truyền thông này chưa biết nên mua hay thuê đất.

"Đầu tư cho trang trại dù diện tích nhỏ cũng phải mất vài trăm triệu. Tôi chỉ sợ nếu mua đứt mà không theo được lâu dài thì sau lại khó bán, thua thiệt tài chính", chị chia sẻ.

Hướng ra ngoại thành tìm đất, xây nhà vườn, làm nông trại hiện là xu hướng sống được nhiều người thành phố yêu thích. Ảnh: TH.

Anh Nguyễn Văn Anh, chủ một nông trại rộng 700 m2 tại Đan Phượng (Hà Nội) cho biết, nhờ mô hình vườn - ao - chuồng, gia đình anh và cả bạn bè sống khỏe nhiều năm nay.

Anh đấu thầu, xin thuê khu đất nông nghiệp này từ địa phương hơn chục năm trước. Tại đây, chủ nông trại làm ao nuôi cá, ruộng trồng nhiều loại rau củ, chuồng nuôi lợn, gà và có cả chỗ để nấu rượu nếp cẩm, hạ thổ.

Mỗi tuần, gia đình anh Văn Anh thường rủ bạn bè thân thiết về nông trại nghỉ ngơi, con nhỏ cũng có chốn để "đổi gió và thực hành kiến thức sinh vật". Nông trại chỉ cách trung tâm Hà Nội gần 20 km nên cách ngày, gia đình anh đều đặn nhận được nguồn rau củ, cá, gà tươi sạch, phong phú.

Cho một gia đình trẻ tới ở và chăm nom dùm nông trang, chủ trại cởi mở: "Người ta có chỗ ở, có cả nguồn thức ăn ngon lành, mình cũng có người tin tưởng để nhờ trông nom, quản lý chuồng trại".

Nông trang đẹp với ao thả cá, vườn trồng rau, cung cấp thực phẩm sạch quanh năm của gia đình anh Tuấn, chị Hương ở Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: TH.

Gần 10 năm duy trì trang trại mini hoạt động khá hiệu quả, Nguyễn Văn Anh đang nghĩ tới kế hoạch xin mua lại khu đất để phát triển ổn định, lâu dài.

Theo anh, việc đầu tư cho nông trại hay trang trại ở ngoại thành là xu hướng được nhiều gia đình thành phố yêu thích. Đây là ý tưởng hay đối với những gia đình đã ổn định kinh tế, đam mê nuôi trồng nhưng quỹ đất ở nội thành lại hạn hẹp. Tuy nhiên, theo anh, trước khi bỏ vốn lớn để thực hiện, các chủ trại tương lai nên cân nhắc hình thức thuê hay mua đất, tránh để mất tiền vì sở thích nhất thời.

Cẩn trọng mất tiền vì "cả thèm chóng chán"

"Nếu chỉ để trải nghiệm cuộc sống nhà nông hoặc không chắc chắn có thể theo đuổi lâu dài thì nên thuê. Còn nếu mua, bạn cần cân nhắc kỹ để khỏi thất thoát vốn. Nhiều người từng bỏ cả trăm triệu đầu tư nhưng không thể theo tiếp, thời gian ngắn sau muốn bán cũng rất khó", Văn Anh chia sẻ kinh nghiệm.

Theo khảo sát, giá thuê nông trại tại các khu vực ngoại thành Hà Nội như Ba Vì, Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Bình... hiện ở mức khoảng 3-5 triệu đồng mỗi tháng với diện tích nhỏ vài trăm m2 hoặc trên dưới 15 triệu đồng/ha/năm. Giá có thể dao động phụ thuộc vào vị trí khu đất thuê và các tiện ích xung quanh như nguồn nước, chất đất và cơ sở hạ tầng có sẵn đi kèm...

Anh Đào Huy Thường (Lương Sơn, Hòa Bình) đang thuê 1 ha đất vườn tại đây với giá 15 triệu đồng mỗi năm để làm trang trại trồng cây ăn quả. Anh Thường trồng 3 loại đu đủ, ổi, bưởi.

"Sau năm đầu tiên, tôi thu hoạch đu đủ bán, vừa vặn trả tiền thuê đất. Tuy nhiên, ổi và bưởi là 2 loại cây cần thời gian dài hơn nên cũng chưa biết thế nào. Nếu hợp chất đất thì mới ngon được. Làm nông trại cần thời gian chăm chút. Bỏ tiền đầu tư để vì nhu cầu thực của gia đình thì không nói, nhưng nếu để kiếm lợi nhuận e rằng khó", anh cho hay.

Tại TP ​HCM, hoạt động thuê hay bán nông trại tại các khu vực ngoại thành đang có xu hướng diễn ra sôi nổi hơn. Chị Nguyễn Minh, đại diện một sàn giao dịch bất động sản cho biết, lượng khách tìm địa điểm ngoại thành để làm trang trại đang gia tăng.

"Người thành phố thì thích về quê mở nông trang để thỏa đam mê và tự cung tự cấp thực phẩm sạch. Còn người ở quê lại muốn bán bớt đất để có tiền mua nhà phố", chị chia sẻ. Tuy nhiên, theo chuyên viên môi giới này, đã có không ít khách hàng bỏ số tiền lớn mua nông trại ngoại ô nhưng lại rao bán chỉ sau thời gian ngắn vì không theo được.

Qua tìm hiểu, giá bán đất vườn làm trang trại tại các khu vực ngoại thành TP HCM như Củ Chi, Bình Chánh hiện ở mức 400.000-500.000 đồng/m2. "Đất rộng, cách trung tâm thành phố chỉ khoảng 25-30 km, đường đi thuận tiện, giá lại rẻ nên mua cũng dễ. Tuy nhiên, các khoản đầu tư khác cho hệ thống nước, máy móc xử lý chất lượng đất, nước, đầu tư làm ao hồ, chuồng trại chi phí có khi gấp đôi", chị Như Ý (quận 12, TP HCM) cho hay.

Anh Tam, giảng viên ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM từng đầu tư tiền tỷ cho 2 nông trại tại huyện Củ Chi (rộng 2.000 m2) và huyện Bình Chánh (10.000 m2). Nông trại của anh đã được trang bị đầy đủ hệ thống tưới tiêu, ao nuôi cá, thậm chí, cả camera giám sát. Nhưng do công việc tại thành phố quá bận rộn, không thể theo sát để quản lý nhân công cũng như trang trại, chủ trại đành sang nhượng cả 2 mặt bằng trên.

Chung cảnh thiệt hại về kinh tế do cả thèm chóng chán với nông trang ngoại ô, chị Thanh Trúc (Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội) tiếc rẻ khu ruộng trồng rau sạch của mình ở chân núi Ba Vì. Chị Trúc kể, chị đã chi tiền mua khoảnh đất rộng 300 m2 với giá 1,5 triệu/m2.

Tại đây, chị trồng đủ loại rau xanh và rau gia vị để cung cấp cho gia đình mỗi tuần một lần. Ngoài ra, chị làm chuồng lợn và gà, thuê hàng xóm là người bản địa trông nom. Tuy nhiên, sau nửa năm, chi phí chăn nuôi quá lớn, quãng đường lại xa, thường xuyên phải ăn rau đông lạnh, chị Trúc chán nản với nông trang mơ ước. "Lúc mua thì thấy rẻ và dễ. Lúc bán, giảm giá kịch kim vẫn không ai ngó ngàng", chị than thở.

Người dân bị 'đầu độc hợp pháp' bằng nông sản không an toàn

Đây là nhận định của PGS.TS Vũ Trọng Khải, nguyên Hiệu trưởng Trường cán bộ quản lý nông nghiệp và PTNT II TP.HCM tại Diễn đàn chính sách nông nghiệp 2015 tổ chức tại Hà Nội.

Diệp Sa

Bạn có thể quan tâm