Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người dân bị 'đầu độc hợp pháp' bằng nông sản không an toàn

Đây là nhận định của PGS.TS Vũ Trọng Khải, nguyên Hiệu trưởng Trường cán bộ quản lý nông nghiệp và PTNT II TP.HCM tại Diễn đàn chính sách nông nghiệp 2015 tổ chức tại Hà Nội.

Trao đổi với báo chí về tình hình nông nghiệp trong hội nhập, PGS.TS Vũ Trọng Khải cho rằng: Hội nhập của ngành nông nghiệp hiện nay còn nhiều trở ngại lớn về thể chế, chính sách. Trong đó, đặc biệt, người nông dân Việt Nam vẫn là “lão nông tri điền”, chưa đủ năng lực, trình độ để quản lý một trang trại lớn, tạo sức cạnh tranh khi hội nhập.

Đặc biệt, dân trí của người nông dân chưa đủ để biết mua nguồn lực đầu vào ở đâu là an toàn, trong khi hiện nay, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, thức ăn chăn nuôi còn tồn tại chất cấm tăng trọng...

Điều này vô tình cho thấy nền nông nghiệp nước ta đang “đầu độc” người dân một cách hợp pháp. Vì thế, Việt Nam cần phải tạo ra đội ngũ “thanh nông tri điền” hoặc “nông dân chuyên nghiệp” để cải thiện tịnh trạng này.

Nông nghiệp Việt Nam nên tập trung vào những sản phẩm độc đáo, có giá trị cao. Ảnh: Internet.

Bên cạnh đó, ông Khải cũng nhận định, Việt Nam cũng chưa có hệ thống doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao để cung ứng dịch vụ đầu vào của nông nghiệp. Hầu hết nông sản đều không có thương hiệu khi hội nhập, trong khi nông sản của nhiều nước trên thế giới đều quản lý theo chuỗi ngành hàng.

Trên thực tế, có một nghịch lý là hiện nay người dân Philippines mua gạo Việt Nam với giá rẻ chỉ bằng 2/3 giá gạo mà người dân Việt Nam đang phải mua tại thị trường nội địa. Do đó, chiến lược phát triển sản phẩm phải chú ý cả đến thị trường nội địa. Nếu bỏ trống thị trường này sẽ tạo cơ hội lớn cho các nước khác nhảy vào cạnh tranh.

Ông Khải cũng đưa ra quan điểm, nền nông nghiệp nên tận dụng những những sản phẩm khác biệt và độc đáo mang tính chất địa phương, vùng miền như gà Đông Tảo, gà Hồ, các giống lợn miền núi hay gạo truyền thống… Ngay như các tỉnh miền núi phía Bắc, các loại dược liệu truyền thống khá nổi tiếng nên sẽ có đầy đủ tiềm năng để sản xuất thực phẩm chức năng.

“Sao không nghĩ đến việc sản xuất, nuôi trồng rau quả, thực phẩm ở khu vực đồng bằng sông Hồng để cung ứng sản phẩm cho vùng Đông Bắc Á trong 6 tháng mùa đông tuyết lạnh. Việc xuất khẩu gạo chỉ cần vùng Đồng bằng sông Cửu Long là đủ. Xuất khẩu không nên là định hướng cơ bản của ngành lúa gạo, mà nên chú ý đến 90 triệu dân được ăn gạo ngon, có an toàn hay không. Chúng ta nên tập trung vào việc xuất khẩu những giống gạo có giá trị gia tăng cao”, PGS.TS Khải nói.

http://www.baohaiquan.vn/pages/nguoi-dan-dang-bi-dau-doc-hop-phap-bang-nong-san-khong-an-toan.aspx

Theo Hương Dịu/Báo Hải Quan

Bạn có thể quan tâm