Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Nông nghiệp Việt phục hồi, gần chạm mốc 55 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu

Năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đặt mục tiêu đạt 54-55 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Đến hết tháng 10, thống kê phản ánh tình hình khả quan.

Phát triển nông nghiệp được coi là lợi thế và nền tảng bền vững của mỗi quốc gia. Điều này được nhấn mạnh trong chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2025.

Trong 10 tháng đầu năm, bất chấp những khó khăn từ thị trường và thiên tai, toàn ngành vẫn tích cực, chủ động triển khai các nhiệm vụ trọng tâm để mang về nhiều kết quả khả quan cả ở lĩnh vực sản xuất lẫn xuất nhập khẩu.

Tăng trưởng sản xuất dù đối mặt thiên tai

Trong lĩnh vực trồng trọt, giai đoạn 2023-2024, Việt Nam nắm giữ nguồn xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới với 7,6 triệu tấn, chỉ sau Ấn Độ (16,5 triệu tấn) và Thái Lan (8,2 triệu tấn). Với nền tảng vững chắc là quốc gia phát triển từ nền văn minh lúa nước, gạo vừa là nguồn lương thực chính, vừa là mặt hàng xuất khẩu chiến lược của Việt Nam.

Tính đến hết tháng 10, cả nước đã gieo cấy 7,11 triệu ha lúa, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước; thu hoạch 6,42 triệu ha, tăng 0,8%; năng suất đạt 62 tạ/ha, tăng 0,5 tạ/ha; sản lượng trên diện tích thu hoạch đạt 39,8 triệu tấn, tăng 1,6%. Trong khi khu vực phía Bắc chịu ảnh hưởng nặng nề từ bão số 3 (Yagi) và phải tập trung khôi phục hoạt động sản xuất; các địa phương đã tích cực thu hoạch lúa hè thu, lúa mùa và thu đông, đồng thời gieo trồng, chăm sóc cây màu vụ đông.

Nong nghiep Viet 2024 anh 1

Bất chấp ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi), sản lượng lúa của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm vẫn tăng nhẹ so với cùng kỳ.

Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030” đã có nhiều bước tiến tích cực. Tiêu biểu trong đó là văn bản gửi các Bộ, ngành, 12 tỉnh tham gia đề án xin ý kiến về thí điểm chính sách đặc thù đối với dự án vốn vay; văn bản báo cáo Phó thủ tướng Chính phủ về huy động nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới (World Bank); tổ chức hội nghị bàn giải pháp triển khai tại Cần Thơ do Thủ tướng Chính phủ chủ trì; tiếp tục triển khai các mô hình thí điểm...

Về lâm nghiệp, lũy kế 10 tháng đầu năm, cả nước đã chuẩn bị 940,5 triệu cây giống; trồng 211.900 ha rừng, tăng 5,8% so với cùng kỳ; sản lượng gỗ khai thác đạt gần 18,5 triệu m3, tăng 7,9% so với cùng kỳ; thu 2.410 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, đạt 75,5% kế hoạch năm; cấp chứng chỉ cho 595.488 ha. Song song đó, với việc chỉ đạo và kịp thời phát hiện nguy cơ cháy rừng, đặc biệt tại các vùng trọng điểm như Tây Bắc, Tây Nguyên, Nam Bộ, diện tích rừng bị thiệt hại trong 10 tháng đầu năm là 1.509 ha, giảm 12% so với cùng kỳ. Trong đó, diện tích rừng bị cháy là 743 ha, tăng 9% và bị chặt, phá là 762,3 ha, giảm 22%.

Sản lượng thủy sản cũng ghi nhận con số ấn tượng khi đạt 7,88 triệu tấn sau khi lũy kế 10 tháng, tăng 2,5% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng khai thác đạt 3,27 triệu tấn, tăng 0,6% (khai thác biển đạt 3,1 triệu tấn, tăng 0,6%); sản lượng nuôi trồng 4,61 triệu tấn, tăng 3,8% (nuôi cá tra 1,44 triệu tấn, tăng 4,7%; nuôi tôm 1,1 triệu tấn, tăng 5%).

Tuy phải chịu tác động lớn từ thiên tại, song sản xuất nông nghiệp vẫn cho thấy dấu hiệu tăng trưởng dù không quá đột phá. Lý giải cho điều này, đại diện Vụ Thống kê Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản, Tổng cục Thống kê cho biết: “Trong khi bão số 3 ảnh hưởng nặng đến sản xuất nông nghiệp các tỉnh phía bắc, ở phía nam và ĐBSCL vẫn tăng trưởng khá, với sản lượng lúa hè thu tăng 77.600 tấn so với năm 2023, đặc biệt vùng ĐBSCL tăng 21.100 tấn”.

Kỳ vọng vượt mục tiêu 55 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu

Việt Nam hiện đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 thế giới về xuất khẩu nông sản. Thành công này đến từ nền tảng tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong nhiều thập kỷ qua, đồng thời xây dựng được hệ thống thị trường ổn định và rộng mở.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 10 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam đạt 51,74 tỷ USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước. Đóng góp vào kết quả này có: Nông sản chiếm 27,38 tỷ USD, tăng 25,6%; lâm sản chiếm 14,05 tỷ USD, tăng 19,9%; thủy sản chiếm 8,33 tỷ USD, tăng 12%; chăn nuôi chiếm 423,5 triệu USD, tăng 2,7%.

Riêng đầu vào sản xuất là 1,56 tỷ USD, giảm 5,7% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực đều cao hơn so với cùng kỳ năm trước, điển hình: Gỗ và sản phẩm gỗ đạt 13,18 tỷ USD, tăng 20,9%; cà phê đạt 4,6 tỷ USD, tăng 40,1% với lượng 1,16 triệu tấn, giảm 10,8%; gạo đạt 4,86 tỷ USD, tăng 23,4% với lượng 7,76 triệu tấn, tăng 10,2%; hạt điều đạt 3,6 tỷ USD, tăng 22,1% với lượng 613.500 tấn, tăng 18,7%; cao su đạt 2,54 tỷ USD, tăng 17,2% với lượng 1,56 triệu tấn, giảm 4%; rau quả đạt 6,34 tỷ USD, tăng 31,5%; tôm đạt 3,23 tỷ USD, tăng 13,9%; cá tra đạt 1,54 tỷ USD, tăng 8,7%; hạt tiêu đạt 1,12 tỷ USD, tăng 48,2%.

Đáng chú ý, giá xuất khẩu bình quân và giá trị xuất khẩu vào các thị trường đều tăng. Cụ thể, cà phê có giá 3.981 USD/tấn, tăng 57%; hạt tiêu có giá 5.084 USD/tấn, tăng 51,7%; cao su có giá 1.635 USD/ tấn, tăng 22,1%; gạo có giá 626,2 USD/tấn, tăng 12%; hạt điều có giá 5.867 USD/tấn, tăng 2,9%; chè có giá 1.758 USD/tấn, tăng 1,3%. Mặt khác, Việt Nam xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang châu Á đạt 24,94 tỷ USD, tăng 17,2%; châu Mỹ đạt 12,2 tỷ USD, tăng 24,7%; châu Âu đạt 5,94 tỷ USD, tăng 34,1%; châu Phi đạt 917,1 triệu USD, tăng 2% và châu Đại Dương đạt 743,6 triệu USD, tăng 14,5%. Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất, với giá trị chiếm tỷ trọng lần lượt 21,6%, 21,5% và 6,5%.

Nong nghiep Viet 2024 anh 8

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam có khả năng vượt mục tiêu 54-55 tỷ USD.

Với kết quả ấn tượng này, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: “Như vậy, với mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 54-55 tỷ USD được đề ra từ đầu năm, chúng ta sẽ vượt qua ngay khi kết thúc tháng 11. Còn 2 tháng của năm 2024, nếu mỗi tháng xuất khẩu 5,5 tỷ USD, lũy kế sẽ lập mốc 60 tỷ USD. Đây sẽ là năm có xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt cao nhất từ trước đến nay”.

Trợ lực từ khối ngân hàng thương mại

Những năm gần đây, các ngân hàng thương mại mang đến trợ lực lớn góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp. Một số ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, đơn cử như HDBank, đã chọn hướng đi chiến lược là bao phủ sản phẩm dịch vụ và điều chuyển vốn về các thị trường khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Nhiều chương trình cho vay được xây dựng chuyên biệt theo các chuỗi giá trị, những ưu đãi linh hoạt liên tục được triển khai... đã mang đến trợ lực để nông dân và doanh nghiệp nắm bắt cơ hội.

Ngân hàng luôn duy trì việc xây dựng, phát triển sản phẩm cho vay dành riêng cho nông nghiệp với hạn mức không giới hạn từ 50 triệu đồng, thời gian và phương thức trả nợ linh hoạt, kết hợp chứng từ đơn giản giúp khách hàng tiếp cận nguồn tài chính phục vụ sản xuất, kinh doanh kịp thời.

HDBank cũng triển khai nhiều ưu đãi về phí và lãi suất dành cho khách hàng cá nhân hoặc doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực chuyên biệt như lúa gạo, cà phê, tiêu, điều... Nổi bật trong đó là đợt giải ngân hạn mức tín dụng gần 5.000 tỷ đồng cho Tập đoàn Lộc Trời; tài trợ các chuỗi có quy mô lớn như CP, Unilever...; ra mắt dịch vụ HDBank Nông thôn với ứng dụng di động và chương trình “Cho vay nông nghiệp nông thôn” với nhiều ưu đãi như lãi suất cho vay 0%/năm trong tháng đầu tiên, 4,5%/năm trong 6 tháng, 6,5% trong 12 tháng, 8,5% trong 24 tháng.

Việc hướng dòng vốn lớn vào chuỗi nông nghiệp, nông thôn là một trong những nội dung quan trọng trong Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 2/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới.

Bám sát trọng tâm của chính sách và xác định rõ chiến lược phát triển, hướng đi đúng của HDBank nhiều năm qua không chỉ nhận được sự ủng hộ, hợp tác mở rộng từ nhiều định chế tài chính lớn trên thế giới, mà còn thúc đẩy ngành nông nghiệp Việt đạt được những tăng trưởng ấn tượng qua từng năm.

Đắc Tú - Tú Nhã

Bình luận

Bạn có thể quan tâm