Theo Washington Post, nhiệt kế chỉ 51,8 độ C ở thủ đô Iraq hôm 28/7, phá kỷ lục trước đó là 51 độ C được ghi nhận ngày 30/7/2015. Đến ngày hôm sau, nhiệt độ tiếp tục ở ngưỡng 51,1 độ C - cao thứ 2 trong lịch sử thành phố.
Cái nóng khủng khiếp buộc người dân phải ở trong nhà, trong khi những người bán hàng rong phải tìm bất cứ bóng râm nào có thể. Do hệ thống lưới điện quốc gia đang gặp trục trặc, nhiều gia đình phải dựa vào máy phát điện để chạy tủ lạnh hoặc điều hoà không khí, tạo ra âm thanh ồn ào trên những đường phố Baghdad.
Lực lượng an ninh Iraq đã bắn chết 2 người biểu tình hôm 27/7 trong một cuộc tụ tập phản đối vì thiếu điện và các dịch vụ thiết yếu giữa đợt nắng nóng kỷ lục.
Trời nắng nóng kỷ lục khiến nhiều người dân Iraq phải nhảy xuống sông Tigris để giải nhiệt. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thời tiết cực đoan này là do sự xuất hiện của vùng áp cao trên khu vực Trung Đông, di chuyển về phía tây tới Ai Cập. Ở dưới "mái vòm" này, không khí chìm xuống khiến cho nhiệt độ ở mức cao kỷ lục, và xua tan bất cứ đám mây nào khiến cho bầu trời càng thêm oi bức.
Hôm 29/7, mái vòm nhiệt bao phủ một khu vực từ Israel, biển đông Địa Trung Hải đến Saudi Arabia. Điều này khiến cho Bahgdad trở thành trung tâm của khối khí nóng ngột ngạt.
Mặc dù những đợt nắng nóng kỷ lục có thể hoàn toàn xảy ra do điều kiện tự nhiên, nhưng nhiều khả năng sự nóng lên của trái đất và biến đổi khí hậu đã làm chúng diễn ra với tần suất lớn hơn.
Nhiều thành phố trên thế giới đã ghi nhận mức nhiệt cao nhất trong lịch sử vào những mùa hè vừa qua, trong đó có Paris, Montreal, Havana, Glasgow và San Francisco.