Các nhà khoa học đã theo dõi nồng độ khí CO2 trong bầu khí quyển dựa trên dữ liệu khảo sát địa chất trong suốt 6 thập kỷ. Theo đó, nồng độ khí CO2 đang ở mức cao nhất trong quãng thời gian được đo và có thể là cao kỷ lục trong 4,5 triệu năm qua, Bloomberg đưa tin.
Cụ thể, dữ liệu địa chất từ trước thời đại công nghiệp cho thấy nồng độ khí CO2 trong bầu khí quyển chỉ là 280 ppm. Con số này tăng lên 316 ppm vào năm 1958, và hiện ở mức 419 ppm vào năm 2021.
Khói thải ra từ các nhà máy lớn. Ảnh: Getty. |
Như vậy, loài người đã khiến nồng độ khí thải nhà kính tăng gấp đôi, do đốt nhiên liệu hóa thạch trong sản xuất và di chuyển. Sự tích tụ khí nhà kính đang gây ra tình trạng nóng lên toàn cầu, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho môi trường.
Viện Hải dương học Scripps và Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia là hai đơn vị thu thập dữ liệu địa chất. Họ từng dự đoán tình trạng gián đoạn kinh tế, do đại dịch Covid-19 gây ra, không làm giảm nồng độ khí CO2 trong bầu khí quyển.
Nhà địa chất học Ralph Keeling tại Viện Scripps cho biết: “Mỗi năm, bầu khí quyển lại tích tụ thêm nhiều khí CO2. Do đó, chúng ta cần những chiến lược cắt giảm khí thải lâu dài, thay vì một đợt gián đoạn hoạt động kinh tế liên quan đến đại dịch”.
Nồng độ CO2 trong khí quyển thường đạt mức cao nhất vào tháng 5, khi thực vật ở Bắc bán cầu bắt đầu hấp thụ khí này. Nồng độ khí thải nhà kính không chỉ xác định được mức độ ô nhiễm trên Trái Đất, mà còn phản ánh sự thay đổi của đại dương và những loài thực vật hấp thụ khí CO2.