Lần đầu tiên, tình trạng bụi mịn PM2.5 ở 63 tỉnh, thành được công bố tại hội thảo "Hiện trạng bụi PM2.5 ở Việt Nam giai đoạn 2019-2020 và Ứng dụng dữ liệu vệ tinh trong giám sát ô nhiễm và nghiên cứu" sáng 1/12.
Nghiên cứu không chỉ xây dựng bản đồ phân bố nồng độ bụi chi tiết tới cấp quận, huyện tại Hà Nội và TP.HCM mà còn đưa ra phân tích đáng chú ý, đặc biệt về việc giảm ô nhiễm không khí (ONKK) của Việt Nam năm 2020.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Nhật Thanh, Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, chất lượng không khí toàn quốc năm 2020 được cải thiện so với 2019. Cụ thể, nồng độ PM2.5 trung bình năm 2020 (8-35,8 µg/m3) có xu hướng giảm so với 2019 (9-41 µg/m3).
Dù vậy, nhiều vùng và địa phương vẫn có nồng độ PM2.5 trung bình năm cao hơn quy chuẩn Việt Nam (QCVN).
Bản đồ phân bổ nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm 2019 (trái) và 2020 (phải) với độ phân giải không gian 3x3 km. Đồ họa: Live&Learn. |
Các dữ liệu tổng hợp cho thấy giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19 đã phần nào giúp cải thiện chất lượng không khí toàn quốc.
Riêng tại TP.HCM, theo dữ liệu tại trạm Lãnh sự quán Mỹ, giai đoạn 2016-2019, nồng độ bụi trung bình có xu hướng giảm dần từ năm 2017 đến 2020. Đặc biệt, năm 2020, TP.HCM có nồng độ PM2.5 thấp nhất và lần đầu ở dưới ngưỡng QCVN trong 5 năm.
Diễn biến nồng độ bụi PM2.5 trung bình của TP.HCM từ 2016 đến 2020 tại trạm Lãnh sự quán Mỹ. Đồ thị: Live&Learn. |
Theo chỉ số hiệu quả môi trường (EPI) năm 2020 của Đại học Yale, phơi nhiễm với ONKK ở Việt Nam xếp hạng 115/180 quốc gia. Trên bảng xếp hạng IQir/AirVisual, nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm 2020 của Việt Nam theo dân số cao thứ 21/106 nước.
Năm 2020, 10/63 tỉnh, thành có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm vượt quy chuẩn, tất cả ở miền Bắc; miền Trung và miền Nam không có địa phương nào có nồng độ bụi PM2.5 vượt quy chuẩn quốc gia. Dù vậy, trên địa bàn các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An (miền Trung) và TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai (miền Nam) vẫn có nhiều khu vực chịu ô nhiễm bụi PM2.5.
Dữ liệu này giảm so với năm 2019, toàn quốc có 13/63 tỉnh, thành có nồng độ PM2.5 vượt QCVN (11 tỉnh, thành miền Bắc, và 2 tỉnh, thành miền Nam). Tuy nhiên, nồng độ bụi PM2.5 của tất cả địa phương giai đoạn 2019-2020 vượt nhiều lần mức khuyến nghị của WHO năm 2021 (5 µg/m3).
Kết quả báo cáo hiện trạng bụi PM2.5 ở Việt Nam giai đoạn 2019-2020. Đồ họa: Live&Learn. |
Theo xếp hạng các địa phương có nồng độ bụi mịn PM 2.5 trung bình năm 2020 cao nhất, Hà Nội đứng thứ 6 và TP.HCM đứng thứ 11.
Tại Hà Nội, ô nhiễm bụi PM2.5 năm 2020 giảm 16% so với năm 2019, nhưng đều vượt quy chuẩn quốc gia. Nồng độ bụi PM2.5 tại nội thành thấp hơn ngoại thành (trừ huyện Gia Lâm, Đông Anh và Thanh Trì) và cao hơn từ tháng 11 tới tháng 3, thấp hơn từ tháng 5 tới tháng 9.
Ở TP.HCM, nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm 2020 giảm 13% so với năm 2019. Năm 2020, nồng độ bụi PM2.5 cao ở phía bắc và thấp ở phía nam thành phố. Nồng độ bụi cao trong các tháng 11 đến tháng 2 (mùa khô) và thấp từ tháng 6 đến tháng 10 (mùa mưa).
Bản đồ phân bố nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm 2020 tại Hà Nội (trái) và TP.HCM (phải). Đồ họa: Live&Learn. |
Dựa trên kết quả nghiên cứu này, đại diện Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn) đưa ra nhiều khuyến nghị ứng dụng dữ liệu đa nguồn, bao gồm dữ liệu vệ tinh, giúp đánh giá tình hình ô nhiễm rõ hơn, để chính quyền xây dựng bản đồ bụi mịn PM2.5 và đưa ra các ưu tiên, mục tiêu, giải pháp quản lý phù hợp với tình hình địa phương.