Trong chỉ thị mới nhất, Ủy ban Giám sát Chất lượng Không khí New Delhi nêu rõ ngoại trừ xe vận chuyển hàng hóa thiết yếu, các xe tải không cần thiết khác đều bị cấm lưu thông tại thủ đô New Delhi cho đến ngày 21/11, AFP đưa tin ngày 17/11.
Sáu trong số 11 nhà máy nhiệt điện trong bán kính 300 km xung quanh New Delhi cũng được yêu cầu dừng hoạt động.
Ủy ban cho biết ít nhất 50% nhân viên tại các cơ quan chính phủ làm việc từ xa và khuyến khích nhân viên các doanh nghiệp tư nhân thực hiện biện pháp tương tự.
Ấn Độ phải sử dụng "súng chống ô nhiễm", phun nước dạng sương, để cải thiện tình trạng chất lượng không khí tại khu vực. Ảnh: AFP. |
Chất lượng không khí đã trở nên tồi tệ trên khắp miền Bắc Ấn Độ và các vùng lân cận ở nước láng giềng Pakistan những năm gần đây, do khí thải công nghiệp, thói quen đốt rạ sau mùa thu hoạch và nhiệt độ lạnh vào mùa đông tạo thành khói độc.
New Delhi liên tục bị xếp hạng là thủ đô ô nhiễm nhất thế giới, với mức độ ô nhiễm trong tuần trước lên tới hơn 30 lần so với giới hạn tối đa mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị.
Trong khi đó, Lahore, một thành phố với hơn 11 triệu dân ở tỉnh Punjab gần biên giới với Ấn Độ, được ghi nhận là thành phố ô nhiễm nhất thế giới hôm 17/11, theo Cơ quan Giám sát Chất lượng Không khí của Thụy Sĩ.
"Những đứa trẻ đang mắc bệnh về hô hấp. Vì Chúa, hãy tìm ra giải pháp", Muhammad Saeed, một người lao động trong khu vực, cho biết.
Trong những năm gần đây, người dân Lahore tự chế tạo máy lọc không khí và đệ đơn kiện chính quyền vì không có biện pháp hiệu quả đối với tình trạng ô nhiễm.
Tuy nhiên, giới chức địa phương không hành động gì đáng kể, mà thay vào đó đổ lỗi cho Ấn Độ hoặc cho rằng các con số ô nhiễm bị phóng đại.
"Chúng tôi chỉ có thể cầu xin họ kiểm soát ô nhiễm. Tôi đọc được thông tin rằng Lahore có chất lượng không khí tồi tệ nhất và sau đó đến New Delhi của Ấn Độ. Nếu tiếp tục như vậy, chúng tôi sẽ chết dần", Saeed nói. Anh cho biết đã không còn đưa các con ra ngoài dạo chơi vì không khí ô nhiễm nghiêm trọng.