Thủ đô New Delhi của Ấn Độ chìm trong màn khói dày đặc 2 ngày liên tiếp, khi lễ hội Diwali (hay lễ hội ánh sáng) của người theo đạo Hindu diễn ra. Việc người dân chống lệnh cấm bắn pháo hoa, cũng như nông dân đốt rơm rạ hàng loạt, tạo ra làn khói ô nhiễm độc hại bao trùm thủ đô, theo Channel News Asia. Ảnh: Reuters. |
Hôm 6/11, chỉ số Chất lượng Không khí Tổng quát (AQI) tại New Delhi lên đến 456 trên thang điểm 500. Chỉ số này cho thấy tình trạng ô nhiễm không khí ở mức cực kỳ nguy cấp, có khả năng ảnh hưởng tới ngay cả những người khỏe mạnh, đồng thời tác động rất tiêu cực tới người có bệnh nền. Ảnh: Reuters. |
Chỉ số AQI được dùng để đo lường mật độ các hạt bụi PM2.5 - bụi mịn li ti kích thước dưới 2,5 micro tồn tại trong không khí. Hạt bụi PM2.5 có thể gây ra các bệnh về tim mạch và hô hấp như ung thư phổi. Ảnh: Reuters. |
Trên mạng xã hội, nhiều người phàn nàn về tình trạng ô nhiễm không khí ở thủ đô New Delhi. "Ô nhiễm ở Delhi khiến cuộc sống ở thủ đô rất khó khăn, hay ít nhất là khó có thể sống ở đây trong thời gian dài. Chúng ta đang phải hít khói mỗi ngày. Các chính trị gia hứa sẽ giải quyết vấn đề, nhưng điều tương tự lại xảy ra vào năm sau đó", một người tên Pratyush Signh cho biết. Ảnh: Reuters. |
New Delhi là thủ đô có chất lượng không khí thuộc nhóm tồi tệ nhất thế giới. Tình trạng ô nhiễm không khí cao điểm vào mùa đông. Mỗi năm, ô nhiễm không khí khiến khoảng một triệu người chết, đồng thời gây ra thiệt hại lớn về kinh tế cho các bang ở khu vực phía bắc. Ảnh: Reuters. |
Bộ Khoa học Ấn Độ cho biết mức độ ô nhiễm hiện nay ở New Delhi là hậu quả khi người dân bắn pháo hoa đêm 4/11, cũng như việc nông dân đốt rơm rạ khắp các con đường quanh thủ đô. Đây là khoảng thời gian nông dân đang phải xử lý các gốc rạ sau khi thu hoạch để chuẩn bị cho vụ mùa kế tiếp. Ảnh: Reuters. |
Dự báo tình hình không khí ở Ấn Độ sẽ được cải thiện kể từ tối 7/11. Tuy nhiên, chỉ số chất lượng không khí sẽ tiếp tục ở mức "rất xấu", có thể gây ra các bệnh về đường hô hấp nếu người dân hít thở ở ngoài trời trong thời gian dài, Bộ Khoa học Ấn Độ cảnh báo. Ảnh: Reuters. |