Theo New York Times, giá lúa mì gần đây đã giảm mạnh kể từ mức đỉnh vào tháng 2. Tuy giá giảm nhưng nguồn cung vẫn thiếu hụt khiến cho các chuyên gia lo lắng về khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Giống như các mặt hàng thiết yếu khác, giá lúa mì bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như địa lý, chính trị và thời tiết. Tuy rằng giá lúa mì giảm sẽ có lợi cho các nước chuyên nhập khẩu lương thực, nhưng điều này sẽ khiến cho nông dân ở các nước nông nghiệp chán nản và sản xuất ít hơn.
Việc giảm giá lúa mì giúp người nghèo tiếp cận được nguồn lương thực dễ dàng hơn nhưng không thể giải quyết hoàn toàn gốc rễ vấn đề.
Ông Ehsan Khoman - chuyên gia nghiên cứu thị trường của Mitsubishi UFJ Financial Group - cho rằng bức tranh toàn cảnh chưa thực sự thay đổi. "Giá lương thực rất có khả năng vượt tầm kiểm soát của chúng ta", ông cảnh báo.
Ông cho rằng ngoài việc kiểm soát giá cả lương thực ra, điều các nhà chức trách cần quan tâm đến chính là nguồn cung năng lượng và thực trạng biến đổi môi trường.
Giá hợp đồng tương lai lúa mì tại Chicago, Mỹ. Ảnh: The New York Times. |
Giá lúa mì biến động mạnh
Tháng 2/2022, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đã đẩy giá lương thực và nhiên liệu lên cao, nguyên nhân chính là do các lệnh trừng phạt từ phương Tây nhắm vào Nga đã làm gián đoạn nguồn cung của các mặt hàng này.
Giá lúa mì trong các hợp đồng tương lai vào tháng 1 là khoảng 7,7 USD/giạ (1 giạ khoảng 28 kg) và sau cuộc chiến giữa Nga - Ukraine, nó đã tăng vọt lên mức 13 USD. Tuy nhiên, vào tháng 6 vừa qua, giá lúa mì đã giảm mạnh xuống chỉ bằng mức đầu năm, vào khoảng 8 USD/giạ.
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), giá tăng và nguồn cung gián đoạn gây ảnh hưởng lớn cho người dân vì xuất khẩu lúa mì tại Nga và Ukraine chiếm tới 28% tổng lượng toàn cầu.
Giá lúa mì giảm tới gần một nửa trong khi các mặt hàng khác như xăng dầu hay khí đốt chỉ giảm một chút khiến cho người nông dân cũng mất dần động lực sản xuất.
Trong khi đó, cắt giảm sản lượng sẽ dẫn đến thiếu hụt lương thực, đặc biệt là đối với các nước nhập khẩu nhiều lúa mì từ Nga và Ukraine như Ai Cập, Indonesia hay Somalia.
Khó khăn trong xuất khẩu
Một trong những yếu tố chính khiến giá lúa mì giảm xuống trong thời gian gần đây chính là Nga và Ukraine đã đạt được một thỏa thuận cho phép xuất khẩu hơn 20 triệu tấn ngũ cốc bị mắc kẹt tại Biển Đen do chiến sự.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng thỏa thuận này có thể không được giữ vững trong thời gian lâu dài, vậy nên nó khó mà giải quyết được toàn bộ vấn đề của thị trường ngũ cốc toàn cầu.
Theo bà Tracey Allen, chiến lược gia mảng hàng hóa nông nghiệp tại JPMorgan Chase, thỏa thuận này chỉ là giải pháp tạm thời cho tình trạng thiếu lương thực toàn cầu.
Tàu Razoni chở 26.000 tấn bắp rời cảng của Ukraine ngày 1/8. Ảnh: Reuters. |
Trên thực tế, nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như giá năng lượng, giá phân bón và những yếu tố liên quan đến biến đổi khí hậu. Những vấn đề này còn đóng vai trò lớn hơn cả một thỏa thuận xuất khẩu bền vững giữa Nga và Ukraine. Chính vì vậy, các chuyên gia vẫn thiên về khả năng giá lúa mì tăng trở lại.
“Giá cả còn cao hơn nữa và người tiêu dùng sẽ dễ dàng nhận ra khi họ đi mua đồ ở siêu thị”, bà Allen nói thêm.
Biến đổi khí hậu
Trên thực tế, thị trường lương thực toàn cầu đã phải chịu nhiều áp lực do hạn hán và biến đổi khí hậu từ năm ngoái.
Ngoài Argentina và Nga dự kiến có một mùa vụ bội thu vào hè này, các quốc gia nông nghiệp khác đều bị ảnh hưởng bởi nắng nóng gay gắt và lượng mưa giảm mạnh.
Ở Canada, một trong những quốc gia cũng xuất khẩu nhiều lúa mì, nhiệt độ đã tăng vọt lên mức kỉ lục. Cuối tháng 7/2021, tới hơn 70% diện tích đất nông nghiệp ở Canada bị khô bất thường và không thể trồng trọt.
Theo USDA, tổng sản lượng lúa mì của nước này đã giảm tới 40% so với cùng kì năm 2020, khiến cho lượng xuất khẩu sang các nước Mỹ Latinh giảm hơn 3 triệu tấn.
Thời tiết khô hạn ở Carmagnola, Italy. Ảnh: CNN. |
Thời tiết kém thuận lợi, nguồn cung toàn cầu giảm sút đã đẩy giá lúa mì đầu năm nay tăng hơn 30% so với cùng thời điểm năm 2020.
Trong khi sản lượng nông sản của Canada và Dakota (Mỹ) được dự báo sẽ tăng trong năm tới, đến lượt châu Âu và Ấn Độ phải hứng chịu một đợt nắng nóng kỷ lục làm dấy lên quan ngại về việc năng suất sẽ giảm mạnh.
Các chuyên gia khí hậu còn cảnh báo rằng những biến động về thời tiết sẽ ngày càng rõ rệt hơn và ảnh hưởng xấu đến nền nông nghiệp toàn thế giới.
Giá dầu tăng cao ảnh hưởng đến nông dân
Ngoài những điều trên, giá dầu cũng là một yếu tố quan trọng khi nó ảnh hưởng phần lớn đến chi phí vận hành thiết bị tại nông trại và cả chi phí vận chuyển ngũ cốc. Giá khí tự nhiên như nitơ thậm chí còn quan trọng hơn vì chúng được sử dụng để sản xuất phân bón.
Nga, nhà sản xuất phân bón lớn nhất thế giới, mới đây đã hạn chế cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu. Điều này không chỉ khiến giá nhiên liệu tăng cao mà còn đẩy giá thành của phân bón làm từ nitơ lên cao khiến cho giá lúa mì cũng tăng theo.
Chính chi phí nhiên liệu và phân bón tăng cao đã ăn vào lợi nhuận mà người nông dân có thể kiếm được, khiến cho người dân ở các nước nông nghiệp mất dần động lực sản xuất.
Ông Dan Basse - chủ tịch công ty nghiên cứu nông sản AgResource - cho rằng điều này thực sự đúng với Ukraine, nhất khi quốc gia này còn gặp cả khó khăn trong việc xuất khẩu lương thực.
Một trang trại lúa mì ở Ukraine. Ảnh: New York Times. |
USDA dự báo khối lượng lúa mì mà Ukraine xuất khẩu sẽ giảm xuống chỉ còn 10 triệu tấn thay vì 18,8 triệu tấn so với tháng 12 năm ngoái.
"Nông dân không đủ khả năng để trồng vụ tiếp theo. Giá lúa mì thế giới cần tăng lên mới có thể khuyến khích họ trong vụ mùa sắp tới", ông Basse chia sẻ thêm.
Tuy nhiên, ngay cả khi tăng giá để kích thích sản xuất, nông dân tại khu vực có chiến sự ở Ukraine vẫn gặp nhiều khó khăn vì không có nơi canh tác. Bà Allen cho rằng giá cao đến đâu không quan trọng. "Vấn đề bây giờ là làm thế nào để đưa được lương thực đến tay người tiêu dùng".