Lũ lụt và hạn hán tàn phá mùa màng buộc nhiều nông dân Campuchia từ bỏ ruộng đồng, đến làm thuê cho các lò gạch, nơi họ phải vật lộn với công cuộc mưu sinh và rơi vào cảnh nợ nần.
|
Là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á, Campuchia đang đẩy mạnh ngành công nghiệp xây dựng với hàng loạt các tòa văn phòng, nhà máy, trung tâm mua sắm và khách sạn. Điều này đồng nghĩa với nhu cầu nguyên vật liệu xây dựng tăng cao. Tuy nhiên, một báo cáo mới đây đã chỉ ra mặt tối trong bức tranh toàn cảnh của đất nước chùa tháp.
|
|
Rời khỏi khu đô thị với những tòa nhà chọc chời, có thể thấy nhiều cột khói đen bốc lên từ các lò gạch ở vùng nông thôn Campuchia. Giáo sư Katherine Brickell là một trong những chuyên gia phỏng vấn 80 nhân công của 30 lò gạch tại 3 ngôi làng. Bà đã phân tích kết quả thu được từ 308 hộ nông dân phải đến lò nung làm thuê và kết luận: “Biến đổi khí hậu đã đẩy họ vào cảnh nợ nần. Vì vậy đối phó với biến đổi khí hậu là nhu cầu cấp thiết, bởi nó đang tác động xấu tới người dân Campuchia”.
|
|
Theo Guardian, mới đây các nhà nghiên cứu từ đại học London lần đầu tiên tìm ra mối liên hệ rõ ràng giữa biến đổi khí hậu và tình trạng bóc lột sức lao động, hay còn được coi là chế độ nô lệ thời hiện đại, trong ngành công nghiệp sản xuất gạch nung Campuchia. Những người nông dân làm thuê phải liều mạng để làm ra những viên “gạch máu”, vật lộn với công cuộc mưu sinh và rơi vào cảnh nợ nần.
|
|
Giống như nhiều nông dân khác, anh Veasna nói rằng mưa nắng thất thường khiến tình trạng sâu bệnh phá hoại mùa màng ngày càng trầm trọng. Trong hai thập kỷ qua, chi phí mua hóa chất như thuốc trừ sâu đã tăng lên nhanh chóng. Chưa kể số tiền đầu tư vào công nghệ tưới tiêu cũng là một khoản vay lớn. Khi vụ mùa không thu được kết quả như mong đợi do hạn hán hoặc lũ lụt, họ buộc phải vào làm việc cho các lò gạch.
|
|
Với lời hứa sẽ giúp nông dân trả nợ, các chủ lò gạch sẽ buộc họ phải làm thuê cho tới khi số tiền được hoàn trả hết. Họ phải làm việc trong môi trường luôn rình rập nguy hiểm mặc cho việc ràng buộc người lao động như thế này được luật quốc tế quy thành một hình thức tương đương lao động nô lệ.
|
|
Trong ảnh, anh Boran, một nông dân làm việc tại lò nung, đang dồn đất sét vào máy đúc gạch. Các loại máy móc thô sơ như thế này rất nguy hiểm, nhưng họ không có sự lựa chọn nào khác. Gia đình của anh Boran nợ chủ lò gạch 2.500 USD, số tiền nhiều hơn mức thu nhập của họ trong một năm. Chủ lò gạch sẽ “không tính lãi”, nhưng mức lương dành cho người lao động là vô cùng bèo bọt.
|
|
Giống như nhiều người lao động khác tại đây, bà Leakena được trả lương dựa theo hiệu suất công việc. Vì vậy bà luôn cố gắng làm nhanh nhất có thể. Bà và nhiều người khác thường bị bệnh đau nửa đầu, chảy máu cam và nhiều bệnh nghiêm trọng hơn.
|
|
Quá trình nung gạch kéo dài khoảng 10 ngày. Trong thời gian đó, người lao động thường phải làm đêm để kịp hoàn thành công việc và tranh thủ kiếm tiền. Bởi vào mùa mưa, sản xuất có nguy cơ bị đình trệ vì thời tiết xấu, trong khi chủ lò không cho phép họ đi kiếm việc khác.
|
|
Hậu quả là lò gạch giờ đây trở thành nơi ở và nơi làm việc của nhiều hộ dân. Người lao động sống trong những khu nhà dựng bằng tôn sắt xập xệ gần lò nung. Đây cũng là không gian cho họ gặp gỡ, ăn uống, giao lưu và là nơi gắn bó với tuổi thơ của trẻ em “xóm gạch”.
|
|
Những người chủ lò muốn nông dân đưa cả gia đình đến đây vì như vậy sẽ giảm thiểu nguy cơ họ bỏ chạy để trốn nợ. Điều đó có nghĩa là trẻ em hiện trở thành phương thức bảo đảm cho cha mẹ. Một người nông dân nói với Guardian: “Nếu chúng tôi muốn về quê, ông chủ sẽ giữ lại vợ, hoặc để cho người vợ đi nhưng giữ lại bọn trẻ, vì họ muốn đề phòng trường hợp chúng tôi chạy trốn. Ông ấy quá nghiêm và tinh ranh”.
|
|
Trẻ em từ 10 tuổi trở lên đều vào lò gạch làm việc để nhanh chóng giúp cha mẹ trả nợ. Achriya, một công nhân tại đây, nói: “Khi tôi đến tuổi phải làm việc, chủ lò gạch đã bảo tôi điểm chỉ vào giấy nợ của bố mẹ. Nhưng hiện tại tôi đã có chồng con và khoản nợ ấy vẫn tiếp tục tăng lên. Trong tương lai, có lẽ con tôi cũng sẽ như vậy, điểm chỉ đúng vào nơi có dấu vân tay của mẹ chúng”.
|
|
Tina Redshaw, đại sứ Anh tại Campuchia, nói với Guardian: “Chế độ nô lệ thời hiện đại đang ngày càng phổ biến trong những lò gạch tại Campuchia, như một cách thích ứng của người nông dân với biến đổi khí hậu. Do đó hai vấn đề toàn cầu này không tách rời nhau mà cùng là hậu quả trên các khía cạnh kinh tế, sinh thái và xã hội”.
|
|
Nghiên cứu của đại học London cho thấy biến đổi khí hậu cùng nguồn trợ cấp nông nghiệp hạn chế của chính phủ khiến nông dân ngày càng lâm vào cảnh bấp bênh. 79% dân số Campuchia sống ở khu vực nông thôn. Trong số đó, 42% coi canh tác nông nghiệp là kế sinh nhai. Trong hai thập kỷ qua, chính phủ đã tìm cách tăng quyền sở hữu cũng như bán đất cho mục đích đầu tư.
|
|
Nghiên cứu cũng đề xuất nhiều chính sách cho chính phủ Campuchia, bao gồm tăng cường bảo trợ xã hội, hỗ trợ sinh kế cho người dân nông thôn và đẩy mạnh thực thi luật lao động để ngăn chặn tình trạng lao động lệ thuộc vì nợ.
|
lao động nô lệ ở Campuchia
Anh
Campuchia
Campuchia
lò gạch
lao động nô lệ
biến đổi khí hậu