Một ngày sau vụ vỡ đập Xe-Pian Xe-Namnoy tại Lào, Bộ Tài nguyên nước và Khí tượng thủy văn Campuchia đưa ra cảnh báo yêu cầu người dân tỉnh Stung Treng, địa phương nằm cạnh sông Sekong, cẩn thận với dòng nước lũ từ Lào.
Từ tối 24/7, 1.200 gia đình đã di tản khỏi 4 xã thuộc quận Siem Pang, tỉnh Stung Treng, Al Jazeera dẫn lời ông Men Kong, người phát ngôn của tỉnh.
Nước lũ dâng tại tỉnh Stung Treng, Campuchia sau sự cố vỡ đập tại Lào. Ảnh: Bộ Tài nguyên nước và Khí tượng thủy văn Campuchia. |
"Tất cả đã di chuyển đến vị trí an toàn. Khoảng 5.000 gia đình đang sinh sống tại quận Siem Pang. Nước lũ từ Lào đã ảnh hưởng đến khu vực thượng nguồn sông Sekong và sẽ tiếp tục gây ngập các vùng hạ lưu", ông Men Kong nói.
Theo Al Jazeera, chính quyền địa phương đã yêu cầu các tổ chức dân sự trợ giúp cứu hộ.
Người phát ngôn Bộ Tài nguyên nước và Khí tượng thủy văn Campuchia Chan Yutha cho biết nước lũ tiếp tục dâng cao khỏi mức 11,5 m trong khi 200 binh sĩ và cảnh sát đã được điều động đến hiện trường để hỗ trợ người dân di tản.
"Chúng tôi đang lo lắng vì mực nước dâng bất thường", người phát ngôn cho biết.
Vị trí đập phụ (số 1) bị vỡ vào đêm 23/7, thuộc dự án thủy điện Xe Pien-Xe Namnoy. Đồ họa: Nhân Lê. |
Ngày 25/7, Ủy ban Sông Mekong (MRC) dự báo các thị trấn tại tỉnh Stung Treng và Kratie ở vùng hạ lưu nên có thể sẽ không bị ngập trong vài ngày tới. Tuy nhiên, tổ chức này vẫn tiếp tục giám sát tình hình.
Ông Kry Solany thuộc tổ chức Làng tôi, cơ quan phi chính phủ hỗ trợ cung cấp thức ăn và nước sạch, bày tỏ sự lo lắng khi chính quyền không đưa ra kế hoạch di tản người dân trước khi lũ đến.
"Chính quyền quận Siem Pang đã tuyên bố tình trạng lũ lụt", ông Kry Solany nói. Ông cho biết thêm rằng hầu hết người dân tại tỉnh Stung Treng sống gần bờ sông. Vì vậy nếu mực nước tăng, họ sẽ bị ảnh hưởng.
Một cây cầu tại Campuchia bị hư hại vì nước lũ. Ảnh: Al Jazeera. |
Sự cố vỡ đập xảy ra vào tối 23/7, mang theo 5 tỷ m3 nước đổ xuống sông Xe Namnoy, sau đó chảy vào sông Sekong đến Campuchia.
Việc phát triển các dự án thủy điện tại lưu vực sông Mekong là đề tài tranh cãi trong nhiều năm qua, khi các cộng đồng nông thôn nghèo khó sống dựa vào nghề đánh bắt thủy sản phải đối phó với việc giảm sản lượng đến 40%.