Theo ông Nguyễn Chí Thắng, giám đốc công ty Phát triển Nông nghiệp Hoàng Anh - Attapeu, 15 bác sĩ được tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cử đến địa bàn đã bắt đầu khám chữa bệnh cho các nạn nhân vào sáng nay.
Nhiều đơn vị hỗ trợ lương thực, thực phẩm, quần áo, thuốc men cho các nạn nhân vụ vỡ đập Xe-Pian Xe-Namnoy. Ảnh: NVCC. |
Vận chuyển cứu trợ bằng trực thăng và xuồng
Trả lời Zing.vn, ông Mai Khắc Tú, thư ký của đại sứ Việt Nam tại Lào, xác nhận thông tin trên.
Ông Thắng cho biết thêm 26 công nhân thuộc công ty Phát triển Nông nghiệp Hoàng Anh - Attapeu bị cô lập sau vụ vỡ đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy đã được hỗ trợ phương tiện để về nhà. Trước đó, nước lũ từ vụ vỡ đập làm hư cầu bê-tông, khiến các công nhân trên không được tiếp tế lương thực, thực phẩm.
Tất cả 26 công nhân, trong đó có 1 người Việt, đều ở trong tình trạng an toàn khi được trực thăng giải cứu.
Tham dự cuộc họp của đội cứu hộ tỉnh Attapeu, ông Chí Thắng cho biết chính quyền địa phương đang phối hợp cùng lực lượng ứng cứu từ các nước như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc để vận chuyển nhu yếu phẩm bằng trực thăng và xuồng đến một số địa bàn chưa thể tiếp cận do nước lũ chưa rút.
15 bác sĩ bệnh viện Đại học Y dược - Hoàng Anh Gia Lai đã hỗ trợ bệnh viện đa khoa tỉnh Attapeu khám chữa cho các nạn nhân vụ vỡ đập sáng 26/7. Ảnh: NVCC. |
Buộc con vào người
Ông Hồ Xuân Chính, nhân viên công ty Mía đường TTC Attapeu - Lào tại huyện Saysettha, tỉnh Attapeu cho biết khu vực nơi ông làm việc không chịu ảnh hưởng từ vụ vỡ đập. Tuy nhiên, đồng nghiệp của ông tại huyện Samakkixay chịu tình cảnh nước ngập nửa người sau sự cố, gây khó khăn cho sinh hoạt.
"Rất may là đa số anh em đều an toàn. Công ty chúng tôi đang quyên góp để hỗ trợ công nhân sinh sống và làm việc tại khu vực ngập hoặc có người thân chịu ảnh hưởng bởi sự cố vỡ đập", ông Chính nói.
Trả lời AFP, anh Tran Van Bien, 47 tuổi, người làng Ban May gần địa điểm vỡ đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy, cho biết anh chỉ được thông báo di tản 2 tiếng trước khi sự cố xảy ra vào đêm 23/7. Anh kể mình cùng gia đình lập tức chạy sang nhà hàng xóm khi nhà của anh nhanh chóng ngập nước.
"Chúng tôi ngồi trên mái nhà cả đêm, vừa lạnh vừa sợ hãi. Khoảng 4h thì một chiếc tàu gỗ chạy ngang, tôi đã để vợ và con lên trước", anh trả lời phỏng vấn sau khi tìm được chỗ trú an toàn. "Vợ tôi buộc con vào người, nói rằng nếu có chết thì họ sẽ chết cùng nhau", anh kể.
Trong cuộc họp báo chiều 25/7, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith cho biết 26 người chết, 131 người mất tích trong vụ vỡ đập. Tất cả nạn nhân đều là người Lào.
Các bác sĩ dự kiến sẽ đến tận địa bàn ngập lụt. Ảnh: NVCC. |
Theo ABC Laos News, 6 bản ở tỉnh Attapeu với số dân cư 6.631 người chịu ảnh hưởng từ sự cố vỡ đập, 131 người mất tích, 26 người thiệt mạng và 587 người mất nhà cửa.
Vị trí đập phụ (số 1) bị vỡ vào đêm 23/7, thuộc dự án thủy điện Xe Pien-Xe Namnoy. Đồ họa: BBC. |
Nhiều quốc gia đã viện trợ khẩn cấp cho Lào sau sự cố vỡ đập. Không quân Hoàng gia Thái Lan cử máy bay vận tải C-130 mang theo 10.000 thùng nước, 2.000 chăn mền, 49 bộ lọc nước, lương thực, thực phẩm và một số loại thuốc men tiếp tế cho vùng ngập lụt.
Chính phủ Nhật Bản cũng được yêu cầu trợ giúp các nạn nhân của vụ vỡ đập. Đại sứ quán Nhật Bản tại Lào cho biết Tokyo đã viện trợ nhân đạo lều và chăn mền thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).