Hàng nghìn người dân, phần lớn ở các khu vực hẻo lánh tại tỉnh miền cực đông của Lào, phải rời bỏ nhà cửa hoặc mắc kẹt giữa dòng nước sau khi con đập trên sông Xe Pian bị vỡ.
Petchinda Chantamart nghe gì đó như một quả bom vừa phát nổ trong bán kính vài km. Rồi có âm thanh gì đó là lạ, như một cơn gió lớn. Linh tính của Chantamart mách bảo đó là gì: Một trong những con đập đang xây làng của bà đã sụp đổ. Bà đánh động hàng xóm.
"Nước đang đến", Chantamart kể lại với phóng viên New York Times.
Trong vòng nửa giờ, nước đã dâng lên đến hơn 9 m tại ngôi làng Xay Done Khong của Chantamart và vẫn không có dấu hiệu ngừng lại. Nhưng Chantamart là một người may mắn. Hàng trăm dân làng Xay Done Khong đã chạy thoát nhưng 15 người vẫn mất tích, trong đó có 9 đứa trẻ.
Từ ngày 22/7, tức một ngày trước khi thảm họa xảy ra, công ty Hàn Quốc tham gia dự án, SK Engineering & Construction (SK E&C) đã biết về các vết nứt đầu tiên trên đập phụ D của dự án đập Xepian Xe Nam Noy trên sông Xe Pian, họ bắt đầu sửa chữa đồng thời cảnh báo chính quyền, người dân địa phương. Thế nhưng, việc khắc phục vết nứt gặp khó khăn vì mưa lớn và đường sá nguy hiểm.
Những nỗ lực khắc phục vết nứt và xả nước trên đập chính đã không ngăn được vết nứt khác tiếp tục xuất hiện trên đập phụ này và khiến nó sụp vào 20h ngày 23/7. Tin tức bay đi còn chậm hơn, truyền thông chỉ biết được thông tin này sau đó gần 20 tiếng, tức chiều 24/7.
Lào, một trong những nghèo nhất châu Á, không phải địa danh thường xuyên xuất hiện trên truyền thông quốc tế. Trong vài dịp hiếm hoi báo chí nói về Lào, đó là những dự án thủy điện dòng trên dòng chính và các nhánh của sông Mekong với tham vọng của Vientiane nhằm trở thành "nguồn điện" của châu Á. Một lần khác, là khi bức tường nước khổng lồ sụp xuống và giấc mơ đó biến thành ác mộng.
Người dân dùng thuyền chạy trốn khỏi vùng lũ. Ảnh: Reuters. |
Trong một đoạn video của ABC Laos News, người dân không kịp di tản đứng rải rác trên những mái nhà chật hẹp và trò chuyện với nhau, ngăn giữa họ là biển nước mênh mông. Những chú tiểu vẫn mặc nguyên bộ đồ tu trong khi những ngôi chùa màu vàng đặc trưng tại Lào cũng chỉ còn phần đỉnh tháp nhô lên khỏi mặt nước nâu đục. Người quay lại đoạn video trên có lẽ cũng đứng từ một mái nhà.
Trong đoạn video khác, một người phụ nữ trông thất kinh đang bước lên chiếc thuyền cùng đứa con của cô, nói rằng mẹ mình vẫn đang mắc kẹt trên một ngọn cây.
"Nước quá nhanh, chúng tôi chỉ có thể rời nhà và chạy trốn", AP dẫn lời Phon Vuongchonpu, người đã cùng gia đình 12 người của mình chạy trốn vì nước dâng tới mái nhà họ. "Chúng tôi mất tất cả: xe máy, đồ đạc, bò và lợn".
Số người bị mất nhà cửa trong vụ vỡ đập ước tính hơn 6.000 người. Đến chiều 25/7, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith cho biết đã phát hiện được 26 thi thể trong khi vẫn còn 131 người mất tích. Tất cả đều là người Lào ở tỉnh Attapeu.
Trước đó, Chủ tịch huyện Sanamxay (tỉnh Attapeu) Bounhom Phommasane nói rằng có hơn 3.000 người cần được giải cứu. Khoảng 2.851 nạn nhân đã được cứu.
Hiện chưa có thông tin về diện tích vùng ngập lụt, chỉ có hình ảnh từ trực thăng cứu hộ cho thấy những vùng biển nước đục ngầu rộng mênh mông trong khi nhà cửa chỉ còn phần mái chưa bị nhấn chìm.
Trao đổi với Zing.vn, Ian Baird, giáo sư địa lý tại ĐH Wisconsin-Madison (Mỹ) và là một chuyên gia về Lào, nói rằng vùng lòng chảo ở hạ lưu con sông Xe Pian khá bằng phẳng, đó là khu vực huyện Sanamsay, nơi tọa lạc của những bản làng hẻo lánh trong khi vùng phía trên có một ít vùng địa hình núi non. Nước từ sông Xe Namnoy sẽ chảy vào sông Sekong rồi vào Campuchia.
"Có một nút thắt cổ chai ở sông Sekong và sẽ khiến dòng nước rút đi chậm hơn", ông nói.
Chuyên gia này lo ngại rằng công ty xây dựng có thể sẽ xả thêm nước để ngăn chặn con đập hư hại thêm. Dung tích con đập bị vỡ được cho là 5 tỷ m3, tương đương 2 triệu hồ bơi đạt chuẩn Olympics, tuy nhiên hiện vẫn chưa rõ lượng nước xả ra khi đập vỡ là bao nhiêu. Truyền thông Thái Lan dẫn thông tin từ một công ty có tham gia đầu tư cho biết lượng nước xả ra khoảng 1,034 tỷ m3.
Chính quyền tỉnh Attapeu đã kêu gọi sự giúp từ các cơ quan chính quyền, doanh nghiệp, tổ chức và cả người dân. Các nước lân cận và các nước có liên quan đã bắt đầu đề nghị giúp đỡ Lào đối phó với thảm họa này. Dù vậy, trong trường hợp có đủ nguồn nhân lực và vật lực cứu hộ, họ vẫn gặp khó khăn bởi khu vực ngập nước rộng lớn và điều kiện đi lại khó khăn.
Ông Baird cho rằng đó là một khu vực hẻo lánh, tình trạng đường sá đều tệ, vì vậy sẽ khó khăn để chính phủ Lào tổ chức ứng cứu. Attapeu là tỉnh cực đông của Lào, nằm sát dãy Trường Sơn của Việt Nam và cách thủ đô Vientiane 582 km. Theo ông Baird, việc quan trọng là các công ty phải nhận trách nhiệm vì đây là một thảm họa nhân tai, không phải thiên nhiên.
"Nếu các công ty không có đủ nguồn lực, họ không nên xây đập. Nếu họ đã đầu tư nhiều tiền vào đó như thế, họ nên gánh lấy trách nhiệm".
"Đó là lỗi của con người", chuyên gia này nói với Zing.vn.
Trong thông cáo đưa ra sau vụ vỡ đập, International Rivers, một nhóm hoạt động vốn đã phản đối việc xây dựng nhiều đập thủy điện ở Lào, nói rằng trong khi Lào cho xây nhiều nhà máy thủy điện hơn, hệ thống cảnh báo an toàn thường thiếu vắng trong thiết kế.
Tổ chức này nói sự cố với đập Xe-Pian Xe-Namnoy đã cho thấy những "nguy cơ lớn" liên quan đến những thiết kế đập "không thể đáp ứng điều kiện thời tiết cực đoan".
"Các hiện tượng thời tiết cực đoan và khó lường đang ngày càng diễn ra thường xuyên hơn tại Lào và khu vực vì biến đổi khí hậu", theo tuyên bố của International Rivers.
"Điều này cũng cho thấy sự thiếu vắng hệ thống cảnh báo cho những công trình xây dựng và vận hành đập thủy điện. Cảnh báo thường được đưa ra rất trễ và không có tác dụng trong việc đảm bảo người dân được báo trước để bảo vệ bản thân và gia đình".
Hãng thông tấn nhà nước Lào KPL cho biết sự cố vỡ đập xảy ra tại công trình thủy điện đang được xây dựng bởi Công ty Năng lượng Xe Pian Xe-Namnoy (viết tắt PNPC). PNPC là công ty liên doanh được thành lập vào tháng 3/2012 giữa một doanh nghiệp nhà nước Lào với hai doanh nghiệp Hàn Quốc và một doanh nghiệp Thái Lan.
Tình nguyện viên nấu ăn cho người dân tại một nơi tạm trú. Ảnh: New York Times. |
Yonhap dẫn lời một quan chức của SK E&C, tức doanh nghiệp Hàn Quốc, cho biết khu vực nơi con đập được xây dựng đã chịu ảnh hưởng của mưa lớn gấp 3 lần mức bình thường. Và đây là nguyên nhân gây ra sự cố vỡ đập, theo Ratchaburi Electricity Generating, doanh nghiệp Thái Lan trong liên doanh PNPC.
Thông cáo báo chí của công ty này cho biết "Đập phụ D" của dự án, rộng 8 m, dài 770 m, cao 16 m, có công dụng hỗ trợ chuyển nước cho hồ Xe Namnoy, đã bị vỡ vào tối 23/7. Nước tràn xuống khu vực hạ du và sông Xe Pian cách đập 5 km.
Đập bị vỡ nằm trong 5 đập phụ của dự án thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy. Dự án này còn có 2 đập chính, hợp thành một phức hợp các đập chuyển dòng và dẫn nước từ các sông Houay Makchanh, Xe Namnoy và Xe Pian đổ về hệ thống thủy điện.
"Sự cố xảy ra do mưa lớn kéo dài, khiến lượng nước chảy vào hồ chứa của dự án tăng cao", thông cáo cho biết.
Chủ tịch SK E&C Ahn Jae Hyun cùng các lãnh đạo công ty đã rời Hàn Quốc tới Lào để đánh giá mức độ thiệt hại và hỗ trợ các chiến dịch cứu hộ tại đây. Công ty điều động máy bay trực thăng từ Thái Lan tới giải cứu những người bị mắc kẹt giữa dòng nước lũ.
Theo AP, dự án thủy điện tại Lào được kỳ vọng là nguồn doanh thu lớn cho SK E&C trong những năm tới. Công ty này là một thành viên của Tập đoàn SK, một trong 3 tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc.
Với đất nước nằm gọn trong lục địa và có địa hình phần nhiều núi non, chính phủ Lào nhìn thấy sông Mekong và lượng nước chảy qua hệ thống sông ngòi của họ chính là tiềm năng phát triển kinh tế. Trước khi con đập phụ bị sập, dự án thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy ở tỉnh Attapeu là một phần của tham vọng đó.
Trong nhiều năm qua, Lào đã xây dựng hoặc lên kế hoạch xây dựng nhiều nhà máy thủy điện, đặc biệt là trên sông Mekong, bất chấp những cảnh báo về tác động tiêu cực. Lượng điện này hầu hết được bán sang các nước láng giềng như Thái Lan, trở thành một trong những nguồn thu chính của Lào.
Nhà máy này có công suất thiết kế 410 MW, ước tính cung cấp khoảng 1.860 GWh điện/năm khi đưa vào sử dụng. Công trình thủy điện trị giá ước tính 1,02 tỷ USD cũng là dự án BOT đầu tiên được thực hiện bởi các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Lào.
Nhà máy dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2019. Theo kế hoạch, khoảng 90% lượng điện sản xuất ra sẽ được xuất khẩu sang Thái Lan, phần còn lại được phân phối tại địa phương.
Một dự án khác là "siêu thủy điện" gây tranh cãi ở Xayaburi, do tập đoàn Thái Lan CH Karnchang dẫn dắt. Nhà máy với công suất 1.285 megawatt, ước tính tiêu tốn khoảng 3,5 tỷ USD, dự kiến đi vào hoạt động trong 1-2 năm tới.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, ngành kinh tế dựa trên tài nguyên thiên nhiên như thủy điện, khai khoáng và rừng vẫn đóng góp 1/3 cho tăng trưởng nước này. Theo một bài viết trên tạp chí Diplomat hồi tháng 4, Lào đang vận hành 42 nhà máy điện trên toàn quốc, trong đó có 39 nhà máy thủy điện. Tổng cộng 53 nhà máy thủy điện đang được xây dựng hoặc đã được lên kế hoạch, cùng với hơn 90 nhà máy thủy điện khác sẽ được xây dựng trong những năm tới.
Thủy điện đã biến Lào trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Theo Diplomat, khoảng 6,6 tỷ USD đã được rót vào các dự án thủy điện tại Lào kể từ năm 1986, chiếm khoảng 33,4% tổng đầu tư nước ngoài mà Lào thu hút.
Các chuyên gia đã cảnh báo về những tác động tiêu cực từ những con đập, bao gồm hệ lụy lâu dài với môi trường và nguy cơ với những ngành nghề truyền thống như đánh bắt cá và nông nghiệp tại tiểu vùng sông Mekong. Chẳng hạn, International Rivers, một tổ chức phi chính phủ đã theo dõi sông Mekong trong nhiều năm, liên tục nói rằng việc xây đập thủy điện sẽ làm suy giảm sản lượng nông nghiệp, đe dọa an ninh lương thực cũng như gia tăng đói nghèo.
Ủy hội Sông Mekong (MRC) hồi tháng 4 từng công bố một báo cáo chi tiết về sự đánh đổi giữa nguồn nước, năng lượng và lương thực xuất phát từ việc xây dựng 11 đập thủy điện lớn trên dòng chính Mekong cũng như 120 đập trên các dòng nhánh trong 20 năm tới. Trong báo cáo 3.600 trang, MRC đã cung cấp bằng chứng toàn diện để chứng minh cho những tác động tiêu cực, bao gồm việc lượng cá sẽ giảm 30 đến 40% vào năm 2040.
Bất chấp những cảnh báo, Lào dường như vẫn nỗ lực tăng cường lượng điện sản xuất nhờ khai thác hệ thống sông ngòi, đồi núi ở đất nước không giáp biển này. Năng lực sản xuất điện của Lào hiện vào khoảng 6.000 MW và nước này đặt mục tiêu tăng lên 14.000 MW vào năm 2020. Thái Lan hiện là khách hàng chính của Lào nhưng Lào cũng hướng đến xuất khẩu điện sang các nước khác, bao gồm các nước ở lục địa Đông Nam Á.
"Một khi họ xem mình là nguồn điện ở châu Á, xuất khẩu điện trở thành một trong những nguồn thu chính, nên về cơ bản là họ đang bán những tài nguyên tự nhiên như nước", Toshiyuki Doi, cố vấn cao cấp của tổ chức Mekong Watch, nhận xét trên AP.