Cách trung tâm thành phố Siem Reap khoảng 30 km là một bãi rác bốc mùi hôi thối nồng nặc. Anlong Pi là ngôi làng nơi toàn bộ lượng rác thải của tỉnh đổ về - trên một mảnh đất rộng 8 hecta từng là đất nông nghiệp.
Đây là trọng tâm trong cuộc tranh chấp giữa chính quyền địa phương, người dân và GAEA, một công ty điều hành việc thu gom và xử lý rác thải ở Siem Reap.
"Họ không coi chúng tôi là người"
Bãi rác Anlong Pi là đất tư nhân. Những người dân địa phương từng kiếm sống từ việc bới rác ở đây hiện nay phần lớn không được phép vào bên trong. Dù vậy, khiếu nại chính ở đây là về sự xuống cấp của môi trường địa phương. Khi bãi rác mở rộng, người dân ngày càng không thể sống nổi.
"Vào mùa khô, mùi hôi không quá kinh nhưng vào mùa mưa, mùi rất nặng vì nước thải chảy vào ruộng lúa và kênh rạch", nông dân địa phương tên Kit Heak cho biết. Anh bảo các giếng nước trong làng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, buộc nhiều người phải uống nước không an toàn.
"Trong đám cưới, chúng tôi phải vừa ăn vừa vẫy tay đuổi ruồi. Chúng tôi chỉ chịu đựng vì đây là quê hương của chúng tôi. Chúng tôi không biết đi đâu cả", một người dân tên Huot San nói.
"Chúng tôi bị ngứa tay và chân khi đi làm đồng. Công ty đó không coi chúng tôi là người nữa", ông nói thêm.
Bãi rác Anlong Pi rộng 8 hecta ở Siem Reap. Ảnh: CNA. |
Đã có những hứa hẹn rằng bãi rác sẽ được di dời trong vòng hai tháng. Trong động thái hiếm hoi của một quan chức chính phủ, ông Nuon Mony đã đặt cược sự nghiệp của mình vào việc biến điều đó thành hiện thực. Ông nói rằng sẽ từ chức nếu không tìm ra một địa điểm mới để đặt bãi rác.
Về phần mình, GAEA - một công ty của Pháp - thừa nhận cần có một giải pháp cho vấn đề nhưng nói rằng việc này cần sự hỗ trợ chính thức.
"Chúng tôi đang cố gắng giải quyết vấn đề một cách chuyên nghiệp. Nhưng chúng tôi không thể xử lý nó một cách phù hợp vì chúng tôi cần sự tham gia của chính phủ, cũng là để chăm lo cho những người dân đó", Ran Saroum, người phụ trách về môi trường và trách nhiệm xã hội của công ty GAEA, cho hay.
Trong khi đó, rác thải vẫn tiếp tục đổ về khi công ty cố gắng mở rộng dịch vụ của họ trên toàn tỉnh.
Cấm đồ nhựa tại Angkor Wat
Rác thải lâu nay đã được xem là vấn nạn nhức nhối tại Campuchia vì hạ tầng không đảm bảo và người dân vô ý thức. Tính bình quân đầu người, Campuchia là một trong những nước sử dụng đồ nhựa nhiều nhất thế giới.
Theo Liên minh Châu Âu (EU), mỗi ngày thủ đô Phnom Penh tiêu thụ 10 triệu chiếc túi nhựa. Mỗi người Campuchia trung bình sử dụng 2.000 chiếc túi nhựa mỗi năm, gấp 10 lần người châu Âu.
Nhà chức trách Campuchia sẽ xem xét việc ban hành lệnh cấm sử dụng sản phẩm nhựa tại quần thể di tích Angkor Wat nổi tiếng, nơi đang chịu áp lực lớn về vấn đề vệ sinh vì lượng du khách gia tăng.
Đền Angkor Wat năm 2017 đón hơn 2 triệu khách quốc tế. Ảnh: CNA. |
Theo V-Green, công ty được thuê để dọn dẹp vệ sinh tại địa điểm du lịch nổi tiếng, mỗi ngày họ thu gom khoảng 30 tấn rác thải trong phạm vi quần thể rộng 400 km2. Phần lớn lượng rác thải này là đồ nhựa.
Tại Siem Reap, thành phố có di sản Angkor Wat, nhiều du khách hơn đồng nghĩa với việc rác thải nhiều hơn.
Quần thể đền đài nổi tiếng một lần nữa được TripAdvisor bầu chọn là điểm đến số 1 thế giới năm nay, và lượng du khách vẫn tăng mạnh dù giá vé gần đây đã cao hơn trước. Trong 4 tháng đầu năm 2018, lượng du khách tăng 11% so với cùng kỳ 2017. Năm ngoái, nơi này thu hút hơn 2 triệu khách quốc tế đến tham quan.
Tuy nhiên, chính người bản địa mới là những người xả rác nhiều nhất tại khu di tích.
Anh Heang Narin, trợ lý giám đốc của V-Green, nói các khoảng đất trống bên trong quần thể Angkor Wat sáng nào cũng ngập tràn đồ nhựa thải loại, hộp cơm và túi đựng thức ăn mà những du khách Campuchia vứt ra.
"Hiện tại người dân đã hiểu biết hơn trước nhưng vẫn có một số ít người vẫn vô ý thức", anh nói.
"Khi chúng tôi ở đó, họ hợp tác với chúng tôi và khi chúng tôi rời đi, họ liền vứt rác khắp nơi, và sau đó đội ngũ của chúng tôi sẽ dọn dẹp. Nếu chúng tôi không dọn dẹp, họ sẽ đổ trách nhiệm cho công ty". Đội ngũ gồm 500 nhân viên vệ sinh chịu áp lực rất lớn trong việc dọn dẹp rác thải ở các con kênh và khu rừng bao lấy di tích.
Giờ đây, ý tưởng cấm sử dụng đồ nhựa nhận được sự ủng hộ của cơ quan giám sát việc quản lý quần thể di tích, APSARA, cũng như cơ quan quản lý môi trường khu vực và các tổ chức phi chính phủ địa phương.
"Đó là sáng kiến hay. Kiểu ý tưởng đó không chỉ là cho chúng tôi mà chúng tôi cần làm việc với người dân và làm việc với tất cả những người bán hàng", ông Long Kosal, đại diện APSARA, nói.
"Chấm dứt sử dụng túi nhựa và dùng bao bì tự nhiên là nguyên tắc mà chúng tôi ủng hộ".
Có nhiều tổ chức độc lập đang nỗ lự giảm thiểu lượng đồ nhựa được sử dụng và thải loại ở Siem Reap. Bà Sarah Rhodes của tổ chức Plastic Free Cambodia, nói bà hy vọng có thể sớm hợp tác với APSARA để thúc đẩy quá trình.
"Điều đó không phải sẽ rất tuyệt sao?", bà nói về lệnh cấm có thể được ban hành. "Chúng tôi sẽ tiếp tục hy vọng".
Nhân viên vệ sinh thu hơn 30 tấn rác mỗi ngày tại Angkor Wat. Ảnh: CNA. |
Song việc thực thi lệnh cấm lại là một vấn đề khác. Giám đốc cơ quan môi trường của Siem Reap, ông Noun Mony, cho rằng nếu không có sự giáo dục rõ ràng, mọi hình phạt sẽ không có hiệu quả.
"Cấm đoán sẽ không phải là điều tốt hoặc thành công trừ khi họ hiểu về những nguy cơ của việc sử dụng túi nhựa", ông nói. "Nếu chúng ta thực thi lệnh cấm một cách cứng nhắc thì đó sẽ là một thất bại.
"Tôi lấy ví dụ về giao thông. Trừ khi họ thấy cảnh sát, họ sẽ không thắt dây an toàn. Họ sẽ chỉ tuân thủ luật giao thông khi họ nhìn thấy cảnh sát. Khi họ không thấy, họ không tuân theo". Bình luận của ông phản ánh một thực tế mà V-Green phải đối mặt.
Xung quanh các con đường, sông, công viên của Siem Reap, sự thiếu trách nhiệm trong việc xả rác là một vấn đề lớn. Quần thể đền hiện vẫn tương đối sạch sẽ là một ngoại lệ ở đất nước ngập chìm trong rác thải như Campuchia.