Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nôn nóng lên sàn Mỹ, tập đoàn gọi xe bị Trung Quốc trừng phạt mạnh tay

Theo nguồn tin của Caixin, Didi - công ty gọi xe khổng lồ ở Trung Quốc - bị Bắc Kinh trừng phạt vì vội vã IPO trên sàn Mỹ khi chưa nhận được sự đồng ý của cơ quan quản lý nước này.

Didi Global - một trong những công ty gọi xe lớn nhất thế giới - có đến 493 triệu người dùng hoạt động hàng năm và 15 triệu tài xế. Tuy nhiên, đợt IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu) trị giá 4,4 tỷ USD của công ty kín tiếng bất thường.

Không có lễ rung chuông hay bài phát biểu nào ở Sở Giao dịch Chứng khoán New York hôm 30/6. Các nhân viên chỉ hay tin sau vài giờ IPO. Họ cũng không được phép thảo luận về việc IPO trên phương tiện truyền thông xã hội.

Nhà sáng lập Didi Cheng Wei yêu cầu các cổ đông không trả lời truyền thông, theo nguồn tin của Caixin.

Sau thương vụ IPO kín tiếng, gã khổng lồ gọi xe hứng chịu "cơn bão quy định" từ phía chính quyền Bắc Kinh. Nhiều người đặt câu hỏi liệu Didi có nhận được cái gật đầu của giới chức trách hay không.

Ga khong lo goi xe Trung Quoc anh 1

Didi Global của Trung Quốc là một trong những công ty gọi xe lớn nhất thế giới. Ảnh: Reuters.

Vội vã niêm yết

Hồi tháng 4, cơ quan quản lý chống độc quyền và cơ quan giám sát không gian mạng Trung Quốc đã triệu tập hơn 30 công ty Internet lớn, bao gồm Didi. Những công ty này bị yêu cầu tự thanh tra về các hoạt động chống độc quyền, chính sách thuế, việc tuân thủ luật và quy định liên quan.

Hoạt động kinh doanh dịch vụ đi xe, vận tải và mua hàng theo nhóm đều bị đe dọa giám sát chặt chẽ.

Theo nguồn tin của Caixin, Didi dự định niêm yết trên sàn Mỹ sớm nhất vào tháng 7 khi nộp đơn đăng ký trong tháng 4. Việc IPO ở Mỹ không yêu cầu sự chấp thuận của các cơ quan quản lý Trung Quốc. Tuy nhiên, hãng gọi xe đã chọn sai thời điểm. Bắc Kinh đang trấn áp mạnh tay những công ty nền tảng Internet.

Trong bản cáo bạch hồi tháng 6, Didi đã liệt kê các rủi ro dài 60 trang. Những rủi ro bao gồm việc Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) yêu cầu hoãn IPO. Công ty cũng tìm cách giảm thiểu rủi ro như xóa bỏ doanh nghiệp mua hàng theo nhóm khỏi thực thể niêm yết.

Ga khong lo goi xe Trung Quoc anh 2

Didi IPO trên sàn Mỹ vào thời điểm Bắc Kinh đang siết chặt kiểm soát đối với các gã khổng lồ công nghệ. Ảnh: Reuters.

Ngoài ra, Tập đoàn SoftBank - cổ đông nước ngoài lớn nhất của Didi với 21,5% cổ phần - đã từ bỏ ghế hội đồng quản trị và chỉ giữ vai trò của một nhà đầu tư lớn. Các cơ quan quản lý Bắc Kinh lo ngại về tỷ lệ sở hữu nước ngoài lớn tại doanh nghiệp Trung Quốc.

Didi nắm dữ khối lượng dữ liệu người dùng và giao thông đô thị khổng lồ. Điều đó có nghĩa là cần phải đảm bảo các cổ đông nước ngoài lớn như Uber Technologies và SoftBank không thể tiếp cận dữ liệu.

Didi cho biết trước khi IPO, họ hoàn toàn không biết đến cuộc điều tra về bảo mật dữ liệu của các cơ quan quản lý. Công ty cũng đã báo cáo kế hoạch niêm yết của mình cho giới chức trách.

"Nếu Didi không nhận được cái gật đầu từ CSRC, sẽ không có ngân hàng đầu tư nào sẵn sàng thực hiện thương vụ này", Caixin dẫn lời một chuyên gia pháp lý nhận định.

Cái giá phải trả

Các cơ quan quản lý liên quan đến việc niêm yết của Didi bao gồm Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin, Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc và CSRC.

Vào giữa năm 2020, công ty đã cân nhắc IPO tại Hong Kong nhưng sau đó từ bỏ kế hoạch. Việc bán cổ phiếu trên sàn Mỹ không cần đến sự chấp thuận của chính quyền Trung Quốc. Bởi Didi thực hiện IPO thông qua mô hình VIE (mô hình sở hữu đặc biệt).

Tuy nhiên, theo bản cáo bạch của Didi, vẫn có những điều không chắc chắn liên quan đến các quy định mở rộng và sáp nhập của Trung Quốc đối với các công ty giao dịch ở nước ngoài.

Về việc IPO của Didi, các cơ quan quản lý của Trung Quốc "đã chấp thuận về nguyên tắc" nhưng vẫn đưa ra một số yêu cầu, bao gồm giải quyết những vấn đề bảo mật dữ liệu, theo nguồn tin của Caixin.

"Trung Quốc và Mỹ vẫn đang thảo luận về việc kiểm toán các công ty Trung Quốc giao dịch trên sàn Mỹ. Trường hợp của Didi cũng liên quan đến rủi ro truyền dữ liệu ra nước ngoài. Do đó, giới chức trách Trung Quốc muốn một cuộc đàm phán có kết quả rõ ràng với Didi trước khi IPO", nguồn tin tiết lộ.

Didi đã đi trước mà không đợi một giải pháp rõ ràng từ các nhà quản lý. Điều đó khiến cả Bắc Kinh, Washington và thị trường rơi vào tình thế tệ hại

Nguồn tin giấu tên của Caixin

Nhưng quá trình đàm phán có thể kéo dài và không chắc chắn. "Didi đã đi trước mà không đợi một giải pháp rõ ràng từ các nhà quản lý. Điều đó khiến cả Bắc Kinh, Washington và thị trường rơi vào tình thế tệ hại", nguồn tin bình luận.

Theo đạo luật về trách nhiệm giải trình của các công ty nước ngoài được Mỹ thông qua hồi tháng 12/2020, những doanh nghiệp nước ngoài giao dịch trên sàn Mỹ phải tuân thủ các quy định về báo cáo và kế toán trong vòng 3 năm. Điều này có nghĩa là Didi sẽ phải cung cấp thông tin và dữ liệu tài chính cho cơ quan quản lý Mỹ.

Hai ngày sau thương vụ IPO của Didi, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc buộc Didi ngừng đăng ký người dùng mới và bắt đầu điều tra công khai đối với các hoạt động an ninh mạng của công ty.

Đến hôm 4/7, cơ quan yêu cầu các kho ứng dụng trên điện thoại thông minh gỡ bỏ ứng dụng của Didi, sau khi phát hiện gã khổng lồ gọi xe thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng bất hợp pháp.

Trong tuyên bố hôm 6/7, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cho biết sẽ cải thiện các quy định và luật pháp liên quan đến bảo mật dữ liệu, luồng dữ liệu xuyên biên giới và quản lý thông tin mật.

Ngoài ra, hội đồng cho biết đang tăng cường giám sát và sửa đổi các quy tắc đối với những công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn nước ngoài.

Theo Caixin, bất chấp xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ, nhiều công ty Trung Quốc vẫn muốn niêm yết tại New York. Tuy nhiên, đòn giáng vào Didi được xem là một phát súng. Và những công ty còn lại có thể phải đối mặt với con đường gập ghềnh hơn ở phía trước.

Các tập đoàn công nghệ tìm cách xoa dịu 'cơn thịnh nộ' của Bắc Kinh

Chính quyền Trung Quốc đang mạnh tay trấn áp các công ty công nghệ lớn. Nhiều tập đoàn đã tìm cách thay đổi mô hình kinh doanh để tránh né sự trừng phạt của giới chức trách.

Trung Quốc lo ngại khi đế chế bất động sản Evergrande mắc nợ kỷ lục

Tỷ phú Hứa Gia Ấn - chủ tịch tập đoàn bất động sản lớn nhất Trung Quốc - đã được các quan chức Bắc Kinh triệu tập và thúc giục sớm giải quyết "bom nợ" khổng lồ của tập đoàn.

Thảo Cao

Bạn có thể quan tâm