Mượn từ chữ "albus", có nghĩa là màu trắng trong tiếng Latin, bạch tạng (albinism) là một rối loạn bẩm sinh khi cơ thể không thể tạo đủ melanin để làm sậm màu da, tóc và mắt.
Trên thế giới, cứ 20.000 người thì có 1 người bạch tạng. Căn bệnh không lây nhiễm này phổ biến hơn ở vùng hạ Sahara của châu Phi, nơi cứ 5.000 người thì có 1 người bạch tạng. Hầu hết trường hợp nằm ở Mozambique, Tanzania, Burundi, Kenya, Zimbabwe và Nam Phi.
Tại Malawi, một quốc gia có 16,5 triệu người, khoảng 7.000 đến 10.000 người bị bạch tạng.
Vì sao bệnh bạch tạng lại ảnh hưởng không cân xứng đến khu vực này của thế giới vẫn là một điều bí ẩn.
Chợ đen bán bộ phận cơ thể
Người bệnh bạch tạng không chỉ đối mặt với vấn đề về sắc tố. Thiếu melanin thường gây ra thị lực kém và nhạy cảm với ánh sáng. Nhiều người bạch tạng bị mù.
Do có làn da đặc biệt nhạy cảm với tia cực tím trong ánh sáng mặt trời, người bạch tạng rất dễ bị tổn thương và ung thư da.
Theo một nghiên cứu năm 2014, những người mắc bệnh bạch tạng ở châu Phi có khả năng bị ung thư da gấp 1.000 lần so với những người khác.
Malawi nằm ở phía đông nam châu Phi. Đồ họa: UIG/Getty. |
Ngoài những rủi ro kể trên, họ còn phải đối mặt với sự phân biệt đối xử. Người bạch tạng ở nhiều quốc gia châu Phi là nạn nhân của các hành động bạo lực như giết người và chôn sống.
Thập kỷ vừa qua đã chứng kiến sự gia tăng số lượng các vụ giết hại và chặt tay chân người bạch tạng. Không ít người tin rằng lục phủ ngũ tạng, xương và các bộ phận cơ thể của người bạch tạng có thể bán được ngoài chợ đen.
Niềm tin này được dẫn dắt bởi quan niệm mê tín rằng xương của người bạch tạng được tạo thành từ bụi vàng và là một thành phần cần thiết để chế thuốc ma thuật.
Trong khi các báo cáo cho biết xương người bạch tạng đã lên tới mức giá 75.000 USD trên thị trường chợ đen, chưa có trường hợp trao đổi bộ phận cơ thể nào được ghi nhận cho tới nay.
Bởi vậy, câu hỏi liệu hoạt động mua bán có tổ chức các bộ phận cơ thể của người bạch tạng có tồn tại hay không vẫn chưa được trả lời dứt khoát.
Theo các phương tiện truyền thông, kể từ năm 2000, Tanzania đã chứng kiến 180 cuộc tấn công, trong đó có 76 vụ giết người. 35 vụ án mạng trong số này xảy ra vào năm 2015.
Trong 8 tháng được bổ nhiệm làm chuyên gia độc lập về bạch tạng của Liên Hợp Quốc, Ikponwosa Ero, người cũng mắc bệnh bạch tạng, đã ghi nhận 40 vụ tấn công ở 8 quốc gia.
Trong khi nạn phân biệt đối xử đã diễn ra từ lâu, Ikponwosa ghi nhận được một hiện tượng mới. Đó là chặt tay chân người bạch tạng khi họ còn sống.
Nguy hiểm rình rập
Emily Chiumia làm việc tại một cơ quan của chính phủ ở Zomba, phía nam Malawi. Cô cũng là một nhà hoạt động vì người bạch tạng.
Bản thân là một người bạch tạng, Emily hiểu rõ hơn ai hết sự kỳ thị mà những người bạch tạng ở châu Phi phải trải qua.
“Khi bạn đi ngoài phố, người ta gọi bạn là ‘tiền triệu, tiền triệu’. Cứ như thể chúng tôi là vàng”, cô nói.
Chuyên gia độc lập của Liên Hợp Quốc về nhân quyền của người bạch tạng Ikponwosa Ero phát biểu tại một cuộc họp báo về chuyến thăm của bà tới Malawi, ngày 29/4/2016. Ảnh: AFP/Getty. |
Emily là cựu phó chủ tịch Hiệp hội những người bạch tạng (APAM). Kể từ khi các cuộc tấn công bắt đầu, Emily và hiệp hội đã ghi nhận những hành vi phạm tội đối với những người như cô. Hầu hết được thực hiện bởi người thân, hàng xóm hoặc những người mà nạn nhân coi là bạn.
“Trước đây, người ta có những quan niệm kiểu như ‘Nếu ngủ với người bạch tạng, da bạn sẽ chuyển sang màu trắng’”, cô nói.
“Nhưng bây giờ thì khác. Tôi không thể tận hưởng cuộc sống của mình như trước kia nữa. Tôi không thể đi ra ngoài vào buổi tối, không thể chợp mắt, ngay cả ở nhà, tôi luôn lo sợ có người sẽ tới”, Emily chia sẻ.
Ian Sambota, một người mắc bạch tạng, kể rằng anh từng được một người phụ nữ “lớn tuổi, có học thức” đề nghị mức giá 100.000 Kwacha (138 USD) và sau đó là 500.000 Kwacha (500 USD) để ngủ với cô ta.
“Cô ấy dương tính với HIV và cho rằng nếu ngủ với người bạch tạng, vấn đề sẽ được giải quyết”, anh nói.
Ian từ chối nhưng thừa nhận đó là một đề nghị cám dỗ vì anh cần tiền để chi trả chi phí thuốc men cho mẹ.
Bazirio Kaudzu, 46 tuổi, nói ông cảm thấy bị đe dọa đến mức chỉ dám đến phòng khám ở thủ đô Lilongwe để lấy thuốc mỡ oxit kẽm điều trị vết thương và vết bỏng trên da nếu có cháu trai đi cùng.
Đó là một cuộc hành trình tốn kém đối với người nông dân trồng cà chua này, vì vậy mỗi tháng ông phải vay một khoản tiền để trang trải chi phí taxi cho 2 người.
Một số người bạch tạng cho biết trước đây họ chỉ chịu sự kỳ thị nhưng không phải lo sợ an toàn tính mạng. Giờ mọi chuyện đã khác, họ thường xuyên cảm thấy bất an vì những nguy hiểm rình rập hàng ngày.
Lo sợ người bạch tạng tuyệt chủng
Neverson Chisiza, cố vấn cấp cao của Bộ Tư pháp và Hiến pháp, cho biết đã có ít nhất 85 trường hợp bao gồm giết người, tấn công, bắt cóc, buôn người, hãm hiếp và cướp mộ được ghi nhận từ năm 2014. Ít nhất 20 trường hợp trong số đó là án mạng.
Ikponwosa Ero nói rằng nếu không nghiêm túc thực hiện các hành động nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công, những người bạch tạng có thể bị tuyệt chủng ở Malawi.
Mỗi quốc gia trong khu vực thường có xu hướng coi hàng xóm của họ là nguồn gốc của vấn đề.
Một cậu bé mắc bệnh bạch tạng chơi bóng ở ngoại ô Lilongwe, thủ đô của Malawi, ngày 11/3/2016. Ảnh: AFP/Getty. |
Theo chính phủ Malawi, cuộc trấn áp ở quốc gia láng giềng Tanzania lân cận đã chuyển hoạt động "mua bán" các bộ phận cơ thể sang nước họ.
Ông Kawinga, một quan chức cao cấp của quận Machinga ở Malawi, nơi xảy ra hầu hết vụ tấn công, nói với phóng viên Al Jazeera rằng ông nghe nói thị trường buôn bán các bộ phận cơ thể là ở nước láng giềng Mozambique.
Tháng 6/2016, 150 quan chức chính phủ, các nhà nghiên cứu và các nhà hoạt động chính trị đến từ 26 quốc gia đã gặp nhau tại Dar es Salaam để tham dự diễn đàn đầu tiên về bạch tạng ở Châu Phi.
Mục đích của diễn đàn là tạo ra một kế hoạch hành động để chấm dứt các cuộc tấn công. Theo đó, các chính phủ phải dành ngân sách và một lực lượng đặc nhiệm đa ngành để thực hiện điều này.
"Hiện chúng ta có một danh mục các biện pháp cụ thể hiệu quả mà không quá tốn kém để thực hiện, các chính phủ không nên tiếp tục thờ ơ trong việc giải quyết vấn đề này. Đây là lúc để hành động", Ikponwosa Ero nói.