Ngày qua ngày, Jonathan đối mặt với hàng loạt lo âu, từ chuyện đơn giản nhất như nên cho con đến trường hay không, khi chúng có thể bị những kẻ man rợ bắt cóc và sát hại. Theo báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI), những người bị bệnh bạch tạng ở Malawi như con của cô Jonathan trở thành đối tượng bị săn lùng như động vật.
Nhiều kẻ dã tâm muốn bắt cóc và sát hại người bị bạch tạng để lấy các bộ phận cơ thể và xương. Chúng sẽ bán các bộ phận cơ thể này cho những kẻ hành nghề phù thủy ở Malawi và Mozambique. Điều này xuất phát từ một điều mê tín rằng các bộ phận của người bạch tạng có thể mang lại sự giàu có, hạnh phúc và may mắn.
Người bạch tạng rất dễ nhận biết, nên các nhóm tội phạm không khó để săn đuổi họ. Ảnh: CNN |
Theo AI, tháng đẫm máu nhất với người bạch tạng ở đất nước miền Nam châu Phi này là tháng 4 vừa qua. Khi đó, 4 người, bao gồm 1 đứa trẻ, đã bị giết hại dã man. Một nạn nhân khác là thiếu niên Davis Fletcher Machinjiri. Em rời nhà để đi xem một trận đá banh cùng bạn, và không bao giờ trở về nữa.
Cảnh sát Malawi cho biết, Davis bị 4 người đàn ông bắt cóc, rồi chúng đưa cậu sang Mozambique để sát hại. Ở đây, những kẻ man rợ này đã chặt hết tứ chi của Davis, lấy xương, rồi vùi thi thể cậu xuống đất.
CNN cho biết, ít nhất 18 người bạch tạng đã bị bắt cóc và giết hại dã man từ năm 2014 đến nay. 5 người vẫn mất tích và chưa rõ số phận của họ.
Liên Hợp Quốc cảnh báo người bạch tạng ở Malawi có nguy cơ bị "tuyệt chủng". Ảnh: CNN |
Nếu không nhờ sự giúp sức của người dân địa phương, con gái út của cô Jonathan, bé Chakuputsa, có thể cũng đã mất mạng.
Cách đây vài tháng, cô bé bất ngờ bị 3 kẻ lạ mặt xông vào bắt cóc. Người trong làng nhanh chóng phát hiện và đuổi theo những tên này. Khi bỏ trốn, chúng để cô bé ở lại một bụi cây gần làng.
Sau này, Jonathan phát hiện ra một trong những kẻ bắt cóc chính là họ hàng gần của cô, người mà cô xem như anh trai.
Tổ chức Ân xá quốc tế đánh giá, "hàng nghìn người bạch tạng đang đối mặt với nguy cơ nghiêm trọng về việc bị những băng đảng tội phạm bắt cóc và sát hại". Trong khi đó, Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng người bạch tạng ở Malawi đang trên bờ vực "tuyệt chủng toàn bộ".
Grace Mazzah, thành viên Hiệp hội người bạch tạng ở Malawi, không có ngày nào sống trong bình yên. Cô biết rõ giá trị của cơ thể mình trong mắt những kẻ tội phạm. "Tại sao họ lại có thể săn lùng chúng tôi như săn động vật để ăn thịt", Grace nói.