Mbalu John, 27 tuổi, có 4 con đều mắc bệnh bạch tạng. Những người mắc bệnh này ở Tanzania luôn phải đối mặt với hiểm nguy hàng ngày. Ảnh: Agentur Focus |
Dù cha mẹ là người da đen, Miriamu Staford vẫn có làn da trắng bởi căn bệnh bạch tạng. Do khiếm khuyết di truyền, cơ thể cô không thể sản xuất melanin, sắc tố giúp da chống các tia nắng và ảnh hưởng tới màu da.
Ở châu Âu, người mắc bệnh bạch tạng thường không gây ra nhiều sự chú ý nhưng tại châu Phi, tình hình hoàn toàn khác. Người dân của "lục địa đen" tin người bạch tạng thừa hưởng quyền lực siêu nhiên. Tại Tanzania, họ gọi người bạch tạng là "zeru-zeru" (thần bất tử).
"Đó cũng là lý do họ tìm và giết chúng tôi. Họ tin các bộ phận trên cơ thể người bạch tạng sẽ giúp họ giàu và vui vẻ", Miriamu nói.
Hồi tháng 10/2008, một nhóm người mang dao phay tới nhà Miriamu với ý định chặt hai cánh tay của cô. Hôm đó cô gái 25 tuổi đang đọc truyện cho các em gái trước khi ngủ thì nghe thấy tiếng động lớn. 4 kẻ lạ mặt phá cửa nhà và xông vào nhà Miriamu. Chúng rọi đèn làm cô gái lóa mắt rồi một tên lao vào kéo cánh tay của Miriamu, tên khác vung dao chặt mạnh.
"Vì lưỡi dao cùn nên hắn chặt nhiều phát liên tiếp. Máu bắn tung tóe. Sau đó, một tên giật mạnh khiến tay tôi rời ra. Tôi la hét vì đau đớn", Miriamu như nín thở khi kể lại đêm kinh hoàng.
Các em gái của Miriamu chạy ra khỏi nhà, bố mẹ cô bị nhốt ở phòng bên cạnh. Những kẻ lạ mặt tiếp tục chặt cánh tay còn lại. Chúng chỉ dừng và chạy với một cánh tay của cô gái khi nghe tiếng hét của những người hàng xóm. Cánh tay còn lại của Miriamu bị thương nặng và các bác sĩ phải bỏ nó.
Sophia Juma (trái), 27 tuổi, cùng cô con gái Tatu, 2 tháng tuổi. Ảnh: Agentur Focus |
Ở Đông Phi, những người như Miriamu luôn sống trong tâm trạng thấp thỏm. Sau trường hợp giết người bạch tạng đầu tiên tại Tanzania năm 2006, những tín ngưỡng cũ đã thay đổi theo chiều hướng tiêu cực. Từ chỗ chỉ sử dụng tóc, móng tay, và nước tiểu của người bạch tạng, các thầy pháp còn làm bùa từ cánh tay, chân, xương, nội tạng và bộ phận sinh dục của họ.
Vấn nạn lên tới đỉnh điểm khi những tên buôn người không tha cho những đứa trẻ mắc bệnh bạch tạng. Tại thành phố Mwanza, Sophia Juma khóc như mưa khi nhớ tới Pendo Emanuelle, con gái 4 tuổi. Nhóm buôn người bắt cóc bé ngay trước mắt cô. Hai người đàn ông đột nhập vào nhà và cướp cô bé khỏi tay Juma rồi biến mất trong đêm.
Người phụ nữ, hai má hóp sâu, vẫn cảm thấy sốc mỗi khi nhắc tới vụ việc. Cô nhìn xuống Tatu, con gái thứ hai, cũng mắc căn bệnh quái ác như chị. "Chuyện gì sẽ xảy tới nếu những kẻ cướp chị gái nó quay lại?", Juma vừa nói vừa khóc. Người phụ nữ ấy chỉ có một khóa nhỏ và không thể trông chờ vào hàng xóm và cảnh sát cũng không bảo vệ khu vực này.
Việc tìm tung tích của Emanuelle vẫn không tiến triển. "Có thể chúng sẽ dùng con bé như một kho dự trữ sống. Khi nào cần, chúng sẽ cắt từng bộ phận của nó", Josephat Torner, bạn của Juma, nhận định. Những lời ấy khiến bà mẹ mất con không cầm nổi dòng nước mắt.
Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, đất nước nguy hiểm nhất đối với người mắc bệnh bạch tạng chính là Tanzania. Từ năm 2006, những kẻ hám lợi đã tấn công và giết 156 người mắc bệnh bạch tạng. Con số thực tế có thể cao hơn vì người dân không báo cáo khá nhiều vụ tấn công.