Một cô bé bạch tạng bị chặt mất tay vì niềm tin mù quá của những kẻ giàu có và thế lực. Ảnh: Daily Mail |
Số vụ tấn công và sát hại người bạch tạng ở Tanzania cao nhất châu Phi. Họ bị những kẻ hám lợi "săn lùng như động vật" vì khoản tiền khổng lồ mà cơ thể tật nguyền của họ mang lại. Dù phi lý nhưng những kẻ giàu có và quyền thế tin rằng sở hữu một phần cơ thể người bạch tạng có thể mang lại may mắn và thịnh vượng, Daily Mail đưa tin.
Những kẻ mất nhân tính cũng buôn bán bộ phận cơ thể người mắc bệnh bạch tạng như một món hàng. Chúng sẵn sàng trả 3.000 tới 4.000 USD cho một chân hoặc tay của người bạch tạng, hay chi tới 75.000 USD cho toàn bộ cơ thể. Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người ở Tanzania năm 2013 là 700 USD.
Món lợi khổng lồ khiến người bạch tạng bị tấn công và chặt mất tay chân. Thậm chí, nhiều người còn bị cướp các bộ phận trên cơ thể, khiến họ thiệt mạng vì vết thương quá nghiêm trọng. Người ta thống kê được 74 vụ sát hại và 59 vụ tấn công để lại thương tích đối với người bạch tạng ở Tanzania. 16 mộ của người bạch tạng bị cướp. Tuy nhiên, con số thực tế có thể cao hơn rất nhiều.
Trường hợp mới nhất xảy ra với bé Pendo Emmanuelle Nundi, 4 tuổi, trong tháng 12/2014. Em bị bắt cóc khỏi nhà. Dù cảnh sát đã bắt cha và chú của Nundi vì tinh nghi liên quan tới sự biến mất của cô bé và trao thưởng khoản tiền gần 2.000 USD cho người cung cấp tin về nạn nhân nhưng đứa trẻ tội nghiệp vẫn chưa được tìm thấy. Các tổ chức từ thiện hy vọng cô bé trở về nhà an toàn nhưng dường như kết cục bi thảm đã ập xuống đầu em.
Những đứa trẻ mất một phần cơ thể vì bị tấn công. Ảnh: Daily Mail |
Liên Hiệp Quốc cũng ghi nhận trường hợp một phụ nữ 38 tuổi bạch tạng bị chính chồng và bốn người đàn ông khác tấn công bằng dao khi đang ngủ trong tháng 2/2013. Con gái 8 tuổi của nạn nhân kể lại rằng cha cô bé rời phòng ngủ với cánh tay của mẹ. Sự cám dỗ của đồng tiền khiến nhiều người bạch tạng gặp nguy hiểm khi sống giữa gia đình.
Mwigulu Matonange là nạn nhân điển hình khác của tình trạng tấn công người bạch tạng. Năm lên 10, cậu bé bị hai người đàn ông lạ mặt bắt cóc trên đường đi học về. Họ chặt tay cậu bé trước khi lủi vào rừng cùng "chiến lợi phẩm". Matonange kể lại: "Tôi bị đè xuống như một con dê sắp bị giết thịt".
Ở phương Tây, chỉ 1/20.000 người có nguy cơ mắc bạch tạng. Tuy nhiên, căn bệnh khiếm khuyết sắc tố trong da, tóc và màu mắt trong gene di truyền xảy ra với tỷ lệ 1/1.400 ở Tanzania. Tình trạng hôn nhân cận huyết ở các vùng nông thôn hẻo lánh được coi là nguyên nhân cao bất thường của tỷ lệ này.
Peter Ash, nhà sáng lập quỹ từ thiện Same Sun, cho biết, Tanzania là một trong 25 quốc gia nghèo nhất thế giới nên những người có đủ tiền để mua một phần cơ thể người bạch tạng với giá cao chỉ có thể là doanh nhân giàu có hoặc các chính trị gia. Chúng được mua qua những "thầy pháp phù thủy".
Trẻ em bị bạch tạng đang được bảo vệ trong các ngôi nhà an toàn. Ảnh: Daily Mail |
Có 10 người người bị xét xử vì tấn công hoặc sát hại người bạch tạng ở Tanzania nhưng không ai trong số họ là người mua. "Ngay cả khi lĩnh án tử hình, chúng cũng không khai ra tên khách hàng. Chưa có một khách hàng nào bị pháp luật sờ gáy". Peter cũng cho biết. Các vụ tấn công cũng xảy ra thường xuyên hơn trong các dịp tranh cử ở Tanzania.
Liên Hiệp Quốc cảnh báo nhiều chính trị gia ở quốc gia châu Phi này tìm tới "thầy pháp phù thủ" để mua bộ phận cơ thể người bạch tạng vì tin rằng nó giúp họ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. "Những người bạch tạng đang tìm nơi lẩn trốn mỗi khi bầu cử chuẩn bị diễn ra", Peter khẳng định.
Những vụ tấn công xảy ra phổ biến tới mức người ta phải lập các trung tâm an toàn cho người bạch tạng. Họ phải sống sau những bức tường cao để bảo vệ cơ thể và mạng sống. Tuy nhiên, đây chỉ được coi là giải pháp ngắn hạn nhưng nó đang phát huy hiệu quả nhất là trong bối cảnh người ta chưa tìm ra giải pháp dài hạn cho vấn đề nan giải này.