Kenya sơ tán người bạch tạng vào các trại tập trung. Ảnh: Harry Freeland/ Daily Mail |
Tháng 10/2015, Tanzania tổ chức bầu cử Quốc hội. Trước thông tin này, chính phủ Kenya nhanh chóng sơ tán người bạch tạng khỏi vùng biên giới giáp Tanzania vì lo sợ họ trở thành mục tiêu của những kẻ chuyên ''săn'' người mắc chứng rối loạn sắc tố da, theo Daily Mail.
Chính phủ tập trung trẻ em bạch tạng vào các trường nội trú đồng thời yêu cầu cảnh sát tăng cường hoạt động, bắt hàng trăm bác sĩ phù thủy.
Kenya cũng thiết lập đường dây hỗ trợ nhằm sẵn sàng trợ giúp những người là mục tiêu của những kẻ săn cơ thể người bạch tạng.
Nhiều người tin rằng, da và các bộ phận cơ thể của người bạch tạng mang lại may mắn. Vì thế, tay chân của họ có thể được bán với giá lên đến hàng chục nghìn bảng Anh. Giá cho một cơ thể nguyên vẹn là 50.000 bảng Anh (khoảng 1,7 tỷ đồng).
Enock Jamenya, một người đàn ông bạch tạng 56 tuổi, chết sau khi bị tấn công ở huyện Vihiga, tỉnh Western, gần biên giới Tanzania.
Trước khi chết, Jamenya kể lại với phóng viên tờ Nation: ''Khi tôi bảo không có tiền, bọn chúng đòi lấy tai và ngón tay của tôi để bán cho người Tanzania''.
Hiện tại, khoảng 20.000 người trên thế giới mắc bệnh bạch tạng. Nhiều người trong số họ sống tại các quốc gia châu Phi giáp sa mạc Sahara.
Trong vòng 15 năm, hơn 75 người bạch tạng bị giết hại tại Tanzania. 62 người thoát chết nhưng phải chịu những vết thương nghiêm trọng.