Tại Malawi, những người bị bệnh bạch tạng bị giết và cơ thể của họ bị đem bán. Hơn 115 người đã bị tấn công trong 2 năm qua, ít nhất 20 đã thiệt mạng. Những người sống sót bị bỏ lại với những vết sẹo về thể chất và tinh thần. Họ luôn lo sợ những kẻ săn người sẽ trở lại.
"Giết chết như một con dê"
Một ngày chủ nhật khô ráo và ấm áp giữa tháng 4 năm 2016, David Fletcher, 17 tuổi, buồn rầu vì phải làm việc trên đồng ngô thay vì đi xem bóng đá. Cuối cùng, bố mẹ cậu đã nhượng bộ và để cậu đi xem trận đấu.
Tuy nhiên, ngày hôm đó, David đã không về nhà. Tìm kiếm khắp làng mà không thấy con đâu, cha mẹ David đã đến báo cảnh sát.
Một tuần sau, cảnh sát trưởng tới nhà họ báo tin: Thi thể của David đã được tìm thấy cách khu vực lân cận với Mozambique khoảng 80 km. Cái xác đã phân hủy và không thể mang về làng chôn cất toàn thây. Gia đình cậu cũng không có tiền để tới đó nhận xác con.
Có khoảng 10.000 người bệnh bạch tạng ở Malawi. Họ bị săn đuổi và các bộ phận cơ thể bị đem bán vì nhiều người tin rằng chúng có công dụng thần kỳ. Ảnh: Getty. |
Ông Fletcher, cha của David, ngồi ngoài hiên nhà cùng vợ và 2 con. Khuôn mặt bà Namvaleni Lokechi, mẹ của David, có vẻ thất thần. Trong khi đó, cô con gái Mudelanji, 32 tuổi và cậu con trai Manchinjiri, 21 tuổi, chưa hết bàng hoàng vì câu chuyện.
"Nó bị giết chết như con dê ở chợ", Lokechi nói, mắt nhìn đăm đăm vào khoảng không. "Tay và chân nó bị cắt rời. Chúng đã bẻ gãy xương nó. Da nó bị treo lên. Chúng chôn nó trong một cái hố nông choèn", bà giận dữ nói.
Ông Fletcher cho biết gia đình ông vẫn khóc thương cậu con trai mỗi ngày. “Đối với chúng tôi, thằng bé là một tia hy vọng. Chúng tôi tin vào tương lai của nó và nghĩ có ngày thằng bé sẽ giúp đỡ được gia đình vì nó học khá giỏi ở trường”, ông nói.
Mỗi bữa cơm gia đình giờ trở nên khó khăn từ khi thiếu vắng thành viên 17 tuổi. David là người con thứ 4 trong gia đình 5 anh chị em và là thành viên duy nhất mắc bệnh bạch tạng. Mẹ của David không cho đây là một bất hạnh mà là một điều may mắn.
David là học sinh xuất sắc ở trường làng Kachule, huyện Dedza, phía đông Malawi. Giáo viên của David đã lo lắng khi không thấy cậu đến trường 2 ngày liền và cảm thấy sốc khi biết chuyện.
“Tôi đã nghĩ có lẽ cậu ấy bận đi mua đồ tạp hóa cho gia đình hoặc bị ốm. Nhưng đến ngày thứ 2, tôi bắt đầu lo lắng”, Clement Gweza, giáo viên của David nhớ lại.
Bản thân Clement cũng là một người mắc bệnh bạch tạng và ông cảm thấy sốc khi biết chuyện xảy ra với học sinh của mình.
Latida Macho, 14 tuổi, một học sinh khác ở trường, cũng mắc bệnh rối loạn bẩm sinh dẫn đến thiếu sắc tố trên da, tóc và mắt như David. Sau khi David bị giết, gia đình Latida đã không cho con đến trường trong 3 tuần.
“Nếu đây là cuộc chiến chống lại những người bạch tạng thì điều này có nghĩa tôi sẽ là người tiếp theo”, Clement lo nghĩ. Vài ngày sau, 2 người đàn ông bị bắt giữ vì tội giết người. Cả hai bị xét xử tại tòa án quận vào tháng 5/2016 và bị kết án 25 năm tù giam.
Gia đình David cho biết họ chỉ được nghe về việc bắt giữ và phiên tòa xét xử qua báo chí. Kết quả là một sự thất vọng cay đắng đối với họ. “Những kẻ phạm tội nên bị xử tử. Đứa trẻ đã bị giết hại tàn nhẫn, vì thế chúng cũng phải bị giết chết tàn độc như vậy”, ông Fletcher nói.
Vết thương không lành
Alfred Chigalu, 17 tuổi, sống cùng người dì trong một ngôi nhà trát bùn ở làng Nasi, huyện Phalombe, phía đông Malawi. Họ nuôi 5 con dê và khoảng hơn chục con gà trên mảnh sân đất đỏ. Cha mẹ Alfred qua đời khi cậu mới vừa biết đi. Kể từ đó, bà Lydia đã thay em gái mình nuôi nấng cậu.
Giống như những người khác trong làng, Alfred và dì của cậu, bà Lydia Petulo, sống qua ngày nhờ ngô phơi khô từ vụ thu hoạch năm ngoái. Dê trong sân không phải của họ. Bà Lydia nuôi chúng cho một nhà buôn địa phương và được trả công bằng một con dê vào cuối năm.
Một ngày giữa tháng 12/2015, 4 người đàn ông đã phá cửa xông vào khi Alfred đang ngủ trong phòng. Họ đánh vào phía sau đầu, vai và lưng cậu bằng mã tấu và cố lôi cậu ra khỏi nhà. Khi bà Lydia nhìn thấy Alfred nằm trên vũng máu và hét lên, những kẻ tấn công mới bỏ chạy.
Alfred sống sót nhưng cơ thể mang những vết sẹo lớn. Bây giờ, chỉ một tiếng động nhẹ cũng đủ khiến cậu thức giấc. Mỗi khi vào làng, Alfred đều cần có người đi cùng.
Bạch tạng là chứng rối loạn bẩm sinh ảnh hưởng đến khoảng 20.000 người trên thế giới. Ảnh: Alamy. |
"Trước vụ tấn công, nó giúp đỡ tôi rất nhiều. Tôi có thể nhờ nó ra chợ, nó có thể đến trang trại và làm việc. Nhưng tôi không thể làm như vậy được nữa", bà Lydia cắn môi nói.
Alfred ngồi trên sàn ngoài hiên nhà, lưng tựa vào tường. Cậu mặc một chiếc quần jean rộng thùng thình và áo sơ mi ngắn tay. Chúng là bộ quần áo duy nhất mà cậu có. Bộ quần áo còn lại cậu mặc khi bị tấn công đã phải đốt đi vì dính quá nhiều máu.
Alfred cao, đôi vai rộng nhưng bị khòm khi đi lại. Đôi môi khô khốc của cậu hầu như không cử động. Khi nhóm phóng viên của Al Jazeera cất máy ảnh đi và di chuyển đến nơi không có những người hàng xóm tò mò tụ tập, cậu mới bắt đầu trò chuyện.
Cậu cởi chiếc áo của mình để lộ những vết sẹo dài và sâu trên ngực và lưng. "Họ chém tôi như vậy, cắt đứt mạch máu. Tôi chỉ có thể nắm lấy một cái cuốc mà không làm được gì cả”, cậu nhớ lại.
"Trước vụ tấn công, một số người đã từng chế nhạo nó khi nó ra khỏi nhà. Họ nói rằng nó trị giá hàng nghìn USD và chúng tôi lờ mờ nhận ra rằng cuộc sống của nó có thể gặp nguy hiểm", bà Lydia nói.
Những vết thương trên cơ thể Alfred hầu như đã lành nhưng cuộc đời của cậu thì không như vậy. Alfred nói cậu nhớ bạn bè và cảm thấy cô đơn.
Tháng 4/2016, Ikponwosa Ero, một chuyên gia độc lập của Liên Hợp Quốc về quyền của những người bạch tạng, đã đến thăm Alfred và dì của cậu.
Bà Ero nói rằng Alfred dường như đã bị chứng "mất trí nhớ" sau vụ tấn công. Song khi phóng viên đến thăm cậu 2 tháng sau đó, cậu nói được tên các thành phố ở Malawi, thủ đô các nước châu Phi cũng như các nhà lãnh đạo chính trị. Dường như cậu đang dần hồi phục.
"Tôi muốn hoàn thành việc học, trở thành một giáo viên và đi khỏi đây. Tôi rất cảm kích nếu ai đó có thể đưa tôi đi khỏi làng này. Tôi phải đi khỏi nơi này”, Alfred bày tỏ.