Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8: 7 nhóm hàng thiết yếu giá vẫn tiếp tục tăng. Cụ thể, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,1% (bao gồm thực phẩm tăng 0,16% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,1%); đồ uống và thuốc lá tăng 0,07%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,28%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,11%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,04%, chỉ số giá giáo dục tăng cao với 0,87%. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 của Hà Nội tăng 0,17%.
Đáng chú ý, một số doanh nghiệp kinh doanh nước sạch tại Hà Nội vừa công bố biểu giá áp dụng từ tháng 1/10 tới, với mức tăng 950-2.550 đồng một m3. Như vậy giá nước sạch ở Hà Nội sẽ tăng thêm 20% so với hiện nay. Bên cạnh đó giá điện vẫn đang là một trong những vấn đề bức xúc, trong tháng 8 vừa qua, dù thời tiết khá mát mẻ, nhưng nhiều gia đình vẫn vô cùng bất ngờ khi nhận được hóa đơn tiền điện nhảy vọt, thậm chí cao hơn hẳn so với những tháng hè nóng cao điểm.
Và như câu chuyện giá xăng giảm sâu trong thời gian qua, nhưng người tiêu dùng vẫn phải trả chi phí taxi như quy định. Mới đây, do áp lực từ nhiều phía, hàng loạt các hãng ta xi đã bắt đầu giảm giá từ 500 - 1.000 đồng/km. Nhưng giá taxi ở Việt Nam vẫn đang cao hơn nhiều quốc gia trong khu vực, thậm chí cao hơn cả thành phố đắt đỏ nhất thế giới là Singapore. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, với mức giảm giá của xăng dầu thời gian qua, thì giá hàng hóa phải giảm 5-7% mới phù hợp. Tuy nhiên, tới ngày 18/9, giá xăng tại tăng 615 đồng/ lít sau 5 lần giảm liên tiếp – sự thay đổi chóng mặt của giá cả khiến người tiêu dùng không biết đâu mà lần.
Với người công nhân - lực lượng lao động chính trong xã hội, dễ nhận thấy, lương tăng thêm vài trăm nghìn đồng, thì mỗi ngày người lao động đi chợ lại phải bỏ thêm mấy chục nghìn do giá cả leo thang. Nỗi lo tiền nhà trọ, tiền điện, tiền nước… thêm oằn vai, khiến đời sống của họ vẫn luôn ở tình trạng thiếu trước, hụt sau.
Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng thừa nhận, mỗi lần tăng lương, công nhân, người lao động phải đối mặt với nhiều nỗi lo, do giá cả tăng là điều có thật. Đơn cử như giá điện tăng, người lao động đi thuê nhà lại phải chịu phần lũy tiến phía sau với giá rất cao, bởi phần giá thấp thì chủ nhà đã hưởng hết. Giá điện, giá nước tăng, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu ở khu công nghiệp đều tăng từ 7 đến 9%.
“Vấn đề là các cơ quan quản lý nhà nước sau đợt điều chỉnh tăng lương lần này, cố gắng kìm được giá cả những mặt hàng mà người công nhân đang cần”, ông Chính đề xuất.