Phiên giao dịch ngày 26/9 đã phát đi một cảnh báo rõ ràng cho những kẻ liều lĩnh ở Phố Wall: thị trường chứng khoán vẫn đang “rơi tự do” và tâm lý bi quan còn lâu mới kết thúc, trang tin Bloomberg nhận định.
Lời cảnh báo trên đặc biệt đúng khi các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới vẫn đang tiếp tục thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất và gây xáo trộn thị trường.
Chỉ số S&P 500 mới đây đã tụt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2020. Hầu hết mọi lĩnh vực trong S&P 500 đều sụt giảm, trong đó bất động sản và năng lượng đều mất 2%. Ngược lại, lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm lại tiếp tục tăng thêm 21 điểm cơ bản lên 3,898% - xác lập mức cao nhất kể từ tháng 4/2010.
Nhìn chung, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ ở cả Mỹ và châu Âu đều không chùn bước trước đà lao dốc của các tài sản rủi ro, trong bối cảnh lãi suất toàn cầu gia tăng đáng kể.
Nhận xét về điều này, hãng nghiên cứu đầu tư Ned Davis Research cho biết khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu là 98%, trong khi nhà phân tích Lisa Shalett của Morgan Stanley cảnh báo những người lạc quan về lợi nhuận là đang "mộng du đi trên vách đá".
Chỉ số S&P 500 sụt giảm nghiêm trọng. Nguồn: Bloomberg. |
Thị trường chứng khoán lao dốc
Trong bối cảnh tin xấu trên khắp thế giới không ngừng xuất hiện, áp lực bán vẫn đang gia tăng chóng mặt trên thị trường chứng khoán. Hiện, thị trường đang phải trải qua giai đoạn tồi tệ nhất kể từ năm 2008.
Chia sẻ với Bloomberg, bà Stephanie Lang - CIO tại công ty quản lý tài sản tư nhân Homrich Berg, bày tỏ: “Thị trường bị bán tháo là điều chắc chắn phải xảy ra khi Fed sẽ không ngừng thắt chặt tiền tệ, vì thị trường cần phải định giá lại theo chính sách”.
Theo bà Lang, rủi ro sụt giá của thị trường chứng khoán vẫn còn vì nền kinh tế chưa rơi vào một cuộc suy thoái thực sự, nhưng mọi thứ đã sắp sửa diễn ra.
Một ngày giao dịch đen tối tại Anh càng đè nén tâm lý nhà đầu tư trên toàn cầu, làm dấy lên lo ngại rằng thị trường tài chính sắp sụp đổ. Chỉ số S&P 500 đã giảm ngày thứ 5 liên tiếp, cổ phiếu công nghệ bị ảnh hưởng và chỉ số Russell 2000 của các công ty nhỏ cũng mất hơn 1,4%.
Một thước đo khác là chỉ số biến động CBOE (VIX) - "thước đo nỗi sợ hãi của Phố Wall" - vào hôm 26/9 đã tăng vọt lên mức 32,26 - mức cao nhất kể từ cuối tháng 6/2022.
Chỉ số VIX - "thước đo nỗi sợ hãi của phố Wall" - đã chạm mốc cao nhất kể từ tháng 6/2022. Nguồn: Investing. |
CNBC cho biết, bước nhảy vọt của VIX diễn ra trong bối cảnh thị trường tiền tệ hỗn loạn, và đồng USD tiếp tục leo lên mức cao nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng đang ồ ạt bán tháo tài sản khi nhận thấy nguy cơ suy thoái kinh tế.
Nguy cơ suy thoái nặng nề
Trên thực tế, sự băn khoăn, lo lắng về tăng trưởng kinh tế đã lan tỏa trong suốt nhiều tháng qua. Nhưng sự yếu kém ngay từ đầu trong chu kỳ công nghiệp và thị trường nhà ở của Mỹ mới là nguyên nhân chính khiến các nhà đầu tư lo ngại rằng mọi thứ đang xấu đi nhanh chóng.
Mô hình xác suất suy thoái toàn cầu của Ned Davis Research gần đây đã tăng lên trên mức 98%, phát tín hiệu suy thoái “nghiêm trọng”. Theo công ty, lần gần nhất mô hình này đạt mức cao như vậy là trong các thời kỳ suy thoái trầm trọng trước đó, chẳng hạn như năm 2008-2009.
Ông Dennis DeBusschere - nhà sáng lập của nền tảng 22V Research - thì cho biết thêm: “Các biến động gần đây lớn đến nỗi mọi người phải chờ xem liệu có thứ gì đó tồi tệ sắp xảy ra hay không”.
Theo bà Shalett của Morgan Stanley, các dấu hiệu về suy thoái kinh tế cho thấy nhà đầu tư sắp phải tính toán lại đường đi nước bước, vì chính sách của Fed thường có độ trễ, đôi khi là tới hai năm. Vấn đề là các nhà đầu tư khi dùng dữ liệu kinh tế thường chỉ dự báo được lợi nhuận của 6 tháng tiếp theo, điều này khiến họ khó mà nhận ra rủi ro đường dài.
Thị trường chứng khoán đang ở giai đoạn tồi tệ nhất kể từ năm 2008. Ảnh: TTXVN. |
“Thị trường gấu vẫn sẽ kéo dài, và các nhà đầu tư nên lường trước được những thông tin tiêu cực sẽ bất ngờ xuất hiện trong nay mai”, bà Shalette viết trong một lưu ý.
Cùng lúc đó, đồng USD mạnh lên đang đặt ra thách thức cho các nhà sản xuất toàn cầu. Trong phiên 26/9, đồng bạc xanh có thời điểm đã tăng giá so với mọi đồng tiền tệ chính - làm sống dậy lời cảnh báo về “vòng lặp tai ương” đáng sợ.