Thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên 13/9 rung lắc dữ dội sau khi cơ quan quản lý cập nhật tình hình lạm phát trong tháng 8. Việc lạm phát chưa có dấu hiệu cải thiện khiến nhà đầu tư kích hoạt làn sóng bán tháo do lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể đưa ra những biện pháp dập lạm phát triệt để hơn.
Chỉ số Dow Jones giảm những 1.276 điểm (-3,94%) xuống 31.104,97 điểm; S&P 500 giảm 177,72 điểm (-4,32%) xuống 3.932,69 điểm, Nasdaq 100 giảm 632,84 điểm (-5,16%) xuống 11.633,57 điểm.
Đợt sụt giảm này xóa bỏ toàn bộ mức tăng trong khoảng một tuần qua của thị trường. Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu công nghệ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đơn cử Meta (công ty mẹ của Facebook) giảm 9,4% hay công ty sản xuất chip Nvidia giảm 9,5%.
Dow Jones mất toàn bộ mức tăng 7 ngày trước do đợt sụt giảm này. Ảnh: Investing.com. |
Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 cho thấy lạm phát cao vượt dự kiến. So với tháng trước, CPI tăng 0,1% bất chấp đà giảm của giá nhiên liệu. Lạm phát cơ bản tăng 0,6% so với tháng trước. Trên cơ sở hàng năm, lạm phát đạt 8,3%.
Trước đó, giới kinh tế kỳ vọng CPI giảm 0,1% và giảm 0,3% đối với CPI cơ bản.
Đây là số liệu cập nhật cuối cùng mà FED sẽ xem trước cuộc họp ngày 20-21/9, thời điểm ngân hàng trung ương dự kiến thực hiện đợt tăng lãi suất 0,75 điểm % lần thứ 3 liên tiếp để giảm lạm phát. Báo cáo tháng 8 cao bất ngờ có thể khiến FED tiếp tục giữ lãi suất cao lâu hơn dự đoán của một số nhà đầu tư.
Giới đầu tư Phố Wall tin rằng lạm phát đã đạt đỉnh sau khi thị trường chứng khoán chứng kiến 4 phiên tăng điểm.
“Báo cáo CPI là yếu tố tiêu cực rõ ràng đối với thị trường chứng khoán. Báo cáo nóng hơn dự kiến đồng nghĩa chúng ta sẽ tiếp tục chịu áp lực từ chính sách của FED thông qua việc tăng lãi suất. Nó cũng đẩy lùi bất kỳ niềm tin FED thay đổi mà thị trường hy vọng trong thời gian tới”, Matt Peron, giám đốc nghiên cứu của Janus Henderson Investors, cho biết.