Theo báo cáo, 98% xuất khẩu năm 2022 của ngành Kpop đều dành cho thị trường Nhật Bản. Từ đây, những lo ngại về sự phát triển toàn cầu của ngành công nghiệp âm nhạc Kpop cũng theo đó tăng lên.
Việc tập trung quá mức vào một thị trường nhất định khiến Kpop bị hạn chế trong việc sản xuất nội dung, hình ảnh đáp ứng thị yếu của khán giả toàn cầu.
Hiện trạng xuất khẩu Kpop
Theo thống kê từ Cục Hải quan Hàn Quốc vào đầu tháng 2, doanh thu xuất khẩu âm nhạc trong nước đạt mức cao kỷ lục 233,11 triệu USD vào 2022. Trong đó, xuất khẩu sang Nhật Bản chiếm 36,7%, tương đương với 85,749 triệu USD.
Cụ thể hơn, chỉ tính riêng việc xuất khẩu video và album kỹ thuật số, nước Nhật đứng vị trí đầu tiên với tỷ lệ áp đảo 98%, chiếm 33,97 triệu USD trong tổng doanh thu 34,64 triệu USD. Tỷ lệ xuất khẩu sang đất nước này cũng tăng dần qua các năm. Đáng chú ý, năm 2022 đạt tỷ lệ tăng trưởng cao nhất trong 5 năm trở lại đây với 44,7%.
Giải thích về điều này, trang Edaily cho biết về mặt địa lý, Nhật Bản là đất nước gần Hàn Quốc. Bởi vậy, gu âm nhạc của hai quốc gia có nhiều điểm tương đồng. Đời sống văn hóa thuộc cùng khu vực châu Á cũng dễ dàng thu hút người hâm mộ hơn.
Chính vì thế, Nhật Bản vốn được coi là “mảnh đất màu mỡ” để các nghệ sĩ Kpop hoạt động và phát triển. Nói cách khác, đây chính là thị trường mục tiêu lớn nhất mà âm nhạc Hàn Quốc hướng tới sau Mỹ.
Nhật Bản là quốc gia đứng đầu trong việc nhập khẩu âm nhạc Kpop. Ảnh: Naver. |
Shim Hee Chul, Giáo sư quản lý giải trí tại Đại học Truyền thông và Nghệ thuật Dong-A, cho biết: “Nhật Bản là một thị trường châu Á gần về mặt địa lý nên Kpop dễ dàng thâm nhập".
Thực tế, các nhóm nhạc idol xứ Hàn khó có thể cạnh tranh hay phát triển mạnh mẽ ở xứ cờ hoa. Trong khi đó, tại Nhật Bản, phong cách âm nhạc, vũ đạo, concept của Kpop đều dễ dàng được công chúng yêu thích và đón nhận. Bởi vậy, thay vì theo đuổi giấc mơ Mỹ tiến với nhiều rủi ro, các công ty quản lý ưu tiên thực hiện kế hoạch “Nhật tiến” với tỷ lệ thành công cao hơn.
Đặc biệt, người hâm mộ Nhật vốn rất trung thành và chịu chi. Họ sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để ủng hộ cho các hoạt động của thần tượng. Bởi vậy, lợi nhuận từ việc tiêu thụ album, vé concert... tại quốc gia này luôn ở mức cao.
Thế nhưng, những lo ngại bắt đầu xảy ra khi sự tập trung của Kpop dành cho cho thị trường này ngày càng cao. Kim Jin Woo, nhà nghiên cứu tại Circle Chart, cho biết: “Hiện tượng Kpop tập trung quá nhiều ở Nhật Bản được chú ý từ năm ngoái, song hiện tại trở thành vấn đề đáng lo ngại. Dù thị phần của Nhật Bản đã giảm so với trước đây, song điều này vẫn ảnh hưởng đến thị trường định hướng nội địa với 70% nhu cầu trong nước”.
Nỗi lo bị mắc kẹt
Kim Jin Woo, nhà nghiên cứu tại Circle Chart, chỉ ra: “Nếu nhìn vào các nhóm nhạc nữ gần đây, họ đang quảng bá với concept châu Á truyền thống, không phải phong cách có thể thu hút các nước phương Tây giống như BlackPink. Bởi vậy, mối lo ngại lớn nhất hiện nay là việc Kpop bị mắc kẹt ở thị trường nội địa Nhật Bản”.
Khi Kpop phát triển mạnh ở Nhật Bản, các nghệ sĩ cũng được định hướng hình ảnh dựa theo thị hiếu của người dân xứ hoa anh đào. Theo đó, việc sáng tạo và đổi mới phong cách của các nghệ sĩ để phù hợp với khán giả toàn cầu cũng ngày càng hạn chế.
Đó là lý do những nhóm nhạc nữ khi tấn công thị trường Jpop đều được định hướng theo phong cách dễ thương, đáng yêu, âm nhạc vui tươi, sôi động. Tuy nhiên, họ lại không mấy nổi tiếng ở thị trường quốc tế.
Nhóm nữ thế hệ 4 được kỳ vọng mang lại nhiều màu sắc mới mẻ cho Kpop. Ảnh: Naver. |
Chuyên gia Kim nhận định thêm: “Khi các nhóm nhạc nữ như Le Sserafim đang hoạt động tốt ở Nhật, xuất khẩu sang quốc gia này cũng chắc chắn tăng lên. Trong tương lai, tôi nghĩ thị trường âm nhạc Hàn Quốc sẽ lấy đà từ các nhóm nhạc nữ chứ không phải nam”.
Giới chuyên môn cho rằng sự đột phá của các nhóm nhạc nữ thế hệ thứ 4 đã tạo ra sức ảnh hưởng không nhỏ. Vì lẽ đó, các nhóm nhạc nữ mới hiện nay nên khai thác thị trường Bắc Mỹ hoặc các khu vực châu Á khác bằng chính sự đa dạng cả về âm nhạc lẫn phong cách.
Để quy mô Kpop ngày càng mở rộng, các quốc gia khác ngoài châu Á, chẳng hạn Mỹ, cũng là thị trường quan trọng mà nghệ sĩ nên đẩy mạnh hoạt động. Ngoài NewJeans, IVE và Le Sserafim, nhiều nhóm nhạc nữ khác được dự đoán là những nhân tố chủ chốt của thị trường âm nhạc Hàn Quốc năm nay.
6 cuốn sách hay về Kpop:
Các cuốn sách Shine, I'll Be The One, Kpop Revolution... khai thác nhiều khía cạnh trong Kpop như quá trình trở thành thần tượng, khó khăn, áp lực từ công chúng. Trong đó, tiểu thuyết Shine của Jessica Jung (cựu thành viên SNSD) kể về Rachel Kim - thực tập sinh tại một trong những công ty giải trí hàng đầu Hàn Quốc. Để thực hiện ước mơ, Rachel phải đối mặt với nhiều thử thách khác nhau trong giới giải trí.