Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nỗi kinh hoàng của Hollywood

Hướng phát triển mới của Disney tập trung vào dịch vụ phát trực tuyến khiến tương lai của Hollywood thay đổi. Các ông chủ hoảng sợ trước nguy cơ đóng cửa rạp chiếu.

Theo Variety, trong báo cáo thu nhập quý gần nhất, Disney thông báo rằng số lượng người đăng ký trả phí cho Disney+ tăng lên 116 triệu lượt vào ngày 3/7. Sau hai năm ra mắt, giá cổ phiếu của Disney tăng từ 138 USD lên 177 USD từ ngày 23/8.

Tuy nhiên, ban lãnh đạo của Disney luôn muốn nhiều hơn nữa. Họ đang tính toán thu hút ngày càng nhiều người dùng, mặc dù điều đó đồng nghĩa với việc hy sinh doanh thu từ rạp chiếu. Với mức phí hàng tháng khoảng 4,16 USD/người, doanh thu của 116 triệu khách hàng sẽ tạo ra 5,79 tỷ USD/năm. Con số này vượt qua doanh thu 4,73 tỷ USD mà Disney đạt được trong năm 2019 từ việc phân phối tại rạp.

Sẽ ấn tượng hơn khi biết rằng Disney+ chỉ đang trong giai đoạn sơ khai.

Hướng đi mới của Disney

Biểu đồ gần đây cho thấy Disney đang trong "cơn khát", muốn ngày càng nhiều người dùng tham gia vào Disney+. Công ty mở rộng quy mô trên phạm vi quốc tế, đồng thời liên tục cung cấp phim trực tuyến đến người tiêu dùng.

Ngày 28/12/2019, sau khoảng một tháng ra mắt, Disney+ nhanh chóng thu được 26,5 triệu người đăng ký bằng cách đưa lên ứng dụng các nội dung hiện có, kèm với đó là chương trình mới, bao gồm The Mandalorian. Đến ngày 28/3/3020, Disney+ có 33,5 triệu người đăng ký, tăng 26,4%.

Sau khi Disney bắt đầu mở rộng sang châu Âu, cùng với thông báo rằng các bộ phim dự định ra rạp Artemis Fowl Hamilton sẽ đưa lên ứng dụng trực tuyến, số người dùng tăng lên đến 57,5 ​​triệu vào ngày 27/6/2020. Đây là mức tăng khổng lồ với con số 71,6%.

Sự mở rộng trên phạm vi quốc tế và việc lôi kéo người hâm mộ đến ứng dụng trực tuyến làm thay đổi đường hướng của Disney. Điều đó cũng ảnh hưởng đến khán giả, các rạp chiếu và cả những ngôi sao.

Để giữ vững vị thế, Disney mở rộng thị trường sang Ấn Độ, Nam Mỹ trong năm 2020. Chiến lược diễn ra giữa lúc MulanSoul lần lượt ra mắt. Theo Variety, trong mùa dịch, việc thu hút người đăng ký mới một cách nhanh chóng rất cần thiết. Ngoài ra, việc giữ cho người đăng ký hiện tại hài lòng với dịch vụ, để họ trở thành khách hàng trung thành như với Netflix quan trọng không kém.

Theo báo cáo, tỷ lệ hủy gói đăng ký của Disney+ ở mức 4,3%. Con số đó với các nền tảng trực tuyến khác là Apple TV Plus (15,6%), Peacock (9,5%) và HBO Max (6,7%). Chỉ có Netflix giữ mức ổn định 2,5%, đánh bại Disney+. Từ thời điểm đó, người tiêu dùng nhận được thông điệp của Disney là họ sẽ đưa những bộ phim mới lên ứng dụng trực tuyến nhằm giữ chân khách hàng.

Nỗ lực để duy trì điều này của Disney bắt đầu bằng những tác phẩm mới là loạt phim WandaVision, gần đây có Jungle Cruise (phim có sự tham gia của The Rock và Emily Blunt) thông qua Disney Premier Access với mức phí 30 USD.

Tuy nhiên, Disney khó lòng giữ lượng khách hàng như trước đây. Theo báo cáo, tổng số lượng đăng ký bắt đầu giảm dần vào tháng 3/2021. Điều đó cho thấy thị trường đang bị bão hòa sớm và khiến việc thu hút lượt đăng ký gặp nhiều khó khăn. Nếu điều đó tiếp tục xảy ra, cổ phiếu của Disney có khả năng giảm, đồng thời thúc đẩy công ty đưa ra nhiều phương án khác.

Tuy nhiên, việc càng đầu tư vào dịch vụ phát trực tuyến, cho phát nhiều phim độc quyền sẽ ảnh hưởng đến rạp chiếu. Song, ở mặt khác, điều đó có lợi cho người dùng. Hướng đi của Disney đa dạng hơn Netflix. Họ trao cho khán giả quyền lựa chọn ra rạp hoặc xem phim ở nhà, kèm theo nhiều mức giá mong muốn, theo Variety.

Disney đang đi theo 4 chiến thuật chính: Xem miễn phí sau khi đăng ký tài khoản (với những bộ phim ít đình đám như Hamilton), tính thêm phí (với phim bom tấn như Mulan), ra mắt đồng thời phim ở rạp và trên ứng dụng (ví dụ là Jungle Cruise) và giảm thời lượng ra rạp của phim, sau đó phát trên Disney+ (Free Guy chiếu ở rạp 45 ngày, trước đây tiêu chuẩn là khoảng 75-90 ngày).

Nỗi lo của các ông chủ rạp

Theo Variety, đối với các chủ rạp chiếu phim, việc Disney đầu tư lớn vào dịch vụ phát trực tuyến chẳng khác gì nỗi kinh hoàng. Trong thông cáo báo chí ngày 18/7, Hiệp hội chủ sở hữu các rạp chiếu phim Mỹ (NATO) tuyên bố việc phát Black Widow đồng thời tại rạp và trên ứng dụng trực tuyến làm giảm doanh thu phòng vé. Phim chỉ thu được 80 triệu USD vào tuần đầu công chiếu thay vì 97-130 triệu USD với thương hiệu bom tấn.

NATO cũng lưu ý rằng doanh thu phòng vé của Black Widow sau đó giảm mạnh vào tuần thứ hai. Hiệp hội cho rằng Disney không còn quá quan tâm nhiều đến doanh thu, thay vào đó là bán lượt đăng ký trên Disney+. Điều này có thể dẫn đến việc doanh thu phòng vé giảm, thậm chí có khả năng phá sản, sự biến mất của một số phòng vé.

Tại cuộc họp hàng năm Cinemacon tổ chức ở Las Vegas, Giám đốc NATO John Fithian khẳng định việc phát đồng thời tại rạp và trên ứng dụng “không hiệu quả với bất kỳ bên nào”. Tuy nhiên, Variety đánh giá điều này không đúng. Phát trực tuyến hiện tại là xu thế chung, trước mắt có thể thu hút và giữ chân người đăng ký, tăng doanh thu để hưởng lợi nhuận lớn sau này.

Đối với những ngôi sao hạng A, tính toán mới của Disney đã tạo cho họ con đường gập ghềnh. Scarlett Johansson đã nổ phát pháo đầu tiên, đệ đơn kiện Disney làm ảnh hưởng đến quyền lợi của cô vì phát song song Black Widow tại rạp và trên ứng dụng trực tuyến.

Theo quan điểm của Scarlett Johansson, cô phải có khoản tiền thưởng 50 triệu USD so với thù lao ban đầu là 20 triệu USD. Cô muốn đòi khoản bồi thường vì Disney vi phạm hợp đồng.

Tuy nhiên, vụ kiện có thể chẳng đi đến đâu, khi phía Disney cho rằng họ hoàn thành nghĩa vụ với Scarlett Johansson trước khi đưa phim lên ứng dụng phát trực tuyến, bằng việc phát hành phim rộng rãi tại hơn 4.000 rạp chiếu ở Bắc Mỹ.

Khi Scarlett Johansson đồng ý ký hợp đồng đóng Black Widow, Disney+ chưa tồn tại. Điều khoản “một bản phát hành ở rạp chiếu” không đồng nghĩa với việc “phát hành độc quyền ở rạp chiếu”. Disney đã lách luật sau khi Disney+ ra đời.

“Đáng lý ra điều khoản phải ghi Black Widow phát hành độc quyền ở rạp, nhưng điều đó không xảy ra. Đây là thời điểm các ngôi sao cân nhắc nhiều hơn trước khi ký hợp đồng”, luật sư Corey Field nói.

Một số công ty quản lý nghệ sĩ lo ngại sự bành trướng của Disney sẽ khiến sao hạng A mất quyền lợi trong lúc đàm phán hợp đồng. Tuy nhiên, từ sau vụ kiện giữa Disney và Scarlett Johansson, nhà chuột đang đề nghị Emma Stone đóng tiếp phần 2 của Cruella với hợp đồng béo bở hơn.

Theo Variety, khi cuộc đua giữa các dịch vụ trực tuyến dần lắng xuống, ngành công nghiệp đạt đến trạng thái cân bằng mới, đối tượng hưởng lợi nhiều nhất là người tiêu dùng và các hãng phim. Sao hạng A “huề vốn” và rạp chiếu sẽ bất lợi nhất.

Mặc dù một số người cho rằng đây là kết quả của đại dịch, thực tế hướng đi này đã ngầm phát triển từ trước khi Covid-19 ập đến. Khán giả dần tham gia vào cuộc chơi phát trực tuyến, thích theo dõi bom tấn từ nhà hơn là ra rạp. Đại dịch chỉ góp phần thúc đẩy điều đó xảy ra sớm hơn và mạnh mẽ hơn.

Cuộc chiến cát-xê của sao hạng A

Vụ Scarlett Johansson kiện Disney dẫn đến vấn đề nan giải ở Hollywood. Dưới sự tác động của dịch vụ phát trực tuyến, các ngôi sao phải làm quen với cách nhận cát-xê mới.

Câu lạc bộ cát-xê triệu USD của diễn viên hạng A

Trong bối cảnh dịch vụ phát trực tuyến lên ngôi, các ngôi sao màn bạc được trả mức lương khổng lồ, có người lên đến 2 triệu USD cho mỗi tập phim truyền hình.

Trạch Dương

Bạn có thể quan tâm