Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nỗi đau vươn xa hàng nghìn km từ thảm kịch ở chung cư New York

Vụ cháy chung cư ở New York hôm 9/1 khiến 17 người thiệt mạng không chỉ là thảm kịch ở riêng nước Mỹ, mà còn là nỗi đau cho nhiều người thân ở châu Phi của các nạn nhân.

Sáng sớm 9/1, Ebrima Dukureh (60 tuổi) ở thị trấn Allunhari, Gambia, nhận một cuộc gọi từ cháu trai. Haji Dukureh (49 tuổi) gọi đến từ thành phố New York để thăm hỏi và chúc phúc người thân ở quê nhà như anh vẫn thường làm, theo Guardian.

“Xin chúa bảo vệ chúng ta, xin chúa ban bình an cho chúng ta”, họ cầu nguyện. Đó là lần cuối cùng Ebrima nghe thấy giọng nói của cháu trai.

Cuối đêm hôm đó, một ngọn lửa xé toạc khu chung cư nơi Haji sống ở Bronx, cướp đi mạng sống của vợ chồng anh cùng 3 đứa con, và ít nhất 12 người khác.

Tám trong số các nạn nhân là trẻ em, và hầu hết trong số họ có mối liên hệ mật thiết với các gia đình ở quốc gia Tây Phi nhỏ bé. Thảm kịch đêm 9/1 ở New York đã khiến các cộng đồng ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương chìm trong đau buồn và kinh hoàng.

Hy vọng của quê nhà

Haji đã ở New York 17 năm, và là một trong số nhiều người Gambia - hầu hết có gốc gác ở Allunhari và Soma - sống trong khu nhà số 333 phố East 181st. Tòa nhà 19 tầng kể từ những năm 1980 đã là bến đỗ của nhiều người Gambia và người Tây Phi khác đang tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn ở Mỹ.

noi dau tu chay chung cu o New York anh 1

Một địa điểm tưởng niệm các nạn trong nhân vụ cháy Bronx ở New York. Ảnh: AP.

Mắt Ebrima đỏ hoe vì lệ khi ông với lấy điện thoại và lướt xem ảnh của Haji và gia đình. Ebrima gần như là một người cha đối với Haji khi cha mẹ anh qua đời.

Dù xa cách quê suốt hàng chục năm liền, Haji vẫn dữ liên lạc thường xuyên, và anh là niềm hy vọng đối với gia đình. Hầu hết gia đình ở Allunhari sống dựa vào nông nghiệp và tiền do con cháu tha hương lập nghiệp gửi về.

Chỉ vào chồng bao tải gạo trong một cửa hàng mà Haji đã trả tiền vào đầu tháng này, Ebrima nói rằng cháu trai của ông đã gửi tiền ăn uống, chi tiêu cho gia đình, và thậm chí là tiền học phí cho các cháu.

“Thằng bé ngoan lắm, nó luôn hỏi thăm tôi và giúp đỡ mọi người trong nhà”, ông nói.

Theo Ebrima, Haji kiếm được mức lương khiêm tốn khi làm “công việc ban đêm” ở New York, nhưng anh vẫn gửi tiền cho các thành viên trong gia đình và thậm chí cả hàng xóm khi họ mở tiệc mừng tin vui nào đó trong nhà.

Theo Liên Hợp Quốc, những khoản chi trả như vậy có thể có tác động khá lớn đến nền kinh tế mà trong đó 48% dân số sống trong cảnh nghèo đói.

Theo ngân hàng trung ương của Gambia, lượng kiều hối chuyển về nước này trị giá 20% GDP.

Nỗi đau xuyên Đại Tây Dương

Vụ hỏa hoạn diễn ra ở New York, nhưng cũng khiến người dân Allunhara choáng váng. Không có tang lễ chính thức nào được tổ chức, nhưng đau buồn về những cái chết cách đó hàng nghìn km đã bao trùm toàn bộ thị trấn.

Tivi bị tắt tiếng. Các nhóm người ngồi lặng thinh với tâm trạng u ám. Dọc hai bên đường - nơi thường xuyên mở loa phát nhạc xập xình - những người thợ hàn làm việc trong im lặng.

noi dau tu chay chung cu o New York anh 2

Fatoumata Tunkara và các con. Ảnh: Guardian.

“Chuyện như vậy chưa bao giờ xảy ra ở đây. Các gia đình ai nấy đều đau buồn”, một người qua đường nói.

Ở Soma, cách đó vài giờ chạy xe về phía tây, người đến chia buồn kéo nhau đến khu nhà của gia đình Tunkara. Một số mang theo thức ăn, tiền hoặc quà tặng. Những người khác chỉ ngồi và tưởng nhớ Fatoumata Tunkara (41 tuổi) và con trai (13 tuổi) Omar của cô, cả hai đều chết trong vụ cháy.

Bà Aji Mama Tunkara (71 tuổi) lấy ra xem vài bức ảnh đã cũ sờn của em gái, cả ở Soma và ở New York - nơi cô chuyển đến khoảng 20 năm trước.

“Tôi không có con và người mẹ quá cố của chúng tôi đã giao cho tôi trách nhiệm nuôi nấng con bé từ lúc mới 2 tuổi. Con bé không chỉ là một đứa em gái, mà còn giống như con gái của tôi”, bà nói.

Từ New York, Fatoumata - làm cùng lúc 2 công việc - cũng đã gửi tiền về hàng tháng để cải thiện cuộc sống của gia đình ở quê nhà.

“Fatoumata là trụ cột của gia đình. Tôi vừa nói chuyện với con bé cách vài giờ trước khi nó ra đi”, Tunkara nói.

Jaha Dukureh - một nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng sinh ra ở Soma và đang sống ở Atlanta - cho biết Fatoumata không sống trong tòa nhà nơi xảy ra vụ hỏa hoạn, nhưng cô gửi Omar cho một người giữ trẻ tại đó.

“Fatoumata hôm đó đến đón con khá muộn, nên cô ấy quyết định ở lại, và sau đó hỏa hoạn đã xảy ra”, Dukureh nói.

Dukureh cho biết thêm rằng Fatoumata còn có thêm 3 đứa con, ngoài Omar, và những đứa trẻ không có ai để nương tựa ngoài mẹ chúng.

noi dau tu chay chung cu o New York anh 3

Hình ảnh của một số nạn nhân trong vụ cháy Bronx ở New York. Ảnh: AP.

Con gái của Fatoumata đã mở một tài khoản GoFundMe để quyên góp với hy vọng có thể chăm sóc các em. Họ hiện sống với một người họ hàng, Dukureh cho biết.

“Fatoumata rất thương con, cô ấy luôn tươi cười. Tôi nghĩ mình chưa từng gặp ai dịu dàng như cô ấy”, Dukureh nói.

Ở Soma và Allunhar, có nhiều cảm xúc lẫn lộn về việc liệu nên đưa thi thể người thân của họ về Gambia để an táng hay chôn cất ở New York.

“Đưa thi thể họ về Allunhari là một điều tàn khốc. Chúng tôi chưa bao giờ trải qua bi kịch như vậy”, Aja Musa Njie, dì của Haji Dakureh, nói. “Khoảng trống do Haji để lại không ai có thể lấp đầy”.

Nỗi đau xót bóp nghẹt người ở lại sau thảm kịch ở chung cư New York

Ngay sau sinh nhật 12 tuổi, Muhammad Drammeh, cùng với mẹ và hai chị gái, đã qua đời trong vụ cháy chung cư thảm khốc ở New York. Sự việc khiến những người ở lại đau xót tột cùng.

Vụ cháy chung cư New York thảm khốc bất thường vì một cánh cửa hỏng

Các nhà chức trách ngày 10/1 điều tra về việc một số cửa an toàn trong khu chung cư ở New York không đóng, khiến đám cháy lan ra toàn tòa nhà và giết chết ít nhất 17 người.

Hồng Ngọc

Bạn có thể quan tâm