Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nỗi đau tâm lũ Chiềng Nơi

Đã gần 10 ngày sau cơn mưa lũ và sạt lở đất kinh hoàng tại xã Chiềng Nơi (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La), nỗi đau, sự tuyệt vọng của bà con nơi đây vẫn hằn in trên khuôn mặt.

Anh Ngô Văn Cương - Bí thư T.Ư Đoàn tặng quà người dân nơi tâm lũ Chiềng Nơi.

Mẹ ơi, sao bố đi... lâu thế không về!

Đi chân đất, quần áo nhuốm màu bùn khô, Giàng Thị Só (SN 1998, trú tại bản Hua Pư), tiếp chúng tôi với đôi mắt đỏ hoe, gương mặt hốc hác. Chưa kịp hỏi thăm, Só đã khóc nấc: “Mất chồng rồi, em không còn gì nữa... Từ ngày về đây, em chỉ quen mỗi chồng (anh Vàng A T., SN 1998), chồng làm điểm tựa của mẹ con em... Chồng mồ côi bố, mẹ đi bước nữa. Bố mẹ đẻ em thì ở xa...”.

Trước khi thiên tai xảy ra, ngày 21/7, vợ chồng Só lên kế hoạch dựng nhà mới. 3h sáng ngày 24/7, mưa bão đổ bộ, hai vợ chồng Só đào rãnh thoát nước sau nhà rồi đi ngủ tiếp. Tới 7h sáng, chồng Só tiếp tục lấy cuốc đi đào rãnh gần nhà.

“Lúc đầu, em cũng không nghĩ chồng đi đào rãnh. Khi thấy mọi người về hết rồi mà chưa thấy chồng, em bắt đầu lo lắng và sợ hãi. Sau đó em chỉ biết ngồi và khóc hét: Mọi người ơi, không thấy chồng em đâu rồi… Vì không có người thân nào khác, lúc đó, em chỉ biết bám víu vào hàng xóm, kêu gào nhờ mọi người hỗ trợ đi tìm chồng”, Só kể.

Gần một ngày sau, lực lượng chức năng mới thông báo tìm thấy thi thể chồng của Só. Nhận thi thể chồng trong cảnh tan hoang, người vợ trẻ sụp đổ hoàn toàn, không có người thân nào ở bên để nương tựa. Hai đứa con còn nhỏ, ngơ ngác.

Só phải đi nhờ nhà hàng xóm để có chỗ làm đám tang cho chồng. Hai đứa con thơ của Só thấy mọi người khiêng quan tài bố đi, chưa hiểu chuyện gì, quay qua hỏi mẹ: “Mẹ ơi, sao bố đi bẫy chim, bẫy chuột lâu thế không về…”.

Trước đây, Só và chồng quen nhau khi cùng đi làm công nhân ở Bắc Ninh. Năm 2019, cả hai lấy nhau rồi quyết định về bản Hua Pư lập nghiệp. Ngôi nhà của vợ chồng trẻ được dựng tạm bằng gỗ, chừng 5m2.

“Hai vợ chồng dự định dựng lại nhà mới rồi trồng thêm cà phê với hy vọng cuộc sống khởi sắc. Nay, chồng đi xa rồi, em không biết bắt đầu từ đâu…”, Só nói thêm.

Cả cơ ngơi trôi theo lũ dữ

Chỉ tay hướng về ngôi nhà đã cất công gây dựng bao năm, nay cơn lũ dữ cuốn đi không còn một dấu vết, anh Tòng Văn Hơn (SN 1994, trú tại bản Nhụng Dưới) gương mặt thất thần.

Anh Hơn kể, đêm 24/7, khi thấy mưa bão, anh chạy ra giúp mấy nhà ở dưới thấp di tản đồ đạc. Khi lũ dâng quá cao, anh mới chạy về nhà. “Tôi chỉ kịp chạy về ôm 2 đứa con còn đang ngủ, cùng vợ chạy lên nhà bác. Chỉ chừng 30 phút sau, nhà cửa, đồ đạc bị cuốn trôi hết theo dòng lũ.

Trong két sắt, có giấy tờ quan trọng và 200 triệu đồng tích góp nhiều năm, anh định sắp tới mở quán tạp hoá cũng mất hết. Bao nhiêu cuốn sách, sổ, giáo án của vợ (chị Hà Thị Sượm - giáo viên trường Mầm non Chiềng Nơi) cũng chẳng còn”, anh Hơn chia sẻ.

“Bố ơi, sao con lại ngủ ở đây? Gấu bông, đồ chơi của con đâu rồi”… những câu hỏi liên tiếp của con khiến anh Hơn càng buồn bã.

“Là người trụ cột trong gia đình, chính bản thân tôi cũng khó có can đảm, mạnh mẽ để lạc quan vào lúc này. Trước đó, tôi dự tính sẽ xây chuồng trại để chăn nuôi quy mô lớn. Thế mà chỉ sau một đêm, mọi thứ lại trở về con số 0. Trong tôi bây giờ chỉ có cảm giác bất lực...”, anh Hơn tâm sự.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Mùa A Sồng - Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Nơi cho biết, Chiềng Nơi là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất trong đợt mưa lũ vừa rồi. Mưa lớn kéo dài gây sạt lở đất tại bản Hua Pư, Pá Hốc, làm 6 người chết, mất tích.

“Đã 33 năm sau trận mưa bão lịch sử gây thiệt hại nặng nề trên địa bàn (năm 1991), vừa qua, người dân lại rơi vào cảnh mất trắng, nhà cửa tan hoang, người thân ly tán. Chính quyền xã cùng bà con đang nỗ lực khắc phục hậu quả sau mưa bão. Hiện các hộ dân đều rất khó khăn, thiếu lương thực, đi ở nhờ nhà nhau, chật chội, không đủ tránh mưa, tránh nắng. Chúng tôi rất mong, thời gian tới sẽ có thêm nhiều nguồn lực hỗ trợ bà con nơi đây”, ông Mùa A Sồng cho biết.

Trước nỗi đau, nỗi mất mát lớn của người dân nơi tâm lũ, anh Ngô Văn Cương - Bí thư T.Ư Đoàn dẫn đầu đoàn công tác T.Ư Đoàn đến thăm hỏi, động viên, tặng quà hỗ trợ người dân và thanh thiếu nhi ở Chiềng Nơi.

“Thông qua chương trình, tôi hy vọng sẽ giúp đỡ được một phần nào đó để bà con vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống trong thời gian tới”, anh Cương nói.

T.Ư Đoàn đã trao tặng cho người dân, thanh thiếu nhi chịu thiệt hại nặng bởi thiên tai trên địa bàn xã Chiềng Nơi 1 cây cầu dân sinh nối từ khu dân cư đến điểm trường mầm non, tiểu học bản Cho Cong; 2 ngôi nhà hạnh phúc cho 2 thiếu nhi mồ côi, bị sập nhà do mưa lũ tại bản Hua Pư; 2 tấn gạo, 100 áo phao, 150 thùng sữa, 68 túi an sinh, quà tặng tiền mặt. Tổng trị giá nguồn lực trên 700 triệu đồng.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang kiểm tra tình hình sạt lở ở 2 tỉnh

Ngày 11/8, tại Bạc Liêu, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang có buổi khảo sát và làm việc với 2 tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau về tình hình sạt lở.

Miền Bắc, Trung Bộ mưa lớn diện rộng

Dự báo thời tiết 3/8: Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nguy cơ mưa rất to, gây lũ quét và sạt lở đất. Nam Bộ mưa to cục bộ, tập trung vào chiều tối và đêm.

Lời kể của nạn nhân sống sót vụ lở đất vùi lấp xe khách ở Hà Giang

Đất đá bất ngờ đổ ập xuống khi Vừ Mí Sính cùng mọi người đang đẩy xe ra khỏi khu vực sạt lở. Bị vùi lấp chỉ kịp ngoi được mỗi đầu lên khỏi mặt đất, Sính cố dùng tay bới đất đá, lấy không gian thở...

Sách hay về xã hội

Văn minh Việt Nam - nhà dân tộc học Georges Condominas từng nhận xét tác phẩm này là “Cửa sổ để thế giới hiểu về Việt Nam”.

Sách Bàn về Quốc hội - những thách thức của những khái niệm là kết quả của cả một quá trình tích lũy và suy ngẫm của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

https://tienphong.vn/noi-dau-tam-lu-chieng-noi-post1663822.tpo

Châu Linh/Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm