Cả hai bố con Williams đều đã tiêm đủ 2 mũi. Có lẽ hai người bị lây từ cô con gái thứ hai 11 tuổi vì cô bé mắc Covid-19 chỉ 2 ngày trước lịch tiêm mũi đầu tiên.
“Tôi không thể nói về chuyện này mà không cảm thấy bị dày vò vì tôi đã rất thận trọng trước khi mắc Covid-19”, ông Williams nói. “Tôi cũng thấy khó chịu khi phải ấp úng giải thích rằng tôi tin vào khoa học và đã tiêm chủng. Cảm giác như đi giữa bãi mìn vậy”.
Trong đợt bùng phát Delta, số người tiêm đủ 2 mũi nhưng vẫn mắc Covid-19 ở Mỹ bắt đầu tăng mạnh. Điều này không nhất quán với tuyên bố dịch bệnh chỉ là “đại dịch của người chưa tiêm chủng” mà Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC Mỹ) đưa ra trong mùa hè.
Các ca nhiễm đột phá (đã tiêm đủ nhưng vẫn mắc Covid-19) đã chứng minh rằng vaccine là công cụ hữu hiệu nhưng không hoàn hảo để ngăn dịch lây lan. Tiêm chủng diện rộng là điều phải làm, tiêm chủng riêng lẻ là chưa đủ.
Lúc này đây, khi chủng Omicron thổi bùng đợt lây nhiễm mới và số ca nhiễm đột phá tăng nhanh, người dân trở nên bực bội và rối bời hơn bao giờ hết.
Sau khi mắc Covid-19 dù đã tiêm đủ 2 mũi, nhiều người phải tự biện minh hoặc suy nghĩ lại về hành động của bản thân. Ảnh: Shutterstock. |
“Tôi thấy rất xấu hổ”
Ông William không phải là người duy nhất cảm thấy lo âu hoặc bị phán xét vì đã không đủ cẩn thận và lây virus cho người khác. Nhiều người cũng có cảm giác tội lỗi hoặc xấu hổ vì có thể đã vô ý gây ra rủi ro cho người khác.
Liam Neess, một thợ sửa ôtô 29 tuổi tại Cincinnati, Ohio, đã xét nghiệm dương tính 6 tháng sau mũi tiêm Pfizer thứ hai, ngay trước khi ông chuẩn bị bắt đầu chuyến đi 10 ngày để dự hai đám cưới, trong đó đám cưới thứ hai là của chị gái.
“Việc phải báo tin cho mọi người là tôi đã dương tính và họ nên xét nghiệm không stress bằng ảnh hưởng của chuyện này tới gia đình tôi”, Neess nói. Dù vậy, đối với ông, đó vẫn là “trải nghiệm khá đáng sợ”.
Neess còn thấy ái ngại vì biết đồng nghiệp mình có nguy cơ nhiễm virus vì nếu họ xét nghiệm dương tính, cả xưởng sửa chữa sẽ cần đóng cửa.
Tuy thấy ái ngại, Neess cho biết việc tiết lộ mình mắc Covid-19 là đúng với đạo đức và phép cư xử trong xã hội. May mắn là ông hai lần xét nghiệm âm tính vào một ngày trước lễ cưới của chị gái, các đồng nghiệp của ông cũng đều âm tính.
Jess, 32 tuổi, sống tại Pennsylvania, cũng có cảm giác dày vò như của Neess sau khi lây nhiễm đột phá hồi tháng 9.
“Tôi cảm thấy hồi hộp khi phải báo tin cho các F1 và thậm chí là cho người trong gia đình dù tôi không tiếp xúc gần với họ”, Jess nói.
Một điểm xét nghiệm Covid-19 tại thành phố New York vào tháng 12. Ảnh: Reuters. |
Jess cho rằng mình nhiễm virus khi tham dự sự kiện có 18 người ngồi sát nhau trong 3 tiếng mà không đeo khẩu trang. Đó là lần duy nhất Jess buông lỏng các biện pháp đảm bảo an toàn như khẩu trang và giãn cách xã hội.
Jess nói đã mạo hiểm vào tối hôm ấy vì mình tiêm đủ 2 mũi, và dường như rất lâu rồi bà mới cho phép mình làm như thế.
“Khi phát hiện mình dương tính, tôi thấy xấu hổ vì đã tự đặt mình vào tình huống rủi ro. Tôi cũng không muốn mọi người biết được hoàn cảnh mình nhiễm virus”, Jess nói. Jess ban đầu định nói dối nhưng cuối cùng đã nói thật. Rốt cuộc thì “nó cũng không phải chuyện to tát” lắm như Jess vẫn lo sợ.
“Để vượt qua đại dịch, ta cần đoàn kết và có hành động phối hợp”, tiến sĩ Julia Raifman, phó giáo sư thuộc Trường Y tế Công cộng, Đại học Boston, nói. “Hành động của mỗi người đều có ảnh hưởng tới người khác. Vì thế, đây là lúc chính quyền phát huy vai trò dẫn dắt chúng ta có hành động phối hợp để ngăn ngừa lây nhiễm”.
Khi không có sự dẫn dắt như thế từ quan chức, bà Raifman cảm thông với những người như Jess và Neess. Theo bà, họ đang rất cố gắng để cân bằng giữa cuộc sống cá nhân và hành động có trách nhiệm trong hoàn cảnh dịch bệnh luôn thay đổi và thiếu thốn thông tin.
“Điều đó có đáng không? Tôi không rõ nữa”
Aaron Ghitelman, 30 tuổi, bị lây nhiễm đột phá Covid-19 sau khi liên tục dự các sự kiện của ban nhạc yêu thích trong hai ngày cuối tuần hồi tháng 8. Vì đã thích ban nhạc này trong một thập kỷ, Ghitelman muốn chia sẻ trải nghiệm ấy với bạn gái.
“Thật là ngu ngốc”, Ghitelman lúc này nhìn lại.
Một số người tham gia hội chợ về anime vào tháng 11 tại New York. Ảnh: AFP. |
Trở về nhà từ thành phố New York, Ghitelman và bạn gái xét nghiệm dương tính với Covid-19. Họ phải vội vàng hủy các buổi hẹn và báo tin cho mọi người.
Dù lo lắng sẽ bị chỉ trích, Ghitelman lập tức thông báo tình trạng bệnh trên mạng xã hội. Tinh thần trách nhiệm đã chiến thắng cảm giác ái ngại của Ghitelman.
Lúc này nhìn lại, Ghitelman vẫn chưa thể chắc chắn liệu mình sẽ hành động khác đi hay không. Một mặt, cảm giác mắc Covid-19 đối với ông khác hẳn so với các căn bệnh khác, dù chỉ là mức độ nhẹ. Nhưng mặt khác, các sự kiện âm nhạc hồi tháng 8 đem lại cho ông niềm vui đã vắng bóng từ lâu.
“Tôi tự hỏi mình ‘nếu mỗi lần đi nghe nhạc mà mắc Covid-19 thì tôi có đi nữa không?”, Ghitelman nói. “Đây là điều rất có ý nghĩa với tôi và mang lại cho tôi nhiều niềm vui. Tôi muốn tìm cách làm điều ấy an toàn mà không bị nỗi sợ bao trùm”.
Như Ghitelman, Jess cũng có cảm giác mâu thuẫn như thế đối với quyết định đã khiến mình mắc bệnh.
“Lúc ấy thật tuyệt vời vì được giải phóng bản thân khỏi tâm lý bức bối khi tuân thủ các biện pháp nghiêm ngặt”, Jess nói. “Trong một khoảnh khắc, tôi không còn stress về việc rửa tay, giãn cách 2 m và đeo khẩu trang. Nhưng cuối cùng tôi đã mắc bệnh. Liệu điều đó có đáng không? Tôi cũng không rõ”.
Với sự xuất hiện của Omicron - biến chủng dễ lây hơn Delta, “liệu có đáng không” là câu hỏi nhiều người chắc chắn sẽ phải tự hỏi, kể cả là với những lựa chọn vốn rất đỗi bình thường.
“Mọi người cảm thấy chán nản vì chúng ta vẫn ở trong tình cảnh này dù đã có vaccine rất hiệu quả”, phó giáo sư Raifman nói. “Tôi nghĩ rằng sẽ khó để bất cứ ai có thể đưa ra lựa chọn tốt cả đôi đường”.