Ảnh: Global Times. |
Ngay sau cuộc đua tìm dầu là cuộc đua sản xuất thứ nhiên liệu này nhanh nhất và nhiều nhất. Việc ồ ạt sản xuất để đạt “sản lượng dồi dào” luôn đe dọa các túi dầu, khiến áp suất khí sớm bị mất đi và như vậy khả năng phục hồi thấp hơn. Tuy nhiên, có nhiều lý do khiến hoạt động khai thác như vậy trở thành một thông lệ. Một là do sự thiếu hiểu biết về địa chất. Hai là những khoản lợi nhuận lớn nhanh chóng. Ba là do tính chất của các điều khoản hợp đồng cho thuê đất yêu cầu phải nộp lãi trong quá trình sản xuất ở mức nhanh nhất có thể.
Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất trong việc hình thành văn bản pháp quy về sản xuất dầu lửa của Mỹ và cấu trúc ban đầu của ngành công nghiệp này từ những ngày đầu tiên là “quy tắc nắm giữ”, một đạo luật dựa trên thông luật của Anh. Nếu một con vật hoặc một con chim đang bị săn chạy hoặc bay từ một điền trang này sang một điền trang khác, người chủ của điền trang thứ hai hoàn toàn có quyền giết chết con vật hoặc con chim đó trên đất của ông ta.
Tương tự vậy, những người chủ đất có quyền lấy ra bất kỳ thứ tài sản nào nằm dưới mặt đất, theo như một quan tòa người Anh đã ra phán quyết, không một ai có thể chắc chắn là điều gì đang thật sự chuyển động “trong những mạch ngầm dưới lòng đất”.
Trong trường hợp sản xuất dầu, quy tắc nắm giữ có nghĩa là nhiều chủ sở hữu bề mặt đất cùng đứng trên một mỏ dầu chung được phép khai thác tất cả lượng dầu họ có thể khai thác, thậm chí cả khi họ làm cạn kiệt mỏ dầu đó nhiều hơn những người khác, hoặc làm giảm sản lượng và những giếng gần đó của các nhà sản xuất khác xung quanh.
Do đó, chắc chắn chủ sở hữu của những giếng dầu gần nhau sẽ đua tranh quyết liệt để sản xuất nhiều dầu nhất, để tránh tình trạng mỏ dầu bị kẻ khác làm cạn kiệt. Động lực thúc đẩy hoạt động khai thác dầu nhanh chóng góp phần tạo ra sự bất ổn định của sản lượng và giá cả. Quy tắc nắm giữ đã dẫn tới những tổn thất và hư hại đáng kể, ảnh hưởng tới sản lượng cuối cùng mà một mỏ dầu có thể mang lại.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận những ảnh hưởng của quy tắc này trên phương diện khác. Đó là, nó đã tạo ra cơ hội cho ngày càng nhiều người gia nhập ngành công nghiệp dầu lửa và đạt trình độ tinh thông hơn với những kỹ năng khai thác luôn được nâng cao. Và việc đẩy mạnh hoạt động sản xuất nhanh hơn, cũng tạo ra một thị trường rộng lớn hơn.
Cơn sốt khai thác dầu đã tạo ra ở Vùng đất dầu một cảnh tượng hỗn độn đầy những công nhân chở dầu, những lều lán tạm bợ và những ngôi nhà gỗ dựng vội, những khách sạn với năm hay sáu chiếc đệm rơm nhồi nhét trong một phòng đơn, những giàn khoan và thùng chứa dầu, với những con người tràn đầy năng lượng vì hy vọng và những tin đồn, cùng mùi dầu cay xè. Ở chỗ nào cũng vậy, có một thứ không thể tránh được, đó là bùn lầy đọng quanh năm.
Vào thời đó, có hai tác giả đã nhận xét: “Bùn của sông Dầu đã nổi tiếng vào những năm trước và cả sau này. Những ai từng nhìn thấy và phải lội qua thứ bùn đó sẽ nhớ mãi. Lớp bùn dày và đáng tởm tới mức những khi trời ẩm, chúng bao phủ tất cả những con đường chính và phụ. Trong khi đó, những con phố của thị trấn là những điểm vận chuyển chính, trông giống như những chiếc hồ chứa chất lỏng hay những dòng bùn".
Một số người chứng kiến cảnh tượng đổ xô khai thác dầu, nhìn vào “những kẻ lừa đảo” đến đây vì mục đích kiếm tiền nhanh và nhớ lại những ngọn đồi và ngôi làng yên tĩnh của Pennsylvania trước khi có cuộc bùng nổ này. Họ tự hỏi điều gì đã xảy ra và tại sao con người lại có thể thay đổi và bị hạ thấp giá trị tới mức như vậy vì nỗi ám ảnh về sự giàu có.
Năm 1865, một nhà báo địa phương đã viết: “Cơn sốt dầu và đất ở khu vực này đã trở thành một dạng bệnh dịch. Bệnh dịch này đeo bám mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi và mọi điều kiện sống. Con người không còn nói, nhìn hay hành động như sáu tháng trước đây. Đất đai, việc cho thuê, các hợp đồng, những lời từ chối, giấy tờ, thỏa thuận, lãi suất, và mọi thứ liên quan đến dầu mỏ là tất cả những gì họ có thể nói tới. Đâu đâu chúng ta cũng bắt gặp những khuôn mặt lạ và một nửa cư dân ở đây xuất hiện ở New York hay Philadelphia nhiều hơn ở nhà…
Tòa án ngừng hoạt động; vành móng ngựa mất đi giá trị đạo đức; những mối quan hệ xã hội bị phá vỡ; nhà thờ bị bỏ quên; và tất cả những thói quen, những khái niệm và hiệp hội đã tồn tại trong nửa thế kỷ của chúng ta bị đảo lộn trong cuộc chiến giành giật sự giàu có. Một số người nghèo đã trở nên giàu có; một số người giàu đã giàu hơn và một số người giàu đã mất tất cả những gì họ đầu tư".
Tác giả này bày tỏ một suy nghĩ cuối cùng là: “Sớm muộn gì chiếc bong bóng lớn cũng vỡ tung".