Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nỗi ám ảnh của những trẻ bị đưa khỏi Sài Gòn năm 1975

Dù trưởng thành trong sự yêu thương của gia đình nhận nuôi ở nước ngoài, nhiều trẻ em Việt Nam luôn day dứt với các câu hỏi về cội nguồn, quê hương và gia đình ruột thịt.

Tanya Mai, một trong hàng nghìn trẻ em rời Sài Gòn trong chiến dịch Không vận Trẻ em vào tháng 4/1975. Ảnh: Telegraph
Tanya Mai là một trong hàng nghìn người rời Sài Gòn trong chiến dịch Không vận Trẻ em vào tháng 4/1975. Ảnh: Telegraph

"Tôi không biết mình là ai. Tôi không biết gia đình ruột thịt của mình như thế nào, hoặc tôi thừa hưởng những đặc điểm, tính cách này từ đâu. Tôi thậm chí còn không biết ngày sinh của mình. Giấy tờ đều đã mất sạch trong thời chiến. Tất cả những gì tôi có là giấy khai sinh giả để đưa tôi ra nước ngoài", Tanya Mai tâm sự.

Tanya là một trong hàng nghìn đứa trẻ rời khỏi Việt Nam trong chiến dịch Không vận Trẻ em (Operation Babylift) do chính phủ Mỹ thực hiện từ đầu tháng 4/1975. Sau khi rời Việt Nam, những đứa trẻ được đưa tới Mỹ (điểm đến chính) và những nước như Anh, Canada, Australia.

Tanya đến Anh cùng khoảng 100 anh, chị em Babylift khác. Hơn 200.000 gia đình đã nộp đơn xin nhận nuôi "trẻ mồ côi người Việt". Tanya trở thành con nuôi trong gia đình ông bà Ken và Ellen Clarke ở London, theo tờ Telegraph.

Trước khi nhận nuôi Tanya, gia đình Clarke đã có 3 người con khác là Ali, Linda và Nicky. Bố mẹ nuôi rất thương yêu Tanya. Họ đặt cho cô tên ở nhà gọi là Tawny. Sau 40 năm, Tanya trở thành một trong những họa sĩ nổi tiếng ở thành phố Belfast, thủ phủ của Bắc Ireland. Tuy nhiên, cô cũng trải qua hàng thập kỷ day dứt về thân phận và nguồn gốc bản thân.

Chiến dịch đưa 2.700 trẻ em Việt rời Sài Gòn 40 năm trước

Đầu tháng 4/1975, quân đội Mỹ thực hiện chiến dịch Operation Babylift (Không vận Trẻ em) để đưa hàng nghìn người con Việt rời quê hương.

Trẻ em Việt Nam trong một chuyến bay của chiến dịch Babylift. Ảnh: SBS
Trẻ em Việt Nam trong một chuyến bay của chiến dịch Babylift. Ảnh: SBS

"Tôi cảm thấy sự khác biệt khi trưởng thành vì mái tóc đen và nước da ngăm. Thời niên thiếu của tôi ở trường phổ thông Coleraine rất khó khăn. Các bạn bắt nạt và xúc phạm tôi. Tôi từng ước mình có làn da trắng và mái tóc vàng hoặc nâu như các bạn, để được hòa đồng và chấp nhận như những cô gái khác. Tôi đã khóc rất nhiều", Tanya nhớ lại.

Tương tự với những dằn vặt của Tanya, cô Chantal Doecke (tên Việt Nam là Lê Thị Hà) cũng phải đối mặt với hàng loạt câu hỏi về thân phận trong những năm đầu làm con nuôi tại một gia đình ở Australia.

Mẹ ruột của Doecke đã lặng lẽ rời khỏi bệnh viện Từ Dũ sau khi sinh. Doecke là một trong những trẻ mồ côi Việt Nam rời Sài Gòn vào những ngày đầu chiến dịch Babylift. Máy bay chở cô đáp tại sân bay Adelaide, Australia vào ngày 5/4/1975. Người mẹ nuôi Gillian Diggins đã đợi sẵn để đón Doecke. Khi đó, bé gái người Việt chỉ khoảng vài ngày tuổi.

Năm tháng trôi qua, Doecke lớn lên trong sự yêu thương của gia đình Diggins. Tuy nhiên, cô chưa bao giờ thoát khỏi nỗi ám ảnh về việc bị mẹ đẻ bỏ rơi và về những người thân ruột thịt thực sự.

Chantal Doecke, hay Lê Thị Hà (bìa trái), trong vòng tay của các anh chị em nuôi tại Australia. Ảnh: SBS
Chantal Doecke, hay Lê Thị Hà (bìa trái), trong vòng tay của các anh chị em nuôi tại Australia. Ảnh: SBS

"Khi trưởng thành, tôi phải nỗ lực rất nhiều để hòa nhập vào một xã hội phương Tây dù mang trong người những đặc điểm, nguồn gốc châu Á. Nhiều gia đình nhận nuôi không thấy cuộc sống của chúng tôi bị ảnh hưởng rất đáng kể. Bây giờ, rất nhiều người như tôi đang nỗ lực tìm hiểu về văn hóa Việt Nam, tiếp xúc với cộng đồng người Việt. Chúng tôi chưa từng được dạy đầy đủ về những điều này", Doecke trả lời đài SBS.

Ảnh hiếm về trẻ Việt lai tại trại mồ côi trước khi sang Mỹ

Các em nhỏ mồ côi hoặc là con của cựu binh Mỹ được chăm sóc tại trại mồ côi Allambie, Sài Gòn trước khi rời Việt Nam trong chiến dịch Không vận trẻ em 40 năm trước.


Nỗ lực tìm về cội nguồn

Dana Sachs là một trong những người chuyên tâm tìm hiểu về hệ lụy từ chiến dịch Babylift. Năm 2010, nhà báo người Mỹ ra mắt cuốn The Live We Were Given (NXB Trẻ phát hành tại Việt Nam với tựa tiếng Việt là Những mảnh đời được ban tặng).

Khi tiếp xúc với những trẻ Babylift nay đều đã trưởng thành, bà Sachs nhận ra họ luôn biết ơn những bố mẹ nuôi người Mỹ. Tuy nhiên, họ vẫn canh cánh trong lòng về quê hương, người thân, bố mẹ đẻ...

"Đó là những câu hỏi sẽ luôn đeo bám họ trong suốt cuộc đời. Nhiều người chia sẻ với tôi rằng, họ là công dân Mỹ, trưởng thành ở Mỹ và mang quốc tịch Mỹ, nhưng vẻ bề ngoài lại là người Việt Nam. Họ cũng không chắc liệu người Việt Nam có thừa nhận và chào đón như đồng hương xa xứ hay không. Nhiều người đang nỗ lực xây dựng mối liên hệ với Việt Nam, bằng cách này hay cách khác", bà Sachs nói trong cuộc phỏng vấn với đài phát thanh NPR.

Lính Mỹ chăm sóc trẻ em Việt Nam tại sân bay trong chiến dịch Babylift. Ảnh: SBS
Lính Mỹ chăm sóc trẻ em Việt Nam tại sân bay trong chiến dịch Babylift. Ảnh: SBS

Năm 1996, Tanya Mai cùng một nhóm bạn trở về Sài Gòn. "Khi đó, tôi có cảm giác rất lạ vì nhìn thấy nhiều người có màu da giống tôi. Lúc đi qua một nơi, dù trời nóng khoảng 40 độ, tôi vẫn cảm thấy rùng mình. Người bạn Terry của tôi nói đây chính là cô nhi viện đã nuôi nấng tôi năm xưa. Tôi luôn cảm thấy có sự gắn kết với nơi này", Tanya kể.

Tanya đang nỗ lực xây dựng kinh phí thành lập quỹ hỗ trợ trẻ em khó khăn tại Sài Gòn. "Tôi đặt ra cho mình nhiều câu hỏi như, nếu không có chiến tranh, liệu tôi có sống ở Belfast, hoặc tôi tồn tại vì điều gì? Theo tôi, cuộc sống không có sự ngẫu nhiên. Mọi chuyện luôn có mục đích, và mục đích sống của tôi là để giúp đỡ người khác", Tanya nói.

Khác với Tanya, Doecke không muốn đề cập nhiều đến nguồn gốc Việt Nam khi cô cố gắng hòa nhập với xã hội Australia. "Mẹ nuôi thỉnh thoảng khuyên tôi nên về nước và tìm lại gia đình. Tôi nói: 'Tại sao phải như vậy? Con đã có bố, mẹ và anh chị em rất tốt. Chuyện này không cần thiết'", Doecke nói.

Chantal Doecke muốn các con biết về Việt Nam như một phần quê hương. Ảnh: SBS
Chantal Doecke muốn các con biết về Việt Nam như một phần quê hương. Ảnh: SBS

Mọi chuyện thay đổi khi Doecke sinh con đầu lòng ở tuổi 20. Lúc này, cô hoang mang vì không biết rằng cô đã truyền lại cho đứa bé những đặc điểm gì. Do vậy, Doecke tin rằng đã đến thời điểm cô cần khám phá về nguồn gốc bản thân. "Cứ mỗi lần sinh con, tôi luôn trải qua cảm giác hoang mang về quá khứ của mình. Tôi rất hi vọng sẽ tìm thấy bố, mẹ đẻ hoặc bất kỳ anh chị em ruột thịt. Tuy nhiên đây vẫn là những câu hỏi không lời đáp".

Trong những chuyến trở về Việt Nam sau này, Doecke luôn đi cùng chồng và các con. "Tôi nói với con rằng đây là nơi mà con cần phải biết, vì đây là nơi mẹ đã chào đời. Australia là nơi tôi lớn lên, nhưng Việt Nam mới thực sự là quê hương", Doecke nói.

Vụ tai nạn Không vận Trẻ em làm 78 trẻ VN chết 40 năm trước

Ngày 4/4/1975, một máy bay quân sự C5A chở trẻ em người Việt rời Sài Gòn rơi sau khi cất cánh khiến 78 trẻ thiệt mạng. Tai nạn bị nghi ngờ do có người muốn phá hoại máy bay.

Cuộc đời trẻ Babylift sống sót sau tai nạn máy bay năm 1975

Một người đàn ông Mỹ gốc Việt, vốn là đứa trẻ Babylift sống sót sau tai nạn máy bay C5A vào ngày 4/4/1975, đã trở về Việt Nam để làm việc.

Minh Anh

Bạn có thể quan tâm