Landon Carnie thăm hiện trường tai nạn của máy bay C5A từ 40 năm trước. Anh là một trong số những trẻ em may mắn sống sót sau thảm kịch. Ảnh: Asia Life |
Landon Carnie và người chị song sinh Lorie là hai trong số khoảng 230 đứa trẻ trên chuyến bay chở cô nhi người Việt rời khỏi Sài Gòn vào ngày 4/4/1975. Mẹ của Landon đã qua đời sau khi sinh. Người bố đưa hai chị em vào trại trẻ mồ côi vì không còn ai trong nhà có thể nuôi dưỡng các em chu đáo.
Trong ngày máy bay rời khỏi Sài Gòn vào tháng 4/1975, Landon và Lorie chỉ mới 17 tháng tuổi. Thảm kịch xảy ra khi máy bay C5A rơi ở cánh đồng gần sân bay Tân Sơn Nhất ngay sau khi cất cánh. Tuy nhiên, hai chị em đã may mắn thoát chết.
Theo Daily Mail, trước khi máy bay khởi hành, những nữ y tá người Mỹ đã đặt hai chị em Landon cạnh nhau trong khoang chở hàng. Tại vị trí này, lẽ ra cả hai người thiệt mạng ngay khi máy bay rơi. Tuy nhiên, hai đứa bé rơi ra ngoài cánh đồng và may mắn không trọng thương.
Hiện trường tai nạn của máy bay C5A gần sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 4/4/1975. Ảnh: Corbis |
"Hơn một ngày sau khi vụ tai nạn xảy ra, một nông dân mới phát hiện chúng tôi trên cánh đồng. Khi ấy cả hai đang khóc", Landon kể.
Bố, mẹ nuôi của Landon ở Mỹ tưởng hai trẻ đã chết, vì nhân viên Mỹ gửi điện tín cho họ để thông báo rằng đội cứu hộ không thể tìm thấy họ.
"Thế nhưng cuối cùng một người phát hiện vị trí tôi và chị đang nằm. Tất cả tài liệu quan trọng của những trẻ mồ côi như giấy khai sinh, hồ sơ về bố, mẹ ruột cháy rụi cùng máy bay.
Sau khi đến Mỹ, Landon và chị ở cùng với một gia đình tại bang California. Đến năm 2002, anh quyết định trở về Việt Nam để sinh sống và lập nghiệp. Hiện Landon là giảng viên ngành truyền thông tại Đại học RMIT Việt Nam.
Tuy sống ở Việt Nam 13 năm, Landon chỉ tìm thấy địa điểm chính xác của thảm kịch C5A vài năm gầy đân. Đầu tháng 4/2015, trước dịp tưởng niệm 40 năm vụ tai nạn máy bay C5A, Landon lặng lẽ đến hiện trường vụ tai nạn năm xưa để tưởng nhớ những người anh, chị em Babylift trên cùng chuyến bay định mệnh.
Landon và chị gái, Lorie, chụp ảnh tại Việt Nam vào năm 2005, tròn 30 năm sau khi hai chị em rời quê hương trong chiến dịch Babylift. Ảnh: Daily Mail |
Người dân sống tại ngôi làng gần đó xây ngôi đền nhỏ để thờ cúng và an ủi linh hồn các trẻ em thiệt mạng. "Linh hồn bọn trẻ vẫn còn ở đây", một người dân nói. Ông cho rằng, rất nhiều đứa trẻ bỏ mạng giữa cánh đồng rồi không được chôn cất chu đáo nên chúng không thể siêu thoát.
Chuyến bay C5A xuất phát từ Sài Gòn vào ngày 4/4/1975 để tới căn cứ không quân Clark ở Philippines rồi bay sang Mỹ. Theo kế hoạch, tổng thống Gerald Ford sẽ thân chinh đón đoàn trẻ Babylift để đánh dấu chuyến bay không vận trẻ em chính thức đầu tiên sau khi ông phê chuẩn chiến dịch.
Tuy nhiên, thảm kịch 4/4/1975 đã cướp sinh mạng của 153 người, bao gồm 78 trẻ em. Dù vụ tai nạn gây chấn động trong dư luận Mỹ, Nhà Trắng vẫn tiếp tục chiến dịch cho đến ngày 26/4. Hơn 3.000 trẻ em Việt Nam rời quê hương trong chiến dịch Babylift. 2.700 trẻ em trong đó đến Mỹ và trở thành con nuôi trong các gia đình.