Hộp đen ghi âm buồng lái của máy bay. Ảnh: ABC News |
Sau mỗi tai nạn, lực lượng cứu hộ thường ưu tiên tìm kiếm thiết bị lưu trữ dữ liệu chuyến bay và ghi âm buồng lái, được gọi là hộp đen. Chúng chứa toàn bộ thông tin về tình trạng phi cơ và mọi âm thanh trong buồng lái. Đây được coi là chìa khóa để giải mã tai nạn máy bay, Guardian đưa tin.
Trái với tưởng tượng của nhiều người, hộp đen thực chất là thiết bị màu cam. Nó được cấu thành từ vật liệu cứng để có thể tồn tại qua những tai nạn thảm khốc. Quá trình giải mã hộp đen giúp con người hiểu nguyên nhân, từ đó tìm cách hạn chế thảm họa tương tự. Từ vụ 4U9525 của Germanwings, hộp đen máy bay có thể tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành hàng không dân dụng.
Băng ghi âm tiết lộ cơ phó Andreas Lubitz đã nhốt cơ trưởng bên ngoài buồng lái mặc ông dùng mọi cách để mở cánh cửa ngăn giữa khoang hành khách và buồng lái. Hộp đen ghi được toàn bộ nỗ lực của cơ trưởng khi máy bay ngày càng xuống thấp. Cuối cuộc hành trình, tiếng la hét tuyệt vọng của hành khách lọt vào buồng lái cùng tiếng thở đều đặn của cơ phó.
Những âm thanh cuối trong vụ tai nạn khiến nhiều điều tra viên cảm thấy ớn lạnh. Dữ liệu hộp đen vẽ ra cảnh tượng máy bay Airbus A320 lao xuống dãy núi Alps ở miền nam nước Pháp trong sự sợ hãi của toàn bộ hành khách.
Tony Cable, chuyên gia phân tích hộp đen của Ủy ban Điều tra tai nạn hàng không Vương quốc Anh (AAIB), cho biết nhiệm vụ khó khăn nhất của ông là giải mã sự cố với chuyến bay 1008 của Dan-Air, gặp nạn năm 1980 ở Tenerife, Tây Ban Nha. 146 người trên phi cơ tử nạn. Hơn 30 năm trôi qua, cuộc hội đàm trong buồng lái chuyến bay xấu số vẫn ám ảnh Cable.
Bà Anne Evans, chuyên gia khác của AAIB, bị ám ảnh bởi chuyến bay Air France 447, rơi xuống Đại Tây Dương năm 2009 làm 228 người chết. Hộp đen cho thấy một trong 2 cơ phó đã thao tác sai khi cơ trưởng ngủ, khiến máy bay rơi xuống biển. Khi phi cơ mất độ cao, 2 cơ phó không thể xử lý tình huống. Họ gọi cơ trưởng trở lại buồng lái nhưng quá muộn.
Giải mã hộp đen là công việc đầy áp lực của các điều tra viên. Ảnh:Getty |
Sau tai nạn, hộp đen thường được chuyển về châu Âu. Số lượng trung tâm và chuyên gia giải mã hộp đen máy bay rất ít.
Graham Braithwaite, giáo sư điều tra tai nạn của Đại học Cranfield, cho biết: “Rất nhiều người tự gọi mình là điều tra viên hàng không nhưng rất ít người thực sự làm việc này. Người ta cố gắng hạn chế số người giải mã hộp đen vì nó gây ra nỗi ám ảnh kéo dài hàng thập niên”.
David Gleave, một điều tra viên, chia sẻ: “Lần đầu, tôi thực sự sốc khi nghe đoạn băng từ hộp đen máy bay gặp nạn. Nghe rõ 2 phút cuối đời của người khác là điều khó khăn. Nếu bạn không thể đẩy lùi nỗi ám ảnh, công việc này không phù hợp với bạn”.