Với việc hủy bỏ giải Văn học vì bê bối xâm hại tình dục, Nobel Hòa bình 2018 được công bố vào ngày 5/10 đang trở thành tâm điểm chú ý của truyền thông và dư luận.
5 thành viên Hội đồng Na Uy sẽ cân nhắc 331 cá nhân và tổ chức trong danh sách ứng cử cho giải Nobel Hòa bình năm nay. Mặc dù danh sách này là tuyệt mật nhưng truyền thông và giới phê bình vẫn có thể đưa ra một vài dự đoán.
Việc dự đoán người sẽ lên bục vinh danh cho Nobel Hòa bình 2018 là không hề dễ dàng. Ảnh: The Atlantic |
Donald Trump? Quá khó. Hòa giải Nam Bắc Triều? Còn quá sớm
Với tỷ lệ cá cược 7:1, ông Donald Trump bất ngờ dẫn đầu trong cuộc bầu chọn giải Nobel Hòa bình của trang web cá cược Betsson, vượt xa những người đồng cấp như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Anh Theresa May hay Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Cựu ngoại trưởng Anh Boris Johnson và thậm chí ngay cả Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In cũng đề cử tổng thống Mỹ vì những sáng kiến cho bán đảo Triều Tiên.
Ông Dan Smith, Giám đốc Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), nói việc trao giải cho ông Trump là “không phù hợp” bởi vị tổng thống này “hết sức tiêu cực về các vấn đề hòa bình”, ví dụ như việc rút khỏi Thỏa thuận chung Paris về Biến đổi khí hậu hay Thỏa thuận Hạt nhân Iran.
Dù thế nào thì giới chuyên gia cũng cho rằng cái tên Donald Trump không thể nằm trong danh sách đề cử.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bắt tay với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong cuộc họp tại Nhà Hòa bình . Ảnh: Reuters. |
Trong khi đó, trên một số trang web cá cược, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae In cũng là hai cái tên được nhắc đến nhiều nhất vì nỗ lực hòa giải xung đột Nam - Bắc Triều. Nhưng các chuyên gia lại không nghĩ như vậy.
“Một mặt nào đó, có thể cho rằng hòa giải liên Triều là một trong những sự kiện kịch tính gây chấn động của năm nay”, ông Smith nói. “Nhưng mặt khác, tôi nghĩ rằng có vẻ hơi sớm để trao giải Nobel về vấn đề này”.
Không tính tới các yếu tố khác thì chính sách từ trước tới nay của ông Kim là một bất lợi lớn. Vậy thì ông Moon có cơ hội hay không?
Theo Peter Wallensteen, giáo sư về quan hệ quốc tế người Thụy Điển, thì "ông Moon đã làm tốt công tác hòa giải bằng việc thúc đẩy tình hữu nghị trong Thế vận hội Mùa đông ở Pyeongchang".
Ông Moon cũng tăng cường tiếp xúc với người đồng cấp Kim bằng hàng loạt cuộc gặp thượng đỉnh. Tuy nhiên, khả năng ông Moon giành giải Nobel vẫn không thực sự thuyết phục được giới chuyên gia.
Trong khi đó, một trường hợp cũng rất đáng chú ý là tiến trình hòa giải giữa Ethiopia và Eritria sau 20 năm chiến tranh căng thẳng đã được khởi động, mở ra hy vọng về một nền hòa bình cho hai quốc gia láng giềng tại Bắc Phi.
Theo ông Wallensteen, giải Nobel có thể sẽ thuộc về Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed. Tuy nhiên, ông Ahmed mới chỉ cầm quyền từ tháng 4 và thực hiện các chính sách hòa giải từ đầu mùa hè. Vì vậy những nỗ lực này chưa đủ để có thể trao giải.
Phong trào #MeToo?
Do các sáng kiến hòa bình đều có nhiều mặt hạn chế nên giới chuyên gia đang chuyển hướng sang phong trào #MeToo, một chiến dịch toàn cầu nhằm nâng cao nhận thức về quấy rối và xâm hại tình dục.
Giải thưởng có thể sẽ được trao cho những cá nhân tiên phong của #MeToo như bác sĩ phụ khoa người Congo Denis Mukwege hay Yazidi Nadia Murad, người đã dám mạnh mẽ cất tiếng nói phơi bày sự thật và truyền cảm hứng cho nhiều nạn nhân khác.
Bác sĩ phụ khoa người Congo Denis Mukwege bên hai bệnh nhân của ông. Ảnh: Torleif Svensson |
Ông Mukwege đã dành hơn hai thập kỷ để giúp đỡ các nữ nạn nhân Congo hồi phục sau bạo lực và hãm hiếp. Còn cô Murad đã trở thành nhà hoạt động xã hội sau khi bị bắt cóc và trở thành nô lệ tình dục cho Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Henrik Urdal, Giám đốc Viện nghiên cứu Hòa bình Oslo, tin rằng giải Nobel có thể sẽ được trao cho Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc (WFP), cung cấp lương thực cho hàng triệu người khỏi chết đói mỗi năm.
Từ chiến trường Yemen cho tới các trại tị nạn của người Rohingya ở Bangladesh, “nạn đói hoành hành đang trở thành một trong những thách thức nhân đạo lớn nhất trong thời đại của chúng ta”, ông nói.
Những ứng cử viên tiềm năng khác bao gồm Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR), các tổ chức bảo vệ người làm truyền thông như tổ chức “Phóng viên Không Biên giới” hay Hội đồng Bảo vệ Nhà báo (RSF) và các tổ chức nhân quyền như NGO Memorial...
Dù vô số dự đoán được đưa ra nhưng chưa ai có thể khẳng định chắc chắn về chủ nhân của giải Nobel Hòa bình 2018. Kết quả sẽ được công bố vào 11h sáng theo giờ địa phương (tức 16h chiều cùng ngày giờ Hà Nội).