Giải Nobel Hóa học 2018 đã được trao một nửa cho nhà khoa học nữ Frances H. Arnold (của Mỹ) và nửa còn lại cho hai nhà khoa học George P. Smith (Mỹ) và Gregory P. Winter (Anh).
Ba nhà khoa học trên đã kiểm soát được quá trình tiến hóa và sử dụng cùng nguyên tắc - biến đổi và chọn lọc gen - để phát triển các protein giúp giải quyết các vấn đề hóa học của nhân loại.
Bà Arnold được trao giải thưởng nhờ nghiên cứu enzyme theo phương pháp tiến hóa có định hướng, trong khi ông Smith và ông Winter được trao giải vì phát minh ra phương pháp gọi là "phage dislay", nơi vật ăn vi khuẩn có thể được dùng để tạo ra các loại protein mới.
Ba nhà khoa học được trao giải Nobel Hóa học 2018. Ảnh: Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển. |
Phương pháp "phage display"
Thành viên của Ủy ban Nobel giải thích các nhà khoa học đã "áp dụng nguyên tắc của Darwin vào trong ống nghiệm".
Theo Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, những phương pháp mà ba nhà khoa học trên phát triển giờ đây đang được nghiên cứu trên toàn cầu để thúc đẩy ngành hóa chất xanh, chế tạo các vật liệu mới, sản xuất nhiên liệu sinh học bền vững, giảm thiểu bệnh tật và cứu sống tính mạng bệnh nhân.
Năm 1993, bà Arnord, làm việc tại Viện Công nghệ California (Mỹ), đã tiến hành quá trình tiến hóa có định hướng đầu tiên đối với các enzyme, vốn là các protein làm xúc tác cho các phản ứng hóa học. Enzyme được sản xuất thông qua quá trình tiến hóa có định hướng được sử dụng để tạo ra mọi thứ từ nhiên liệu sinh học đến thuốc men.
Năm 1985, ông Smith, công tác tại Đại học Missouri (Mỹ), phát minh ra phương pháp giờ đây được gọi là "phage display". Phương pháp này dùng các vật ăn vi khuẩn - tức virus làm nhiễm trùng vi khuẩn - để tạo ra các protein mới.
Sau đó, ông Winter, làm việc tại Phòng Thí nghiệm Sinh học phân tử MRC (Cambridge, Anh), đã phát triển công nghệ này và dùng nó cho quá trình tiến hóa có định hướng với các kháng thể, mục đích là tạo ra các loại thuốc mới. Phương pháp "phage display" từ đó cũng được sử dụng để tạo ra các kháng thể có thể giúp làm vô hiệu hóa độc tố, chống lại các bệnh tự miễn dịch và chữa trị ung thư đã di căn.
Bà Arnord là phụ nữ thứ năm được trao giải Nobel Hóa học trong lịch sử. Trong buổi công bố, ban tổ chức kết nối với bà qua điện thoại song hầu như không ai nghe được bà nói gì vì chất lượng kết nối tệ, theo Guardian.
"Điều điên rồ"
"Khi tôi bắt đầu việc làm biến đổi protein, tôi không biết sẽ khó khăn thế nào", bà Arnold từng nói vào năm 2014. "Và sau vô số thí nghiệm thất bại, tôi nhận ra tôi sẽ phải tìm cách khác để giải quyết vấn đề".
"Khi tôi bắt đầu công bố các nghiên cứu cho thấy tôi có thể tạo ra các enzyme ổn định hơn, rằng tôi có thể thay đổi đặc tính cơ chất của chúng, rằng tôi có thể khiến chúng trở nên tích cực hơn, vẫn có những thứ mà không ai biết làm thế nào", bà chia sẻ thêm.
"Hai mươi năm trước, việc này bị xem là điều điên rồ. Các nhà khoa học không làm. Các quý ông không làm. Nhưng vì tôi là một kỹ sư và không phải là quý ông nên tôi chẳng có vấn đề gì với việc đó".
Bà sẽ được tặng thưởng một nửa số tiền 9 triệu krona Thụy Điển (khoảng 1 triệu USD), trong khi hai người cùng thắng giải sẽ chia sẻ nửa còn lại.
Theo website của Quỹ Nobel, giải Nobel Hóa học đã được trao 109 lần cho 177 cá nhân từ năm 1901 đến năm 2017. Trong đó, nhà khoa học Anh Frederick Sanger là người duy nhất nhận giải thưởng này hai lần, vào các năm 1958 và 1980.
Năm 2017, giải Nobel Hóa học được trao cho 3 nhà khoa học Jacques Dubochet (Thụy Sĩ), Joachim Frank (Mỹ) và Richard Henderson (Anh), vinh danh nghiên cứu về kính hiển vi electron nhiệt độ thấp. Với phát minh này, con người có thể sớm có hình ảnh chi tiết ở mức độ phân tử của nhiều cấu trúc phức tạp trong đời sống.
Mùa giải Nobel 2018 khởi động hôm 1/10 với giải thưởng đầu tiên được trao trong lĩnh vực y học. Hai nhà khoa học James P. Allison (Mỹ) và Tasuku Honjo (Nhật) được vinh danh vì công trình nghiên cứu điều trị ung thư bằng cơ chế ức chế miễn dịch âm tính.
Giải Nobel Vật lý được trao hôm 2/10 cho 3 nhà khoa học Arthur Ashkin (Mỹ), Gerard Mourou (Pháp) và Donna Strickland (Canada) vì những phát minh đột phá trong lĩnh vực vật lý laser.