Mỗi mùa trao giải Nobel, giới quan sát lại tranh luận về các ứng viên tiềm năng. Riêng năm nay, tâm điểm chú ý là giải Văn học bị hủy và viễn cảnh TT Trump nhận giải Hòa bình.
Mùa giải Nobel chính thức bắt đầu trong ngày hôm nay với công bố về giải Y sinh. Lễ công bố các giải Vật lý, Hóa học, Văn học, Kinh tế và Hòa bình sẽ kéo dài trong hai tuần tới.
Tâm điểm chú ý của mùa giải năm nay là việc hủy giải Nobel Văn học, cùng viễn cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cùng nhận giải Nobel Hòa bình.
Một lần nữa, sự xứng đáng của cả người nhận giải lẫn hội đồng trao giải lại trở thành chủ đề gây tranh cãi trên mặt báo.
Truyền thông dường như đặc biệt chú ý đến giải Nobel Hòa bình với các tiêu chí bị nhiều chuyên gia đánh giá là “cảm tính”. Năm nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tiếp tục là những cái tên gây tranh cãi được dự đoán sẽ thắng giải vì nỗ lực phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Khi Tổng thống Donald Trump trầm ngâm về việc giải quyết mối bất hòa giữa Triều Tiên và Hàn Quốc trong một cuộc tiếp xúc cử tri hồi tháng 5, trước khi lên đường đến Singapore dự hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Kim Jong Un, đám đông ủng hộ ông tại bang Michigan đã hô to: “Nobel, Nobel”.
“Mọi người đều nghĩ như vậy, nhưng tôi sẽ không nói gì cả. Giải thưởng mà tôi mong muốn đó là chiến thắng cho toàn nhân loại”, Tổng thống Trump nói với một nụ cười lớn khi được phóng viên hỏi về giải Nobel Hòa bình.
Phe chỉ trích cho rằng Tổng thống Trump, người thường xuyên đưa ra các phát ngôn khiêu khích chiến tranh, không xứng đáng với giải thưởng ngoại giao danh giá nhất thế giới. Nhưng nhiều sử gia nghiên cứu về Nobel Hòa bình thừa nhận rằng giải thưởng này từng nhiều lần được trao cho các chính trị gia gây tranh cãi nhằm tôn vinh và thúc đẩy nỗ lực hướng đến hòa bình.
“Một trong những sức nặng của giải Nobel Hòa bình là nó gây tranh cãi”, New York Times dẫn lời bà Berit Reiss-Anderse, chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy, tổ chức chịu trách nhiệm trao giải Nobel Hòa bình hàng năm. “Nếu giải thưởng này được cả thế giới thống nhất, nó sẽ không còn sức nặng như vậy”.
Bà Reiss-Anderse từ chối bình luận về khả năng Tổng thống Trump nhận giải Nobel Hòa bình năm nay. Theo quy định của Ủy ban Nobel Na Uy, 5 thành viên hội đồng chấm giải không được thảo luận về các ứng cử viên trong vòng ít nhất 50 năm sau khi giải thưởng được công bố. Tuy nhiên, bà Reiss-Anderse thừa nhận giải Nobel Hòa bình từng được trao cho những người khơi mào xung đột hoặc không đáp ứng được kỳ vọng của hội đồng trong việc tiếp tục nhiệm vụ gìn giữ hòa bình sau khi nhận giải.
“Chúng ta không đàm phán hòa bình với bạn bè, chúng ta làm điều này với kẻ thù”, bà Reiss-Anderse nói. “Việc sẵn sàng thay đổi lập trường, thay đổi góc nhìn trong những cuộc xung đột chính là cống hiến cho nền hòa bình”.
Với định nghĩa này, Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim hoàn toàn có thể cùng nhau nhận giải Nobel Hòa bình vào tháng 12 năm nay vì nỗ lực đàm phán hướng đến phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên bất chấp tình trạng căng thẳng diễn ra trong thời gian dài.
Cựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter, người từng nhận giải Nobel Hòa bình năm 2002, cho rằng Tổng thống Trump thiếu khả năng chèo lái đất nước và là mối đe dọa cho nền dân chủ Mỹ. Ông Carter nhận xét nhà lãnh đạo đương nhiệm “phá hủy nền hòa bình” ở khu vực Trung Đông với việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và di dời đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến đây. Trong mắt cựu tổng thống Mỹ, ông Trump là một người kỳ thị chủng tộc, kỳ thị giới tính, đồng thời thất bại trong việc bảo vệ nhân quyền ở Mỹ và trên thế giới.
Tuy nhiên, nếu vấn đề trên bán đảo Triều Tiên được giải quyết, ông Carter tin rằng Tổng thống Trump vẫn có thể được nhận giải Nobel Hòa bình.
“Nếu Tổng thống Trump thành công trong việc ký kết hiệp định chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên, tôi nghĩ ông ấy xứng đáng với giải Nobel Hòa bình”, ông Carter nói. “Tôi nghĩ đây là một thành tựu quan trọng mà không vị tổng thống Mỹ nào từng đạt được trước đó”.
Dù vậy, nỗ lực đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên chưa dẫn đến bất kỳ kết quả thực tế nào. “Còn quá sớm (để trao giải Nobel Hòa bình cho Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim)”, nhà sử học Asle Sveen, chuyên gia nghiên cứu về giải Nobel, cho biết. “Nhưng trong trường hợp hai lãnh đạo đạt được thỏa thuận thực sự thúc đẩy tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, sẽ rất khó để không trao giải Nobel Hòa bình cho họ”.
Theo ông Sveen, việc hai nhân vật có nhiều phát ngôn và hành động gây tranh cãi như Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim được nhận giải Nobel Hòa bình sẽ là một tình huống “khó xử”. Nhưng trường hợp này không phải chưa từng xảy ra, nhiều chính trị gia có quá khứ bạo lực đã vượt qua hàng trăm đối thủ để lên bục nhận huy chương.
“Rất nhiều chủ nhân giải Nobel Hòa bình có bàn tay vấy máu”, ông Henrik Urdal, chủ tịch Viện nghiên cứu Hòa bình tại thủ đô Oslo, Na Uy, nói. “Vấn đề cần được xem xét là họ có hành động đủ để rửa sạch máu hay chưa”.
Ủy ban Nobel Na Uy chắc chắn phải cân nhắc rất nhiều về quyết định trao giải năm nay. 9 năm trước, họ gọi tên cựu tổng thống Mỹ Barack Obama lên bục nhận giải và hứng chịu làn sóng chỉ trích thậm tệ với quyết định này. Khi nhận giải Nobel Hòa bình năm 2009, ông Obama nhậm chức chưa đầy 9 tháng và chưa làm được bất cứ điều gì cụ thể để xứng đáng với vinh dự đó. Ủy ban Nobel Na Uy sẽ không muốn lặp lại sai lầm này với Tổng thống Trump.
Ông Peter Wallensteen, chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ quốc tế của Thụy Điển, nhận định Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In xứng đáng được nhận giải Nobel Hòa bình vì nỗ lực thúc đẩy hòa bình trên bán đảo Triều Tiên hơn bất kỳ lãnh đạo nào. Trong nhiều tháng gần đây, ông liên tục đi đi về về giữa Triều Tiên, Mỹ và Hàn Quốc, tích cực đóng vai trò trung gian giữa Washington và Bình Nhưỡng, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của người dân trong nước và cộng đồng quốc tế.
“Thực sự thì Tổng thống Moon mới là người xứng đáng nhận giải Nobel Hòa bình nhất, nhưng đây sẽ là một cú tát trời giáng đối với ông Trump!”, ông Wallensteen nói.
Tổ chức quyết định người xứng đáng nhận giải Nobel Hòa bình là Ủy ban Nobel Na Uy, khác với 5 giải thưởng còn lại do các viện hàn lâm Hoàng gia Thụy Điển chịu trách nhiệm trao giải. Đây là ý nguyện của nhà khoa học Alfred Nobel, người sáng lập ra giải thưởng danh giá.
Alfred Nobel chưa bao giờ tiết lộ lý do ông không giao trọng trách trao giải Nobel Hòa bình cho viện hàn lâm của Thụy Điển. Giới nghiên cứu lịch sử chỉ có thể phỏng đoán rằng ông lo ngại giải thưởng mang nặng tính chính trị này sẽ bị lợi dụng và trở thành công cụ giúp các tổ chức chiếm đoạt quyền lực và tầm ảnh hưởng, vì vậy ông đã trao quyền định đoạt giải thưởng cho một tổ chức đáng tin cậy. Một số chuyên gia cho rằng nhà khoa học có thể đã hy vọng quyết định của ông sẽ góp phần củng cố liên minh cá nhân giữa Na Uy và Thụy Điển, nhưng liên minh này giải thể vào năm 1905, không lâu sau cái chết của ông.
Theo di chúc của nhà khoa học nổi tiếng với phát minh thuốc nổ, thành viên trong hội đồng trao giải Nobel Hòa bình được bầu chọn từ các đảng của Na Uy. Hội đồng hiện nay gồm hai thành viên từ đảng Lao động, hai thành viên thuộc đảng Bảo thủ và một thành viên thuộc đảng Phát triển. Quy định này gây nhiều tranh cãi về tính độc lập, trong khi các chuyên gia cho rằng việc Na Uy theo đuổi chính sách ngoại giao tách biệt với thế giới không đảm bảo quốc gia này có cái nhìn khách quan.
Năm 1923, Ủy ban Nobel Na Uy trao giải cho cựu tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt vì nỗ lực kết thúc chiến tranh Nga - Nhật, cuộc chiến mà nhiều sử gia khẳng định ông là người khơi mào. Nhà nghiên cứu lịch sử Haldvan Koht, cố vấn của ủy ban trao giải, cho rằng cựu tổng thống Roosevelt từ lâu đã chống lại làn sóng hòa bình và là “người theo chủ nghĩa đế quốc”. Nhưng cuối cùng, giải Nobel Hòa bình vẫn thuộc về ông. Một số sử gia không còn cách giải thích nào khác ngoài việc cho rằng Na Uy, quốc gia vừa tách khỏi liên minh với Thụy Điển trước đó không lâu, đang cần “một người bạn quyền lực”, vì vậy đã trao giải thưởng danh giá này cho cựu tổng thống Mỹ.
Đây không phải là lần duy nhất giới quan sát nghi ngờ giải Nobel bị lợi dụng để phục vụ mục đích chính trị. Ít ai biết rằng giải Nobel Kinh tế thực chất có tên gọi là “Giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển cho kinh tế học để tưởng nhớ Nobel”, được lập ra vào năm 1968 nhân dịp kỷ niệm 300 năm ngày thành lập ngân hàng. Ông Peter Nobel, hậu duệ nhiều đời của nhà khoa học Nobel, khẳng định giải thưởng này “không phải là ý nguyện của ông Alfred Nobel và không đáp ứng được tinh thần của giải Nobel”.
Ông Peter Nobel cho rằng nhà khoa học Alfred Nobel là một người theo chủ nghĩa lý tưởng và luôn hoài nghi về kinh tế học, vì vậy sự hiện diện của giải “Nobel Kinh tế” là một sự xúc phạm đối với những di sản mà ông để lại cho hậu thế.
Tuy được xem là giải thưởng danh giá nhất trong các lĩnh vực khoa học, giải Nobel Vật lý, Hóa học và Y sinh không phải lúc nào cũng được trao cho đúng, và đủ người. Năm 2017, ba nhà khoa học là Rainer Weiss, Kip Thorne, và Barry Barish vinh dự được nhận giải Nobel Vật lý vì chứng minh được sự tồn tại của sóng hấp dẫn thông qua dự án Đài quan sát Sóng hấp dẫn giao thoa laser (LIGO). Tuy nhiên, danh sách các nhà nghiên cứu góp phần thực hiện dự án này dài đến 3 trang giấy.
“Sự thành công của LIGO đến từ công sức của hàng trăm con người”, ông Martin Rees, nhà thiên văn học kỳ cựu người Anh, trả lời BBC. “Việc Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển từ chối trao giải nhóm khiến công chúng có cái nhìn sai lệch về cách các nhà khoa học làm việc”.
Nhận định của ông Rees được giới nghiên cứu đồng tình, họ cho rằng khoa học là một “môn thể thao hợp tác” và các thành quả trong lĩnh vực khoa học đến từ sự học hỏi, tích lũy kiến thức lẫn nhau. Trong khi đó, Quỹ Nobel quy định chỉ trao giải cho các cá nhân “như thể họ làm việc độc lập”, ông Rees cho biết.
Ông Matthew Francis, chuyên gia về vật lý thiên văn của tạp chí Forbes, nhận xét Nobel là giải thưởng “dành cho các nhà nghiên cứu nam”. Tính đến năm 2015, chỉ có 2 trong số 199 người được trao giải Nobel Vật lý là phụ nữ, với giải Nobel Hóa học, con số này là 4 trên 169, với giải Nobel Y sinh, con số này là 11 phụ nữ trong tổng số 207 người nhận giải. Theo ông Francis, giải thưởng này cũng thiên vị cho các nhà nghiên cứu châu Âu và châu Mỹ. Nhiều lĩnh vực khoa học quan trọng, ví dụ như sinh học, cũng không được Quỹ Nobel “ngó ngàng”.
Ông Francis đề xuất hội đồng trao giải Nobel thay đổi một số quy định để giải thưởng thực sự tôn vinh những giá trị văn minh và cấp tiến mà nhà khoa học Alfred Nobel từng đề cao, ví dụ trao giải nhóm thay vì cá nhân, nới lỏng một số tiêu chí để thúc đẩy các nhà nghiên cứu trẻ và tiềm năng cống hiến cho khoa học thay vì chỉ trao giải cho những người "gần đất xa trời". Và trên hết, ông Francis cho rằng hội đồng trao giải nên chấm dứt sự thiên vị dành cho nam giới và người da trắng.
Trong mắt các thành viên trọn đời của Viện Hàn lâm Thụy Điển, không một tổ chức văn hóa nào trên thế giới có tầm quan trọng tương xứng với họ. Hội đồng Nobel XVIII gặp gỡ tối thứ 5 hàng tuần tại một nhà hàng do chính họ làm chủ ở trung tâm thủ đô Stockholm, Thụy Điển. Và mỗi năm, tại buổi lễ trao giải Nobel Văn học trang trọng và sa hoa, họ sẽ trao huy chương cho nhà văn có tác phẩm xuất chúng trong tiếng vỗ tay hân hoan của toàn thế giới.
Nhưng năm nay sẽ không có giải thưởng nào được trao. Thậm chí, Viện Hàn lâm Thụy Điển có thể bị tước quyền quyết định chủ nhân của giải Nobel Văn học danh giá, trọng trách mà họ đã đảm đương từ năm 1901.
Sự việc bắt nguồn từ tháng 11/2017, khi chồng một thành viên thuộc Hội Mười Tám vướng cáo buộc lạm dụng tình dục nhiều phụ nữ trong hơn 20 năm. Ông Jean-Claude Arnault, bạn đời của nhà thơ Katarina Frostenson, bị 18 phụ nữ tố cáo lạm dụng tình dục, 2 người thậm chí khẳng định ông đã hiếp dâm họ. Tuy hầu hết trường hợp đều ẩn danh, vụ việc gây chấn động mạnh đến mức không thể bị bỏ qua.
Viện Hàn lâm Thụy Điển tê liệt hoàn toàn sau khi sự thật được phanh phui. Sáu thành viên thuộc Hội XVIII từ chức, trong đó có thư ký thường trực Sara Danius, người sau này cũng lên tiếng cáo buộc ông Arnault lạm dụng tình dục. Hai thành viên khác hiện không tham gia công việc của viện vì lý do khác.
Điều này đồng nghĩa với việc tổ chức trao giải Nobel Văn học không thể hoạt động vì thiếu số ghế cần thiết. Theo quy định, hội đồng phải có tối thiểu 12 thành viên để bầu một người mới, và với chỉ 10 thành viên còn hoạt động, không một quyết định quan trọng nào có thể được đưa ra nhằm cứu vãn tình hình. Viện Hàn lâm Thụy Điển buộc phải tuyên bố hoãn trao giải Nobel Văn học năm 2018. Thay vào đó, đến năm 2019, viện sẽ trao giải cho 2 tác giả của hai năm liên tiếp.
Vụ bê bối hé lộ sự mục ruỗng bên trong Viện Hàn lâm Thụy Điển. Nhiều phụ nữ khẳng định họ bị ông Arnault tấn công tình dục tại những tòa nhà sang trọng thuộc sở hữu của viện ở Stockholm và Paris. Bà Frostenson cũng bị cáo buộc tiết lộ danh tính nhiều người thắng giải Nobel Văn học cho chồng và ông Arnault đã lợi dụng điều này để đặt cược những khoản tiền lớn cho “nhà cái” ở Paris.
Không dừng lại ở đó, cặp vợ chồng Arnault - Frostenson còn dính nghi vấn sử dụng quỹ của viện sai mục đích khi thu lợi nhiều năm liền từ khoản trợ cấp cho nhóm nghệ thuật do họ sáng lập: Câu lạc bộ Diễn đàn.
Nhiều người tin rằng bất cứ ai muốn gia nhập giới thượng lưu ở Thụy Điển đều phải tham gia câu lạc bộ Diễn đàn, nơi quy tụ những người đam mê văn học và thơ ca cổ điển, trường phái được mệnh danh là “văn hóa cấp cao”.
Đối với những người đảm nhiệm trọng trách tôn vinh các cống hiến giá trị cho nền văn học thế giới, vụ bê bối là một thảm kịch: Họ nhận thấy mình không khác gì “người mai mối” cho “giới thượng lưu”. Sự việc là đòn chí mạng không chỉ nhắm vào Viện Hàn lâm Thụy Điển cũ kỹ và mục nát, mà còn đập tan những lý tưởng mà tổ chức này gìn giữ. Giấc mơ về một thế giới văn minh mà giải Nobel đại diện không còn nhiệm màu như trước.
Nhiều người không xa lạ với lịch sử giải Nobel: trong di chúc cuối đời, nhà khoa học Alfred Nobel tuyên bố để lại 94% gia tài để vinh danh những người có cống hiến “vĩ đại nhất cho nhân loại” trong lĩnh vực Vật lý, Hóa học, Y sinh, Văn học và Hòa bình. Người được Nobel ủy thác thực hiện di chúc là hai kỹ sư trẻ Ragnar Sohlman và Rudolf Lilljequist. Họ lập ra Quỹ Nobel quản lý khối tài sản do nhà phát minh thuốc nổ để lại. Năm 1901, 5 giải Nobel đầu tiên được trao. Đến năm 1969, giải Nobel Kinh tế ra đời.
Trải qua hơn một thế kỷ với nhiều biến động lớn về tư tưởng và địa chính trị trên toàn thế giới, giải thưởng này khó có thể giữ được những giá trị cốt lõi ban đầu nếu không thay đổi cách thức trao giải.
“Chúng ta nên đánh giá lại sứ mệnh của việc trao giải Nobel, đặc biệt là tiêu chí ‘lợi ích cho nhân loại’”, giáo sư Brian Keating thuộc Đại học California cho biết. Theo ông Keating, việc một phát minh đem lại lợi ích như thế nào cho nhân loại không thể chỉ được phán xét trong thời gian ngắn ngủi.