Bình Dương là một tỉnh nằm trong tam giác phát triển vùng Đông Nam Bộ. Bên cạnh sức thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, số lượng công nhân trên địa bàn những năm qua cũng tăng lên nhanh chóng.
Điều này đặt ra nhiều thách thức trong vấn đề quản lý những vấn đề an ninh trật tự có thể nảy sinh tại Bình Dương
Mới đây, địa phương này đã họp và dự kiến đưa vào vận hành Hệ thống camera giám sát, điều hành giao thông, an ninh trật tự tại 205 vị trí trên toàn địa bàn trong quý IV/2023. Với kỳ vọng, đề án này sẽ mang lại hiệu quả trong công tác bảo đảm an ninh trật tự và an toàn giao thông trên địa bàn trong thời gian tới, đồng thời nâng cao chất lượng đời sống của người dân tại địa phương.
Tính năng vượt trội
Trong cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Bình Dương mới đây, Công an tỉnh Bình Dương cho hay theo kế hoạch, đơn vị dự kiến lắp 421 camera với tổng kinh phí đầu tư 469 tỷ đồng trên 205 vị trí, dự kiến thực hiện trong quý IV/2023.
Riêng 7 địa phương là TP Thủ Dầu Một, TP Thuận An, TP Dĩ An, TX Bến Cát, huyện Dầu Tiếng, TX Tân Uyên, huyện Bàu Bàng đến nay đã ban hành kế hoạch triển khai lắp camera giám sát cháy, giám sát an ninh, an toàn giao thông trên địa bàn.
Đề án lắp đặt camera là một trong những nhiệm vụ được Tỉnh ủy, UBND Bình Dương rất quan tâm.
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương
Hệ thống camera có nhiều tính năng vượt trội như đo đếm lưu lượng phương tiện để cảnh cáo trước tình trạng kẹt xe có thể xảy ra, đồng thời đo tốc độ phương tiện trên đường. Hệ thống camera còn nhằm cảnh báo hoặc thông báo vị trí xảy ra cháy nổ chính xác; đồng thời dò theo lộ trình di chuyển nếu phát hiện có cướp giật trên đường.
Theo đó, Chủ tịch UBND Bình Dương Võ Văn Minh khẳng định tiến độ thực hiện Đề án lắp đặt camera là một trong những nhiệm vụ được chính quyền địa phương rất quan tâm.
Trước mắt, cơ quan chức năng Bình Dương thống nhất chọn tuyến quốc lộ 13 đoạn qua thị xã Bến Cát thí điểm lắp đặt hệ thống camera theo mô hình này. Dự kiến, hệ thống gồm 28 camera giám sát giao thông và giám sát vi phạm tín hiệu đèn giao thông tại 3 giao lộ thuộc tuyến đường quốc lộ 13 - một trong điểm phức tạp nhất về giao thông của địa phương tỉnh.
Mỹ Phước - Tân Vạn là một trong những tuyến đường huyết mạch của tỉnh Bình Dương. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Ngoài ra, địa phương cũng bố trí 40 camera, bao gồm: 28 camera giám sát giao thông, an ninh trật tự tại 7 giao lộ, 8 camera đo đếm lưu lượng giao thông tại 4 giao lộ trên tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn, nơi có lượng phương tiện lưu thông đông, thường xuyên xảy ra ùn tắc; bên cạnh đó, 2 camera giám sát vi phạm đèn tín hiệu giao thông; camera giám sát vi phạm tốc độ cũng được lắp tại 2 điểm dốc Gò Mỹ và ĐT741.
Tích hợp công nghệ thông minh
Liên quan công tác thí điểm Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh tỉnh Bình Dương (Trung tâm IOC), ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương cho hay đơn vị đã phối hợp với cơ quan triển khai khảo sát tại Công an tỉnh, Sở GTVT và Công an các huyện, thị xã, thành phố nhằm tích hợp dữ liệu camera về IOC. Đồng thời, các đơn vị cũng thực hiện duy trì kết nối thường xuyên nhằm thử nghiệm và thực hiện chia sẻ dữ liệu với các cơ quan, đơn vị có nhu cầu.
Sở TT&TT cũng đang hoàn thiện quy chế vận hành Trung tâm IOC, trong đó có nội dung về kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu camera cho IOC tỉnh đảm bảo an toàn bảo mật, tích hợp được các camera theo các tiêu chuẩn khác nhau.
IOC là một hệ thống công nghệ thông tin bao gồm cơ sở hạ tầng, phần cứng, phần mềm có chức năng thu thập cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các cơ quan, đơn vị.
Hệ thống này đóng vai trò hỗ trợ đắc lực công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, giúp cấp quản lý tỉnh Bình Dương có cái nhìn tổng quan toàn diện về mọi mặt hoạt động kinh tế - xã hội theo thời gian thực. Từ đó, lãnh đạo địa phương đưa ra quyết định nhanh chóng, kịp thời, chuẩn xác, tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức trong quá trình giám sát, điều hành công việc.
Khu hành chính tập trung của thành phố mới Bình Dương. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Ông Lê Tuấn Anh cho biết đến nay, công trình đã hoàn thành 19 lĩnh vực (so với kế hoạch ban đầu 14 lĩnh vực), với 28.881 kết nối dữ liệu và hơn 280 triệu bản ghi dữ liệu, 420 biểu đồ.
IOC là một trong những mục tiêu được Bình Dương định hướng để phát triển đô thị thông minh, bền vững
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Bình Dương
Việc ra đời trung tâm IOC là một trong những mục tiêu phát triển tỉnh bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại. Đến năm 2030, Bình Dương phấn đấu trở thành trung tâm công nghệ hiện đại, năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước.
Bình Dương là một trong những địa phương công bố Đề án Đô thị thông minh tương đối sớm so với cả nước (năm 2016), trọng tâm là quy hoạch vùng đổi mới sáng tạo.
Đề án lấy nòng cốt là một số địa phương phát triển kinh tế xã hội mạnh của tỉnh, được quy hoạch bài bản, gồm: TP Thủ Dầu Một (bao gồm cả khu vực (thành phố mới), thị xã Dĩ An, Thuận An, Tân Uyên, Bến Cát. Các dự án trọng điểm của Đề án Thành phố Thông minh đóng vai trò xây dựng khu công nghiệp khoa học công nghệ; Trung tâm Thương mại thế giới WTC; mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD).
Hiện nay, Bình Dương cũng khởi động lộ trình hướng đến đô thị thông minh, phấn đấu trở thành tỉnh có thu nhập cao trong cả nước, phát triển hệ sinh thái công nghiệp xanh, thông minh, bền vững.
Địa phương đang có hàng nghìn dự án bất động sản, nhiều cụm và khu công nghiệp đến từ nhiều quốc gia như Đài Loan, Trung Quốc, Singapore, Hồng Kông và Nhật Bản; là điểm hấp dẫn, thu hút đầu tư và lôi cuốn lao động từ các tỉnh thành đến làm việc. Bình Dương cùng với TP.HCM, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu đóng góp hơn 91,7% tổng thu ngân sách của vùng và 37% tổng thu ngân sách cả nước; trong đó, Bình Dương đóng góp khoảng 10% của vùng và 4% cả nước.
Khoảng cách từ Thành phố mới Bình Dương và thành phố Thủ Dầu Một đến khu trung tâm TP.HCM. Đồ họa: Nhân Lê. |
Trước sự bùng nổ của khoa học - công nghệ, nhiều mô hình kinh doanh ra đời, cùng với đó là những thách thức đan xen cơ hội mới sau đại dịch Covid-19, tỉnh Bình Dương xác định: Không ngừng thực hiện các chiến lược đột phá kinh tế - xã hội, tiếp tục quyết liệt phát triển đề án thành phố thông minh lên tầm cao mới, đón làn sóng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Với tầm nhìn đó, tỉnh Bình Dương đang từng bước hình thành vùng đổi mới sáng tạo, tạo động lực phát triển mới, hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trong điều kiện mới.
Những cuốn sách hay về miền Nam
Đế quốc An Nam và người dân An Nam - bên cạnh thông tin tổng quan về địa lý, sản vật, tập quán ở nước ta hồi thế kỷ XIX, nhiều thông tin quan trọng về sông Mekong, địa lý Đàng Ngoài và Đàng Trong, nhất là Sài Gòn xưa, được ghi chép chi tiết.
Ký họa về Đông Dương - Nam Kỳ là một bộ tranh gồm hàng trăm bức ký họa có giá trị nghệ thuật đặc sắc, phản ánh trực quan, sinh động về đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa ở Sài Gòn và Nam Kỳ đầu thế kỷ XX.