Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Nỗ lực thích ứng trong chuyển đổi số

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với công cuộc chuyển đổi số đang tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực hoạt động, trong đó có hoạt động xuất bản.

nghien cuu xuat ban anh 1

Chúng ta đang bước vào thời kỳ mà Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số được cả Chính phủ, doanh nghiệp và người dân quan tâm, với dân số khoảng 98 triệu người và tỷ lệ người sử dụng Internet ở Việt Nam năm 2020 đạt 70,23% dân số.

Và trong cùng khoảng thời gian này, chúng ta có khoảng 130 triệu thuê bao di động có phát sinh lưu lượng, trong đó đang có khoảng 30 triệu người sử dụng điện thoại di động thông minh hàng ngày. Internet và các thiết bị thông minh đang trở thành phương tiện chủ yếu để người đọc tiếp cận với thông tin nói chung và sách nói riêng. Sự phát triển nhanh chóng đó vào thời điểm Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với công cuộc chuyển đổi số đang tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực hoạt động, trong đó có hoạt động xuất bản.

Chuyển đổi số hoạt động xuất bản với việc tận dụng cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Hoạt động xuất bản ở Việt Nam trong những năm gần đây có sự phát triển mạnh, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò của mình trong lĩnh vực tư tưởng - văn hóa. Nội dung xuất bản phẩm đáp ứng ngày càng tốt hơn đời sống tinh thần của xã hội, góp phần tích cực vào nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Đội ngũ những người làm công tác xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, vững vàng về chính trị, chuyên sâu về nghiệp vụ. Số đầu sách xuất bản hàng năm được đầu tư xuất bản ngày một tăng, đáp ứng được yêu cầu sử dụng ngày một đa dạng của mọi đối tượng bạn đọc và từng bước xuất khẩu ra nước ngoài.

Xuất bản nước ta cũng đã có nhiều đổi mới về công nghệ, phong phú về nội dung và đa dạng về hình thức, trong đó có hình thức xuất bản điện tử, đặc biệt là việc thúc đẩy phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, trong đó có xuất bản phẩm điện tử (Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030). Cũng như đa số các lĩnh vực khác, bước vào thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0, xuất bản sẽ là lĩnh vực chịu nhiều tác động, mà nếu biết tận dụng thì sẽ mang lại nhiều kết quả tích cực.

Trong hoạt động xuất bản, nhiều thiết bị điện tử kết hợp việc ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối và xử lý dữ liệu đã, đang và sẽ hỗ trợ rất nhiều trong công tác xuất bản, phát hành, điển hình là các máy đọc mã vạch để tra cứu nguồn gốc xuất xứ cũng như giá của xuất bản phẩm, kết hợp hệ thống phần mềm bán hàng. Mỗi xuất bản phẩm được bán thì hệ thống đều tự động cập nhật số lượng xuất/tồn kho và ghi nhận doanh thu về máy chủ. Hoặc đối với việc mang lại những trải nghiệm cao cấp hơn nội dung của xuất bản phẩm thì hiện nay nhiều xuất bản phẩm có sự tích hợp cả sách in truyền thống và ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử, ví dụ một số loại xuất bản phẩm như flash card, bút chấm đọc hoặc một số loại sách in về khoa học vũ trụ, thiên văn. Với các loại xuất bản phẩm này, hình ảnh minh họa hoặc nhân vật trong sách sẽ trở nên sống động hơn với những chuyển động ba chiều khi dùng điện thoại thông minh quét lên các bức hình được in trên sách.

Sách điện tử và các hình thức xuất bản trên phương tiện truyền thông hiện đại ra đời cũng đang tạo ra một sự lựa chọn cho bạn đọc trong việc tiếp cận nội dung xuất bản phẩm. Tuy vậy, sách điện tử như đang được xuất bản và phát hành hiện nay có lẽ vẫn chỉ là hình thức sơ khai so với những gì mà chúng ta có thể nhìn trước được khi Cách mạng công nghiệp 4.0 thực sự ở giai đoạn phát triển cao trào. Khi đó, nội dung đa phương tiện sẽ rất phát triển, và sách điện tử không chỉ còn là những dòng chữ đơn điệu trên màn hình đọc mà sẽ có sự xuất hiện của các thành phần đa phương tiện kết hợp công nghệ thực tế ảo và thực tại tăng cường. Nội dung sách sẽ có những video clip mô phỏng, kết hợp các thiết bị như kính 3D thực tế ảo, sẽ giúp độc giả có được những trải nghiệm tuyệt vời đối với một số loại sách như sách hướng dẫn du lịch, sách kỹ nghệ thực hành...

Vượt xa các trang web xuất bản và phát hành trực tuyến qua mạng hiện nay, xuất bản và phát hành trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng sẽ có sự kết hợp và tương tác mạnh mẽ của các nền tảng dịch vụ mạng xã hội khác nhau. Thông qua định hướng khách hàng và dựa trên cơ sở xử lý nội dung số, kết nối nhiều sản phẩm với các thông tin về thói quen, sở thích của khách hàng, các hình thức truyền thông mới có thể tạo ra các dịch vụ nội dung được cá nhân hóa cho từng đối tượng khách hàng khác nhau.

nghien cuu xuat ban anh 2

Chuyển đổi số có thể mang đến những thay đổi ngày càng rõ nét trong các khâu xuất bản, truyền thông, phát hành. Ảnh: Quỳnh Trang.

Chuyển đổi số có thể mang đến những thay đổi ngày càng rõ nét trong các khâu xuất bản, truyền thông, phát hành. Những công đoạn của xuất bản truyền thống sẽ được giảm đi rất nhiều để đến được tay nhiều độc giả nhất trong thời gian nhanh nhất. Chuỗi quá trình, từ sáng tạo tác phẩm đến khi được phát hành đến bạn đọc, có thể được điều chỉnh phù hợp với nhiều mô hình kinh doanh khác nhau. Cùng với đó là khả năng đo lường sự quan tâm của bạn đọc với một xuất bản phẩm đang trong kế hoạch xuất bản hoặc sắp được công bố, thông qua mạng xã hội và các kênh phát hành riêng của nhà xuất bản, để kịp thời có những bước đi hợp lý trong việc xuất bản và phát hành tới tay bạn đọc.

Đối với bạn đọc, tiến tới việc đọc và thưởng thức tác phẩm cũng có nhiều thay đổi dễ nhận thấy, đó là sự tương tác qua lại giữa người đọc và sách dưới hình thức điện tử. Việc đọc sách sẽ đem đến nhiều trải nghiệm mới với việc thưởng thức các thành phần đa phương tiện như đã nêu trên; đồng thời là khả năng tra cứu tức thời các nội dung quan tâm, hoặc người đọc cũng có khả năng dễ dàng đối chiếu nội dung với những phần mở rộng (ngoài nội dung chính của sách) được tích hợp ngay trong cuốn sách điện tử.

Hơn thế nữa, sự tương tác, trao đổi thông tin, ý kiến nhận xét, đánh giá về một tác phẩm giữa bạn đọc với nhau hoặc giữa bạn đọc với tác giả, bạn đọc với nhà xuất bản có thể được thực hiện ngay trên chính giao diện đọc sách của thiết bị mà không phải email hay điện thoại hoặc bất kỳ hình thức nào khác.

Thực tế cho thấy chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản đã từng bước diễn ra trong các khâu của hoạt động xuất bản, thể hiện rõ nhất là trong các hoạt động marketing, bán hàng trên các trang thương mại điện tử, xuất bản điện tử. Hầu hết nhà xuất bản, công ty sách đã thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào trong hoạt động xuất bản, phát hành. Các kênh phát hành cũng sẽ được mở rộng, vượt ra ngoài khuôn khổ của các kênh phát hành truyền thống với các hệ thống phát hành trực tuyến được xây dựng theo công nghệ đa nền tảng, đa giao diện. Nghĩa là tương thích và phù hợp với mọi chủng loại thiết bị, kích thước màn hình, nền tảng công nghệ thiết kế ra thiết bị và phần mềm điều khiển thiết bị đó.

Hiện nay, các loại hình sách mới như ebook, audiobook, video book đã xuất hiện ngày một nhiều hơn trên thị trường xuất bản Việt Nam, không chỉ đáp ứng nhu cầu của bạn đọc thông thường mà còn đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng đặc biệt khác như học sinh các cấp học, người khiếm thị...

Các hệ thống marketing, bán hàng tự động và bán tự động với trí tuệ nhân tạo như chatbot, tự động gửi thông tin marketing qua email, mạng xã hội theo sở thích, thói quen và nhu cầu riêng của từng khách hàng đang xuất hiện ngày một nhiều. Ví như hôm nay chúng ta lên Google tìm kiếm một tựa sách, ngay lập tức các tài khoản mạng xã hội của chúng ta sẽ xuất hiện hàng loạt thông tin về các tên sách và chủ đề tương tự mà chúng ta cần tìm. Quy trình quản lý, quản trị hoạt động xuất bản cũng được thay đổi dựa trên ứng dụng công nghệ. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong xử lý các nội dung mà trước đây chỉ dành cho lao động trí tuệ cao như khâu biên tập, cũng đã được một số nhà xuất bản thực hiện.

Chuyển đổi số giúp công tác biên tập trở nên nhanh gọn hơn rất nhiều. Nhiều khâu công việc hiện nay thuộc về biên tập viên có thể sẽ được đảm nhiệm bởi hệ thống máy móc tự động hay những robot thông minh. Hệ thống máy móc có thể được lập trình để rà soát các lỗi morat, thậm chí là biên tập bản thảo... Công tác biên tập cũng trở nên chuyên nghiệp hóa hơn khi biên tập viên có được nhiều nguồn thông tin để kiểm định, kiểm chứng và hệ thống thông tin được hệ thống hóa, giúp nhà xuất bản kiểm định được chất lượng bản thảo, kiểm soát nhanh và triệt để được những nội dung nhạy cảm nhờ ứng dụng khoa học và công nghệ. Một số nhà xuất bản, công ty sách đang chuyển dần hướng tiếp cận bạn đọc từ sách in sang sách điện tử cũng là một minh chứng sinh động và rõ rệt nhất cho chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản. Bạn đọc chỉ cần sử dụng các thiết bị số cá nhân nhỏ gọn như điện thoại thông minh, máy tính bảng là có thể lưu trữ và đọc hàng nghìn cuốn sách ở dạng số. Việc phát hành các sách này cũng trở nên thuận tiện và nhanh chóng.

Thực trạng chuyển đổi số của Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông

Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; ngày 30/12/2020, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quyết định số 2374/QĐ-BTTTT phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông. Thực hiện theo các Chương trình và Kế hoạch chuyển đổi số nêu trên, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông đã chủ động xây dựng Chiến lược phát triển Nhà xuất bản giai đoạn 2021-2025, trong đó có Chương trình hành động chuyển đổi số của Nhà xuất bản giai đoạn 2021-2025 và đã được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt (Quyết định số 1406/QĐ-BTTTT ngày 10/9/2021). Theo đó, Nhà xuất bản xác định sẽ thực hiện chuyển đổi số toàn diện, mọi mặt hoạt động của Nhà xuất bản, từ đó tăng hiệu quả quản lý, điều hành, tác nghiệp của đơn vị; tăng năng suất lao động cho cán bộ, viên chức, người lao động; tăng chất lượng và hiệu quả, số lượng xuất bản phẩm; nâng cao chất lượng điều hành hoạt động của Nhà xuất bản; tăng hiệu quả dịch vụ xuất bản phục vụ xã hội (các tổ chức và cá nhân rút ngắn thời gian và chi phí xuất bản); góp phần phát triển văn hóa đọc cho toàn xã hội; phấn đấu trở thành nhà xuất bản số vào năm 2025.

Để thực hiện được mục tiêu đó, Nhà xuất bản đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp, trong đó bao gồm:

Thứ nhất, đổi mới tổ chức, quy chế, sắp xếp lại tổ chức và quản trị; hoàn thiện các quy định, quy trình nghiệp vụ của đơn vị.

Thứ hai, phát triển các nền tảng phục vụ chuyển đổi số, gồm: nâng cấp sàn sách in Book365.vn với công nghệ hiện đại trở thành địa chỉ phát hành xuất bản phẩm hàng đầu đến độc giả trong cả nước, đồng thời là nơi tổ chức các triển lãm, hội sách trực tuyến... do Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo tổ chức, cung cấp dịch vụ hạ tầng phát hành sách in trực tuyến cho các nhà xuất bản, công ty phát hành tham gia, tạo nên một không gian mua bán sách, giao dịch bản quyền sôi động, trở thành sân chơi của toàn ngành; nâng cấp hệ thống xuất bản điện tử Ebook365.vn với công nghệ hiện đại để trở thành hệ thống xuất bản điện tử hàng đầu, từ đó nâng cao năng lực của Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông trong xuất bản điện tử và cung cấp dịch vụ hạ tầng xuất bản điện tử cho các nhà xuất bản và tổ chức, cá nhân khác có nhu cầu.

Thứ ba, xây dựng hạ tầng số và hệ thống quản lý, điều hành, tác nghiệp, gồm website và các công cụ truyền thông, tương tác với tác giả, độc giả; hệ thống quản lý nghiệp vụ, tác nghiệp, gồm: biên tập, xuất bản, phát hành, nhân sự, kho, hành chính - văn thư... xây dựng hệ thống báo cáo thông minh, hỗ trợ ra quyết định, hỗ trợ người dùng; hệ thống hỗ trợ biên tập nội dung xuất bản phẩm.

Thứ tư, xây dựng hạ tầng dữ liệu, khai thác dữ liệu dùng chung, thống nhất trong toàn bộ đơn vị (dữ liệu bản thảo, bản mẫu dùng chung giữa Ban biên tập, Ban xuất bản điện tử, bộ phận thiết kế - sản xuất và các chi nhánh), dữ liệu khách hàng, số liệu về kho, phát hành (dùng chung giữa bộ phận kho, phát hành, kế toán), văn bản chỉ đạo, điều hành, hồ sơ tài liệu (dùng chung giữa các phòng/ban/chi nhánh).

Thứ năm, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, phục vụ 100% cán bộ sử dụng các hệ thống công nghệ thông tin để làm việc mọi lúc, mọi nơi, làm việc nhóm.

Thứ sáu, bảo đảm an toàn thông tin, trang bị các thiết bị, công nghệ an toàn bảo mật hoặc thuê dịch vụ bảo đảm an toàn thông tin cho hệ thống của Nhà xuất bản.

Thứ bảy, phát triển nguồn nhân lực, kỹ năng số, đào tạo nâng cao kiến thức về chuyển đổi số trong các nghiệp vụ, chuyên môn, quản lý cho 100% cán bộ, viên chức.

nghien cuu xuat ban anh 3

Chuyển đổi số giúp công tác biên tập trở nên nhanh gọn hơn rất nhiều. Ảnh: Sài Gòn giải phóng.

Một trong những hoạt động chuyển đổi số đầu tiên phải kể đến (kể từ khi chuyển đổi số được Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông thúc đẩy triển khai) là việc thiết kế lại các chức năng của Sàn sách in Book365.vn của Nhà xuất bản để đẩy mạnh quảng bá, phát hành sách, đồng thời chủ trì, phối hợp với Cục Xuất bản, In và Phát hành sửa đổi, bổ sung chức năng của Sàn để làm nơi tổ chức Triển lãm - Hội sách trực tuyến quốc gia bắt đầu từ năm 2020.

Năm 2020 là một năm đầy những khó khăn, thách thức đối với mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề do ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19, và ngành xuất bản cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng tiêu cực đó. Số liệu từ Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết, tính đến thời điểm cuối tháng 3/2020, hoạt động xuất bản nói chung, trước hết thị trường phát hành sách truyền thống, dựa chủ yếu vào hệ thống cửa hàng bán lẻ gặp nhiều khó khăn.

Doanh thu của các đơn vị phát hành sách truyền thống giảm mạnh, nhất là ở hai thị trường lớn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy chưa có thống kê đầy đủ nhưng theo báo cáo của các đơn vị phát hành sách lớn như Fahasa, Phương Nam, Tiền Phong, Tân Việt, Công ty Đường Sách Thành phố Hồ Chí Minh... và các công ty sách, nhà sách tham gia liên kết xuất bản như Alphabooks, Thaihabooks, Nhã Nam, Đinh Tị, Đông A... doanh thu giảm khoảng 30-40% so với cùng kỳ và giảm sâu trong tháng 4/2020.

Đối với Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, doanh số 3 tháng đầu năm 2020 đã giảm khoảng 60% so với cùng kỳ năm 2019, sách xuất bản ra không thể đến tay bạn đọc. Nhiều sự kiện dự kiến diễn ra vào đầu quý II như Hội nghị Cộng tác viên, một số sự kiện ra mắt sách cũng đã bị hoãn lại.

Đứng trước khó khăn đó, Nhà xuất bản đã tìm kiếm mọi biện pháp để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất bản, phát hành. Xác định vào thời điểm dịch bùng phát và có sự giãn cách xã hội, người dân hạn chế đi lại, vui chơi thì có thể sẽ là cơ hội tốt để cung cấp sách phục vụ nhu cầu học tập và giải trí của người dân khi phải giãn cách xã hội và ở nhà. Từ ý tưởng đó, cùng với chủ trương chuyển đổi số mà Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông đang thúc đẩy triển khai, Nhà xuất bản đã định hình một hướng tiếp cận chuyển đổi số của mình, đó là tập trung phát triển và đẩy mạnh kênh phát hành sách in qua mạng.

Sẵn có trang web Book365.vn được xây dựng từ năm 2013 (nay đã lạc hậu về công nghệ, tính năng và hoạt động chưa thật hiệu quả), Nhà xuất bản đã phối hợp với công ty công nghệ để nâng cấp nhiều tính năng mới, tăng cường tính an toàn thông tin, tối ưu quy trình đăng ký, đặt hàng, quản trị đơn hàng, tạo giao diện mới... để trở thành kênh chủ lực đưa sách tới bạn đọc.

Trong thời gian này, sự kiện Ngày Sách Việt Nam và một số triển lãm sách cũng chuẩn bị được tổ chức, tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 nên việc tổ chức như mọi năm bị dừng lại, thay vào đó là kế hoạch tổ chức theo hình thức trực tuyến. Và Sàn Book365.vn do Nhà xuất bản đang quản lý, vận hành đã được lựa chọn để làm nơi tổ chức sự kiện.

Xác định đây là cơ hội tốt để Nhà xuất bản được đầu tư thêm nguồn lực cho chuyển đổi số phục vụ quảng bá, phát hành, từ đó cùng toàn ngành xuất bản vượt qua khó khăn để tuyên truyền, quảng bá sách đến với toàn xã hội; các nhà xuất bản, công ty sách có thêm một kênh hữu hiệu để đẩy mạnh phát hành, bù đắp doanh thu thiếu hụt từ các kênh phát hành truyền thống, Nhà xuất bản đã chủ trì, phối hợp với Cục Xuất bản, In và Phát hành và công ty công nghệ để lập kế hoạch chi tiết cho toàn bộ các hoạt động của sự kiện này, từ việc thay đổi giao diện sao cho bắt mắt và mang đặc trưng của sự kiện Ngày Sách Việt Nam và các triển lãm sách; thuê và tích hợp hệ thống quản trị, điều hành trực tuyến cho toàn bộ hoạt động được tổ chức trên sàn; tích hợp mô hình triển lãm ảo; tích hợp hệ thống tọa đàm online; sửa đổi và tin học hóa quy trình đặt hàng, gom hàng và giao hàng, quy trình quản lý vận đơn vì có sự tham gia của một đơn vị vận chuyển chuyên nghiệp là VNPost; tổ chức, bố trí các không gian trưng bày trên Sàn; chuẩn bị các nội dung chủ đạo và hỗ trợ các nhà xuất bản, công ty sách trong việc đăng tải thông tin lên Sàn...

Công tác đầu tư chuyển đổi số kịp thời đã góp phần quan trọng cho việc tổ chức thành công 3 sự kiện lớn của ngành xuất bản trong năm 2020 theo hình thức trực tuyến là: Hội sách chào mừng Ngày Sách Việt Nam lần thứ 7; Triển lãm sách kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Triển lãm sách kỷ niệm 75 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

nghien cuu xuat ban anh 4

Giao diện triển lãm với hình ảnh tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Duy Hiệu.

Kết quả, các sự kiện đã thu hút được 107 lượt tham gia của các nhà xuất bản và đơn vị phát hành sách, giới thiệu khoảng trên 24.000 đầu sách; số lượng đơn đặt hàng đạt được là 11.000 đơn vận với gần 15.000 cuốn sách được đưa tới bạn đọc cả nước; trên 2 triệu lượt truy cập; doanh thu trên 1 tỷ đồng; đã tổ chức được 25 sự kiện tọa đàm, giao lưu của nhiều tác giả, nhà văn, nhà khoa học, nhà quản lý có uy tín trong xã hội với khoảng xấp xỉ 1.500 lượt người tham dự. Đối với các nhà xuất bản và đơn vị phát hành, Book365.vn đã tạo dấu ấn khi lần đầu tiên trở thành kênh giới thiệu sách trực tuyến, chính thống, sử dụng công nghệ hiện đại để giúp các đơn vị cung cấp sách trực tiếp với giá ưu đãi đến tay bạn đọc trong cả nước, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa; góp phần lan tỏa ý nghĩa của Ngày Sách Việt Nam, cổ vũ, động viên tác giả, người làm công tác xuất bản, mở ra hướng phát triển thị trường mới, khích lệ các nhà xuất bản đổi mới mô hình kinh doanh, mở rộng thị trường, thúc đẩy văn hóa đọc phát triển. Từ thành công ban đầu đó, Book365.vn tiếp tục trở thành nơi tổ chức các sự kiện lớn của ngành xuất bản trong những năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ công tác biên tập, nhằm giảm bớt công sức của biên tập viên và Lãnh đạo Nhà xuất bản trong biên tập và duyệt bản thảo, Nhà xuất bản đang có kế hoạch nghiên cứu và tổ chức xây dựng Hệ sinh thái gồm: Hệ thống hỗ trợ biên tập nội dung xuất bản phẩm, Hệ thống quản lý nghiệp vụ, tác nghiệp, kết hợp với các cơ sở dữ liệu nhân sự, cơ sở dữ liệu phát hành, cơ sở dữ liệu kho, cơ sở dữ liệu tác giả, cộng tác viên, khách hàng, các dữ liệu thống kê và cơ sở dữ liệu nghiệp vụ chuyên ngành dùng chung, thống nhất trong toàn bộ đơn vị. Từ đó có thể quản lý và triển khai hoạt động chuyên môn theo một quy trình khép kín, từ khâu tiếp nhận bản thảo, đăng ký kế hoạch, triển khai biên tập và trình duyệt; quản lý file bản thảo gốc, bản thảo biên tập, bản thảo hoàn thiện và hồ sơ bản thảo đều được thực hiện trực tiếp qua hệ thống này. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình chuyển đổi số của Nhà xuất bản từ nay đến năm 2025.

Trong công tác xuất bản điện tử, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông là nhà xuất bản đầu tiên tự nghiên cứu yêu cầu tính năng và đặt hàng xây dựng hệ thống xuất bản điện tử, đồng thời là nhà xuất bản đầu tiên có đề án xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử được Cục Xuất bản, In và Phát hành xác nhận. Kể từ khi được xác nhận đề án, trong những năm qua, Nhà xuất bản đã xuất bản được trên 1.000 đầu sách điện tử, trong đó có các dạng sách điện tử đơn giản, sách nói và sách multimedia, đặc biệt có hệ thống hỗ trợ học tập cho sinh viên một số trường đại học với sách bài tập tương tác. Không dừng lại ở việc đầu tư hệ thống để tự xuất bản điện tử cho riêng mình, với ý tưởng tiên phong đi đầu chuyển đổi số tạo nền tảng công nghệ để hỗ trợ các nhà xuất bản cùng tham gia xuất bản điện tử nhưng chưa có điều kiện đầu tư, Hệ thống xuất bản điện tử của Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông hiện được nâng cấp tính năng để trở thành nơi cung cấp hạ tầng xuất bản điện tử (gồm không gian phát hành và công cụ làm sách điện tử) cho các đơn vị xuất bản/phát hành có nhu cầu nhằm thúc đẩy hoạt động xuất bản điện tử của toàn ngành phát triển.

Dự kiến từ nay đến đầu năm 2024, một phiên bản mới của Hệ thống xuất bản điện tử sẽ được ra mắt với nhiều tính năng được hoàn thiện hơn, trong đó có việc bổ sung tính năng xuất bản sách nói, sách video và nhiều tính năng khác để đáp ứng yêu cầu của Nhà xuất bản cũng như toàn ngành.

Song song với các nội dung trên, nhà xuất bản đã đưa vào kế hoạch nhiệm vụ nâng cấp website và các công cụ truyền thông khác, trong đó nâng cấp webiste Nhà xuất bản với giao diện, công nghệ mới phù hợp với xu thế truyền thông hiện đại là đa nền tảng, đa giao diện; tích hợp với các mạng xã hội Facebook, Zalo, Youtube để tạo thành một hệ thống truyền thông đa dạng, từ đó tăng cường truyền thông tương tác để quảng bá thương hiệu và đẩy mạnh phân phối sản phẩm.

Và một nội dung không thể thiếu để có thể chuyển đổi số là chuyển đổi nhận thức (cách nghĩ, cách làm) và cách thức tổ chức bộ máy, tổ chức công việc. Để thực hiện nội dung này, trong năm 2021, nhà xuất bản đã tiến hành sắp xếp lại tổ chức và quản trị, trong đó đã tổ chức, sắp xếp lại bộ máy từ 9 phòng/ban/chi nhánh xuống còn 6 bộ phận, đồng thời điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các bộ phận bảo đảm phù hợp với cách làm mới. Song song với đó là bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định, quy trình nghiệp vụ và đã nâng cấp thành bộ tiêu chuẩn ISO gồm 17 bộ quy trình, được ban hành từ ngày 30/6/2022 để áp dụng trong toàn đơn vị.

Để có thêm cơ sở thực hiện chuyển đổi số thành công, hàng năm, Nhà xuất bản đều đăng ký thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, với các đề tài tiêu biểu như: Nghiên cứu xây dựng phương án và quy trình xuất bản công nghệ số; Nghiên cứu đề xuất xây dựng hệ thống quản lý phát hành xuất bản phẩm; Nghiên cứu xây dựng các tiêu chí cho xuất bản phẩm điện tử; Nghiên cứu xu thế và ảnh hưởng của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến hoạt động xuất bản Việt Nam và đề xuất giải pháp thực hiện hoạt động biên tập, in và phát hành của Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông; Nghiên cứu xây dựng phần mềm hỗ trợ quảng bá và phát hành xuất bản phẩm trên thiết bị di động; Nghiên cứu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ quản trị, tác nghiệp... Đây là một trong những bước đi cơ bản để Nhà xuất bản hiểu, tiếp cận với công nghệ mới và cách thức tổ chức hoạt động mới, và là tiền đề quan trọng cho việc nghiên cứu thực hiện chuyển đổi số các hoạt động của đơn vị.

Chuyển đổi số là một nhiệm vụ không hề đơn giản, bởi nó liên quan đến nhận thức, thói quen, lối mòn trong suy nghĩ và thực hiện nhiệm vụ hàng ngày, và hơn thế nữa là nguồn kinh phí thực hiện cũng không hề nhỏ, và đối với Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông thì phía trước vẫn là một chặng đường dài. Song với một số kết quả đạt được nêu trên đã cho thấy sự nỗ lực của Nhà xuất bản để không những thích ứng mà phải là Nhà xuất bản tiên phong trong chuyển đổi số, phấn đấu trở thành Nhà xuất bản số vào năm 2025 như mục tiêu chiến lược đã đề ra.

Một số gợi ý về hướng đi chuyển đổi số cho xuất bản Việt Nam

Tính đến nay, cả nước đã có 12 nhà xuất bản và 6 doanh nghiệp phát hành được cấp xác nhận xuất bản/phát hành xuất bản phẩm điện tử. Để đạt được các chỉ tiêu về số lượng đầu sách xuất bản hàng năm và đặc biệt là số lượng xuất bản sách điện tử trong Quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt (tỷ lệ xuất bản phẩm điện tử đạt 20-30% tổng số xuất bản phẩm được xuất bản); Chiến lược thúc đẩy phát triển lĩnh vực xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm giai đoạn 2021-2025 đã được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt, trong đó trọng tâm từng bước chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản. Ngành xuất bản cần có những giải pháp cụ thể nhằm tăng cường năng lực của các đơn vị xuất bản và phát hành; chuyển đổi số theo hướng đồng bộ; tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các đơn vị trong ngành, đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp ngoài ngành để phát triển phần mềm nền tảng hỗ trợ cho từng công tác trong hoạt động xuất bản, từng bước tiến tới thí điểm xây dựng mô hình nhà xuất bản số.

Với một số kinh nghiệm nhất định trong việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện chuyển đổi số của đơn vị mình, theo suy nghĩ của người viết, con đường chuyển đổi của các đơn vị xuất bản Việt Nam cần tập trung theo hướng như sau:

(1) Đổi mới và phát triển theo mô hình cơ quan xuất bản - công nghệ;

(2) Sản xuất và phân phối nội dung đa nền tảng, đa phương tiện với phương châm bám sát nhu cầu và sở thích của độc giả - đặc biệt là thế hệ Z (tạo app đọc sách, app bán sách, phân phối nội dung trên Facebook, Tiktok...; sản xuất podcast, audiobook...);

(3) Cải tiến quy trình biên tập - xuất bản theo phương thức tích hợp; sử dụng các phần mềm biên tập, quản lý duyệt bản thảo nhanh chóng, hiệu quả;

(4) Sử dụng tối đa các công cụ đo lường và phân tích nhu cầu của độc giả, các review của độc giả khi đọc sản phẩm của đơn vị xuất bản;

(5) Đầu tư công nghệ hiện đại và đội ngũ nhân sự công nghệ giỏi. Đây là yếu tố then chốt để thực hiện thành công chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản bởi ngày nay “nội dung là vua, công nghệ là nữ hoàng”;

(6) Tăng cường nghiên cứu khoa học, phát triển và đổi mới, sáng tạo các sản phẩm xuất bản độc đáo, đặc sắc. Cần thay đổi tư duy xuất bản không chỉ tạo ra sách, mà cần hướng tới xuất bản tạo ra nội dung, các đơn vị xuất bản kinh doanh nội dung dựa trên các nền tảng đa phương tiện như trên thế giới vẫn làm;

(7) Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong biên tập, đọc duyệt bản thảo sách;

(8) Xây dựng các chiến lược kinh doanh phù hợp với mục tiêu chuyển đổi số như tổ chức các sự kiện; chú trọng đầu tư, nâng cấp xây dựng sàn thương mại điện tử; thành lập các câu lạc bộ yêu sách, tạo các ưu đãi hấp dẫn cho các thành viên khi tham gia câu lạc bộ. Đặc biệt, các nhà xuất bản có lợi thế rất lớn là có kho dữ liệu phong phú về các lĩnh vực, có thể liên kết với nhau để môi giới, giới thiệu bán các dữ liệu cho những đơn vị tổ chức hoặc cá nhân cần dùng. Tất nhiên, việc môi giới, bán dữ liệu phải tuân thủ các quy định của Luật Xuất bản, Luật Sở hữu trí tuệ;

(9) Xây dựng, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ quản lý chuyên ngành có năng lực đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trực tiếp thực hiện chuyển đổi số. Bởi chuyển đổi số là chuyển đổi tư duy đã thành lối mòn của chúng ta bao lâu nay, chứ chuyển đổi số không phải là chuyển đổi công nghệ.

Mô hình văn hóa đọc hiện đại của đường sách TP.HCM

Ý tưởng thành lập đường sách bắt nguồn từ truyền thống tôn vinh văn hóa đọc đã có từ trước đó của người dân cũng như lãnh đạo thành phố.

Đào tạo nhân lực cho nền xuất bản hiện đại

Thị trường xuất bản phẩm thay đổi nhanh chóng đòi hỏi lực lượng lao động phải tinh thông nghề nghiệp và có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Trần Chí Đạt

Bạn có thể quan tâm