Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Đào tạo nhân lực cho nền xuất bản hiện đại

Thị trường xuất bản phẩm thay đổi nhanh chóng đòi hỏi lực lượng lao động phải tinh thông nghề nghiệp và có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Ảnh: City Pass Guide

Thị trường xuất bản phẩm ngày nay thay đổi nhanh chóng, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập với nền xuất bản toàn cầu và cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi lực lượng lao động phải tinh thông nghề nghiệp và có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Do đó, công tác đào tạo phải thích ứng nhanh và gắn bó chặt chẽ hơn nữa với nhu cầu của thị trường lao động, hướng tới việc đón đầu các xu hướng trong lĩnh vực xuất bản.

Mô hình đào tạo theo định hướng ứng dụng đáp ứng nhu cầu xã hội

Đào tạo theo định hướng ứng dụng (Profession-Oriented Higher Education - POHE) là một mô hình đào tạo đã rất phổ biến ở các nước có nền giáo dục phát triển trên thế giới. Ở Việt Nam, năm 2005, mô hình này bắt đầu triển khai tại 8 trường đại học nằm trong Dự án giáo dục Đại học Việt Nam - Hà Lan do Chính phủ Hà Lan tài trợ.

Theo đó, mỗi trường đại học ở Việt Nam sẽ liên kết với một trường đại học khoa học ứng dụng ở Hà Lan, được các chuyên gia trực tiếp hỗ trợ xây dựng chương trình phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động nhằm đào tạo đội ngũ cũng như trang bị cơ sở vật chất để đào tạo người học theo năng lực của họ (Competency-Based Training). Mục tiêu của mô hình này là nâng cao năng lực nghề nghiệp của người học, giúp họ phát triển toàn diện kiến thức - kỹ năng - thái độ nghề nghiệp và khả năng thích ứng với môi trường thực tiễn đa dạng ngay sau khi tốt nghiệp.

Theo các tác giả trong công trình nghiên cứu “Dự án Phát triển giáo dục đại học theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng (POHE) ở Việt Nam giai đoạn 2”, cách tiếp cận POHE và tiếp cận truyền thống trong giáo dục đại học ở nước ta có những điểm khác biệt cơ bản sau:

Tiêu chí

Chương trình đào tạo POHE

Chương trình đào tạo truyền thống

Tiếp cận giáo dục

Định hướng đầu ra

Định hướng đầu vào

Phương pháp sư phạm

Tiếp cận năng lực

Tiếp cận nội dung

Trung tâm của quá trình dạy học

Sinh viên

Giảng viên

Sự tham gia của thế giới nghề nghiệp vào quá trình đào tạo

Bắt buộc

Không bắt buộc

Xây dựng chương trình đào tạo

Dựa vào nhu cầu của thế giới nghề nghiệp, có sự tham gia của thế giới nghề nghiệp

Không dựa vào nhu cầu của thế giới nghề nghiệp, không kết nối với thế giới nghề nghiệp

Xác định mục tiêu học tập, chuẩn đầu ra

Dựa vào hồ sơ năng lực, là kết quả điều tra thế giới nghề nghiệp

Do nhà trường xây dựng, không dựa vào kết quả điều tra thế giới nghề nghiệp

Phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập

Dựa vào năng lực, có sự tham gia thường xuyên của thế giới nghề nghiệp

Dựa vào truyền thụ kiến thức, không có sự tham gia thường xuyên của thế giới nghề nghiệp

Tổ chức đơn vị học tập trong chương trình đào tạo

Được tổ chức thành hệ thống môđun có tính tích hợp cao, thích hợp cho hình thành năng lực

Được chia nhỏ thành học phần riêng biệt, mang tính đơn ngành, ít kết nối với nhau

Chương trình đào tạo

Mở, linh hoạt và luôn được cập nhật với thay đổi của thị trường lao động

Cứng nhắc, ít thay đổi, được chuẩn hóa thành khung chương trình cho các nhóm ngành đào tạo

Nghiên cứu của giảng viên và sinh viên

Có tính ứng dụng cao nhằm giải quyết các vấn đề của thế giới nghề nghiệp

Nghiên cứu ít gắn kết với nhu cầu của thế giới nghề nghiệp

Môi trường học tập

Đa dạng, cởi mở, thân thiện, chú trọng rèn luyện kỹ năng trong điều kiện nhà trường và tại thế giới nghề nghiệp

Chủ yếu tổ chức dạy và học trong điều kiện nhà trường

Yêu cầu đối với giảng viên

Đóng nhiều vai trò cùng lúc: người thầy, chuyên gia về chuyên môn, huấn luyện viên, tư vấn viên, giám sát viên

Vai trò người thầy và nghiên cứu viên

Kết quả khảo sát sinh viên tốt nghiệp theo chương trình POHE trong 2 năm 2014 và 2015 cho thấy, tỷ lệ sinh viên có việc làm đạt 80%, thời gian tìm việc lần đầu tiên rút ngắn, khả năng bắt nhịp với thị trường lao động tốt hơn và doanh nghiệp không phải đào tạo lại hoặc chỉ cần đào tạo lại với thời gian ít hơn.

Từ phía người học, đa số cựu sinh viên hài lòng với chương trình ứng dụng mà họ đã theo học, với đánh giá cụ thể là chương trình đào tạo thiết thực, thực tế, tập trung hình thành các kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng mềm cho sinh viên.

Từ phía các nhà tuyển dụng, nhiều doanh nghiệp cho biết, mô hình này đã cung cấp cho thị trường nguồn nhân lực có khả năng đáp ứng tốt đòi hỏi của họ.

Trong thời gian thực hiện giai đoạn 1 của dự án, đã có 556 doanh nghiệp có quan hệ hợp tác với các trường. Từ phía các cơ sở đào tạo, hiện nay có khoảng trên 100 trường đại học mong muốn tiếp cận mô hình đào tạo này. Với kết quả khả quan trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến số lượng các cơ sở đào tạo theo hướng ứng dụng và thực hành trong thời gian tới sẽ chiếm khoảng 80% tổng số cơ sở đào tạo.

dao tao nganh xuat ban anh 1

Công tác đào tạo hướng tới việc đón đầu các xu hướng trong lĩnh vực xuất bản. Ảnh: BW Education.

Vận dụng mô hình đào tạo theo định hướng ứng dụng tại Khoa Xuất bản, Phát hành, Đại học Văn hóa TP.HCM

Khoa Xuất bản, Phát hành của Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh là nơi đào tạo nguồn nhân lực kinh doanh xuất bản phẩm phục vụ cho cả nước, đặc biệt là các tỉnh phía Nam. Hơn 40 năm qua, dù điều kiện dạy học của nhà trường còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên, song các thế hệ giảng viên trong khoa luôn nỗ lực để cung cấp cho xã hội lực lượng lao động có kiến thức, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp.

Chương trình đào tạo được xây dựng xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, sau mỗi 2 năm, sẽ tiến hành đánh giá lại chương trình. Có sự tham gia cộng tác giảng dạy, trao đổi của các chuyên gia từ các doanh nghiệp, như: Công ty cổ phần Phát hành sách Thành phố Hồ Chí Minh FAHASA, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đường Sách Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam, Công ty Văn hóa Hương Trang... và các nhà xuất bản, như: Nhà xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM... áp dụng các phương pháp giảng dạy mới, chú trọng các hoạt động thực tế, thực hành, thực tập của sinh viên.

Tuy nhiên, thị trường xuất bản phẩm ngày nay thay đổi nhanh chóng, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập với nền xuất bản toàn cầu và cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi lực lượng lao động phải tinh thông nghề nghiệp và có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực. Do đó, công tác đào tạo phải thích ứng nhanh và gắn bó chặt chẽ hơn nữa với nhu cầu của thị trường lao động, hướng tới việc đón đầu các xu hướng trong lĩnh vực xuất bản. Từ thực tiễn đào tạo và thành công bước đầu của chương trình POHE tại Việt Nam, nhà trường đã vận dụng mô hình này trong quá trình đào tạo tại Khoa Xuất bản, Phát hành với những bước đi cơ bản như sau:

Phân tích nhu cầu của các nhà tuyển dụng và xây dựng hồ sơ nghề nghiệp

Các nhà tuyển dụng được hiểu là các đơn vị kinh doanh xuất bản phẩm, các nhà xuất bản, các cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản... cung cấp cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Việc đào tạo sát với nhu cầu của các nhà tuyển dụng giúp sinh viên có thể hòa nhập nhanh với công việc, cống hiến cho tổ chức và thăng tiến cho cá nhân.

Do đó, hoạt động đào tạo cần bắt đầu từ việc nghiên cứu, phân tích nhu cầu của các nhà tuyển dụng, tìm hiểu về những vấn đề khó khăn trong công tác nhân sự của các nhà tuyển dụng, từ đó góp phần giải quyết vấn đề ngay trong nhà trường, gắn bó cung cầu về lao động giữa nhà trường và xã hội, tiết kiệm nguồn lực, mang lại hiệu quả cho cả người học và xã hội.

Trên cơ sở phân tích nhu cầu của nhà tuyển dụng, nghiên cứu thị trường lao động để hình thành hồ sơ nghề nghiệp. Đây là bản mô tả về các vị trí công việc đang diễn ra trên thực tiễn thị trường xuất bản phẩm cùng với các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết để thực hiện vị trí công việc đó. Từ ngôn ngữ của thị trường lao động được chuyển hóa thành ngôn ngữ của giáo dục và hiện thực hóa trong chương trình đào tạo.

Xây dựng mục tiêu và nội dung chương trình đào tạo

Đặc trưng của đào tạo theo định hướng ứng dụng là định hướng đầu ra theo nhu cầu thị trường lao động. Do đó, việc xác định chuẩn đầu ra cần sát hợp với thực tiễn, có sự tham vấn của các nhà tuyển dụng.

Chuẩn đầu ra là bản mô tả những kiến thức, kỹ năng, thái độ sinh viên ngành kinh doanh xuất bản phẩm cần đạt được sau khi tốt nghiệp để có thể gia nhập thị trường lao động và làm việc thành công. Chuẩn đầu ra được xây dựng theo các thang đo: thang đo nhận thức Bloom (nhớ, hiểu, vận dụng, phân tích, tổng hợp, đánh giá); thang đo kỹ năng Simpson (tri giác, tổ hợp, phản hồi có hướng dẫn, hành vi máy móc, phản hồi phức hợp, thích nghi, tổ chức lại); thang đo thái độ David Krathwohl (tiếp nhận, hồi đáp, đánh giá, thiết lập, hệ thống hóa).

Đây là căn cứ để xây dựng khung chương trình và chương trình đào tạo chi tiết. Các môđun hoặc học phần được thiết kế phải đáp ứng một phần hoặc một số chuẩn đầu ra nào đó. Do đó, sẽ có nhiều học phần mới cần bổ sung vào chương trình để cập nhật với thực tiễn.

Xây dựng đề cương học phần

Học phần là đơn vị cấu thành nên môđun và chương trình đào tạo. Mục tiêu chương trình/môđun được tạo nên từ mục tiêu của học phần. Sau khi xây dựng khung chương trình phù hợp với chuẩn đầu ra, cần xây dựng đề cương học phần. Đề cương học phần là một bản kế hoạch chi tiết hướng dẫn cho giảng viên và các nhà quản lý tổ chức thực hiện từng phần của môđun/chương trình đào tạo.

Đề cương học phần tập trung vào các nội dung cốt lõi: tên gọi và khối lượng kiến thức; mục tiêu, chuẩn đầu ra học phần; phân chia nội dung học tập thành các chủ đề/bài học; phương pháp và hoạt động giảng dạy; tổ chức giảng dạy; phương tiện hỗ trợ giảng dạy; đánh giá kết quả học tập. Trong đó mục tiêu, chuẩn đầu ra học phần cần theo sát chuẩn đầu ra của môđun/chương trình, chỉ rõ sự đóng góp của học phần trong hồ sơ năng lực của sinh viên và diễn đạt một cách ngắn gọn, đầy đủ theo các thang đo ở trên.

Phát triển đội ngũ giảng viên

Đội ngũ giảng viên là yếu tố quan trọng đối với sự thành công của bất kỳ chương trình đào tạo nào. Đặc biệt đối với đào tạo theo định hướng ứng dụng, giảng viên giữ nhiều vai trò, như: chuyên gia, người huấn luyện, người cố vấn, người đánh giá...

Do đó, đội ngũ giảng viên được nhà trường tập huấn về phương pháp xây dựng chương trình, phương pháp biên soạn đề cương,... để có thể thực hiện được các yêu cầu của chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng. Giảng viên luôn được khuyến khích ý thức tự nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp theo yêu cầu và xu thế của xã hội.

Giảng viên cũng được tham quan hoạt động tại các đơn vị kinh doanh/nhà xuất bản để nắm bắt được sự chuyển động của thị trường xuất bản phẩm, các vấn đề đặt ra trong thực tiễn, từ đó góp phần giải quyết các vấn đề đó ở góc độ của nhà cung cấp nhân lực, gắn kết giữa lý luận và thực tiễn. Bên cạnh đó, nhà trường còn mời các giảng viên ở các trường đại học khác, các chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản cùng tham gia giảng dạy các học phần trong chương trình đào tạo hoặc nói chuyện theo chuyên đề, tham gia các hội thảo, toạ đàm chuyên môn cùng với giảng viên và sinh viên của khoa...

Phát triển đội ngũ giảng viên không chỉ yêu cầu về số lượng mà trọng tâm là chất lượng để bảo đảm thực hiện chương trình. Chú trọng đến các năng lực: năng lực chuyên môn, năng lực dạy học, năng lực nghiên cứu khoa học ứng dụng, năng lực phát triển chương trình đào tạo, năng lực kết nối với các nhà tuyển dụng, năng lực phát triển nghề nghiệp và học tập suốt đời.

Phối hợp với các đơn vị tuyển dụng trong suốt quá trình đào tạo

Đây cũng là một trong những đặc trưng, yêu cầu và là yếu tố căn bản bảo đảm thành công cho chương trình đào tạo. Vai trò của nhà tuyển dụng thể hiện trong toàn bộ quá trình đào tạo của Khoa Xuất bản, Phát hành bắt đầu từ xây dựng chuẩn đầu ra cho ngành đào tạo, chuyên ngành đào tạo đến từng vị trí công việc; tham vấn để khoa xây dựng chương trình khung, chương trình chi tiết; tham gia giảng dạy các chuyên đề hoặc phần thực tiễn, thực hành trong các học phần như các mặt hàng sách, thị trường xuất bản phẩm, Marketing, thương mại điện tử, xuất bản điện tử, biên tập bản thảo, thiết kế và trang trí mỹ thuật cửa hàng sách, tiếng Anh chuyên ngành...; hỗ trợ trong quá trình thực tập của sinh viên, thực tế của giảng viên; đánh giá, kiểm định chương trình đào tạo, cung cấp thông tin, yêu cầu, phản biện để bổ sung, cải tiến, phát triển chương trình.

Như vậy, quá trình đào tạo sinh viên diễn ra không chỉ ở trong nhà trường mà là quá trình phối hợp tích cực giữa cơ sở đào tạo và đơn vị tuyển dụng. Điều đó sẽ mang lại hiệu quả cho các bên liên quan. Về phía sinh viên, họ có thể tiếp cận công việc nhanh chóng hơn, làm việc tốt hơn, thành công hơn. Về phía đơn vị tuyển dụng, giảm thời gian đào tạo lại hoặc không cần đào tạo lại, tuyển đúng người vào đúng vị trí công việc. Về phía nhà trường, từng bước khẳng định uy tín thương hiệu trong lĩnh vực giáo dục.

Đào tạo theo định hướng ứng dụng, phía trước là những khó khăn, thách thức nhưng đó là con đường hiệu quả trong bối cảnh hiện nay để khoa và nhà trường thực hiện sứ mệnh của hoạt động đào tạo là cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các đơn vị trong ngành xuất bản, đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành xuất bản trong một giai đoạn quan trọng của tiến trình 70 năm qua của ngành xuất bản, in và phát hành sách.

Khoa Xuất bản, Phát hành, Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực triển khai chương trình đào tạo định hướng ứng dụng cho sinh viên từ khoá tuyển sinh 2018. Năm 2022, những sinh viên đầu tiên sẽ tốt nghiệp và tham gia thị trường lao động. Khoa sẽ cùng các đơn vị tuyển dụng thực hiện đánh giá sự phù hợp của chương trình đào tạo và có sự cải tiến kịp thời với mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vì một nền xuất bản tiến tiến và hội nhập.

Xuất bản 12.000 đầu sách lý luận, chính trị, pháp luật

12.000 đầu sách được thực hiện giai đoạn 2003-2021. Đó là một chặng trong hành trình 77 năm NXB Chính trị quốc gia Sự thật đóng góp vào sự nghiệp xuất bản.

Xây dựng giáo trình đào tạo ngành xuất bản

Chiều 2/6, Khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Nâng cao chất lượng xây dựng giáo trình đào tạo ngành xuất bản”.

ThS. Thái Thu Hoài, ThS Trần Thị Quyên

Bạn có thể quan tâm