- Nín đi em, bố mẹ bận ra tòa!
Chị lên bảy dỗ em trai ba tuổi
Thằng bé khóc bụng chưa quen chịu đói
Hai bàn tay xé áo chị đòi cơm.
***
Bố mẹ đi từ sáng, khác mọi hôm
Không nấu nướng và không hề trò chuyện
Hai bóng nhỏ hai đầu ngõ hẻm
Cùng một đường sao chẳng thể chờ nhau?
***
Biết lấy gì dỗ cho em nín đâu
Ngoài hai tiếng ra tòa vừa nghe nói
Chắc nó nghĩ như ra đồng, ra bãi
Sớm muộn chi rồi bố mẹ cũng về.
***
Mẹ bế em âu yếm, vuốt ve
Bố xách nước khi mẹ vừa nhóm bếp
Nó sung sướng vào ra tíu tít
Rồi quây quần, nồi cơm mở vung ra!
***
Nó biết đâu bố mẹ nó ra tòa
Đối mặt nhau, đối mặt cùng pháp lý
Chẳng phải chỗ năm xưa đi đăng ký
Chẳng phải lời dịu ngọt tháng ngày xa.
***
Nó biết đâu bố mẹ nó ra tòa
Là cầm cưa xẻ ngang tình đoàn tụ
Đứa còn mẹ thì thôi, không còn bố
Hai chị em rồi sẽ mất nhau…
***
- Nín đi em! Em khản giọng khóc gào
Chị mếu máo, đầm đìa nước mắt
Những bố mẹ bên bờ chia cắt
Phút giây thôi, hãy nghe tiếng con mình!
Lời bình
Bài thơ của Vương Trọng như giọt nước mắt thấm xót vào lòng ta. Chắc là, những đứa trẻ không hiểu gì về việc bố mẹ chúng ra tòa, gia đình tan vỡ, chị em mất nhau, có cha thì không có mẹ… Đó là giọt nước mắt đòi cha đòi mẹ như bất kỳ đứa trẻ nào khi cần được chăm sóc, chở che, nương tựa, bao bọc. Nhưng, cũng vì thế mà giọt nước mắt ấy càng thêm xót xa.
Bài thơ có cấu trúc giãn về hai phía, trung tâm là hình ảnh đoàn tụ sum vầy. Mẹ bế em, nhóm bếp; bố xách nước, nồi cơm mở vung thơm lừng hạnh phúc. Thế nhưng, mọi thứ chợt nhòa đi, như bóng mẹ cha lặng thầm đi về hai đầu ngõ hẻm. Còn lại, những đôi mắt trẻ thơ ngơ ngác, mếu máo, có lẽ chưa hình dung được bão dông rồi sẽ trùm lên tất cả.
Có nhiều lý do để biện minh cho một sự buông tay, nhưng từ giọt nước mắt con thơ, từ tiếng khóc đòi yêu thương, từ hình ảnh bé nhỏ côi cút, từ những ấm êm dịu ngọt, bài thơ của Vương Trọng là một đề xuất chân thành để ở lại, hay ít ra là sự đắn đo trước khi rời bước. Mọi thứ sẽ trở nên vô nghĩa khi ta soi mình vào giọt nước mắt con thơ.