Gọi dì tiếng mẹ đi con
Khó chi lời nói để buồn cả ba
Ngày ngày đụng chạm vào ra
Giả vờ bằng mặt sao xa cách lòng
***
Quá chiều dì bước sang sông
Lời ru gói lại sâu nông phận người
Nghẹn thương thân phận cút côi
Mà yêu như thể bãi bồi phù sa
***
Gọi đi cho ấm cửa nhà
Mặc ai đơm đặt mẹ gà con ngan
Theo chồng một gánh giang san
Miếng trầu ràng buộc hồng nhan lỡ thì
***
Con đừng gọi mẹ là dì
Đừng nghe bánh đúc… thị phi miệng đời
Gọi đi dẫu một lần thôi
Con chồng mẹ kế ai người tủi thân?!
***
Nhớ thương xưa hãy vơi dần
Để người siêu thoát cõi trần đớn đau
Chắc linh hồn chẳng trách đâu
Với người lặng lẽ đến sau thay mình
***
Con ơi một kiếp nhân sinh
Mở lòng mà sống, nghĩa tình trao đi
Rồi mai một đóa từ bi
Nở hoa thơm ngát xuân thì đời con.
Lời bình
Trong hình dáng thể loại lục bát, bài thơ Nói với con gây xúc động mạnh cho người đọc bởi lời tâm sự của nhân vật trữ tình. Ở đó, ta nhận ra những thân phận giữa cõi trần đau đớn.
Người đã khuất, người đến sau, phận mồ côi, những mảnh ghép xót xa, những va chạm cắt cứa, những vá víu tủi thân, những mong cầu bồi đắp… làm mềm lòng những định kiến con chồng mẹ kế. Bài thơ diễn đạt một cách thành thực tiếng nói yêu thương và bao dung từ trái tim người phụ nữ đến sau trong mối ràng buộc muộn màng.
Trong tâm hồn của đứa trẻ mồ côi, gọi dì là mẹ phải đâu dễ dàng. Tiếng gọi mở ra mối quan hệ với nhiều cảnh ngộ, đồng thời cũng đặt câu chuyện vào những liên tưởng chua chát, ngang trái. Vượt lên những thị phi của miệng đời, tình yêu thương của người phụ nữ đến sau là tất cả hy vọng cho một cuộc chắp nối nghĩa tình.
Lựa chọn thể thơ lục bát có ưu thế về nhịp điệu hài hòa, gần gũi với lời ru, với những tâm tình thầm lặng, tác giả Đinh Hạ đánh thức niềm trắc ẩn trong lòng người. Kiếp nhân sinh đã nở đóa từ bi, xin gỡ éo le này bằng dòng máu phù sa.