Zing.vn trích đăng bài viết Vingroup takes expansion to the skies with new aviation unit của tác giả Tomoya Onishi, đăng trên báo Nikkei Asian Review.
Tập đoàn Vingroup tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh của mình bằng cách ra mắt thương hiệu hàng không Vinpearl Air với hy vọng trở thành hãng vận tải hàng không thứ sáu của Việt Nam, sau khi bước chân vào lĩnh vực sản xuất xe hơi và điện thoại thông minh.
Thông báo của Vinpearl Air được đưa ra chỉ vài tuần sau khi Vingroup khánh thành một nhà máy xây dựng thương hiệu ôtô nội địa tại quốc gia tăng trưởng nhanh ở Đông Nam Á.
Vinpearl Air tập trung đào tạo phi công - lực lượng vốn đang thiếu hụt tại Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hà. |
Vingroup mở rộng kinh doanh lên "bầu trời"
Sự mở rộng mạnh mẽ của Vingroup đã thu hút sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư vì các doanh nghiệp mới đòi hỏi số vốn ban đầu rất lớn.
Nhằm chuẩn bị cho những bước đi trong ngành hàng không, Vingroup đã hợp tác với Học viện Hàng không CAE Oxford của Canada để đào tạo phi công - lực lượng vốn đang thiếu hụt tại Việt Nam và một số thị trường châu Á.
“Ban đầu, Vinpearl Air sẽ tập trung đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu của cả thị trường trong nước và quốc tế”, đại diện của Vingroup nói.
Một lãnh đạo của tập đoàn này cho biết Vinpearl Air có kế hoạch vận hành hãng hàng không của riêng mình trong tương lai. "Chúng tôi đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ đề án hãng hàng không để được cấp phép", vị này nói với Nikkei Asian Review.
Nếu thành công, Vinpearl Air sẽ trở thành hãng hàng không thứ sáu tại Việt Nam. Năm hãng hàng không hiện tại bao gồm - Vietnam Airlines và Vasco thuộc sở hữu Nhà nước, hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific Airlines, hãng hàng không tư nhân Vietjet Air và Bamboo Airways. Các hãng này đã phục vụ hơn 27 triệu khách trong nửa đầu năm 2019.
Thông tin về Vinpearl được đưa ra sau khi Fitch thông báo sẽ rút mọi xếp hạng tín nhiệm với Vingroup vì không đủ thông tin từ tập đoàn. Trước động thái này, đánh giá của Fitch về Vingroup đứng ở mức B +.
Ông Nguyễn Việt Quang, Phó chủ tịch Vingroup, chia sẻ với báo chí trong nước sau quyết định không tham gia đánh giá của Fitch rằng đầu tư của Vingroup vào lĩnh vực ôtô, dự án VinFast "có tính rủi ro cao, do đó chắc chắn ảnh hưởng đến việc giảm tín nhiệm của tập đoàn. Ông nói rằng nếu Vingroup muốn duy trì chỉ số tín nhiệm của Fitch, họ sẽ phải từ bỏ việc sản xuất ôtô.
"Chúng tôi phải hy sinh những lợi ích (của việc được đánh giá) để tập trung và huy động mọi nguồn lực cho dự án VinFast", ông Quang nói.
VinFast và VinSmart đã đi vào hoạt động trong vòng 1 năm qua với mục đích đa dạng hóa hoạt động kinh doanh của tập đoàn, bên cạnh lĩnh vực kinh doanh lõi là bất động sản. Theo SSI Research, chi phí vốn cho riêng VinFast ước tính khoảng 3,5 tỷ USD.
Tập đoàn này đã công bố doanh thu 21.800 tỷ đồng (941,7 triệu USD) trong quý I/2019, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế giảm 2% xuống còn 1.000 tỷ đồng.
Ngoài VinFast, VinSmart và Vinpearl Air, Vingroup đang chuẩn bị các dự án lớn khác, bao gồm tổ chức giải đua xe Công thức 1 đầu tiên của Việt Nam vào năm tới.
Rủi ro có thể đến từ việc mở rộng hoạt động kinh doanh quá nhanh
“Các nhà đầu tư đang trở nên cảnh giác với những rủi ro liên quan đến việc mở rộng hoạt động nhanh chóng của các tập đoàn”, Standard & Poor chỉ ra trong một báo cáo vào tháng 12.
Công ty nghiên cứu và phân tích tài chính này cũng cho rằng việc Vingroup gia nhập vào ngành công nghiệp ôtô là đi vào “nơi thiếu chuyên môn và kinh nghiệm, làm tăng áp lực hoạt động trong thời gian ngắn”.
Trong khi thừa nhận dự báo doanh số mạnh mẽ của Vingroup, SSI Research cho biết trong báo cáo ngày 11/6, có lo ngại về "sự mở rộng mạnh mẽ của Vingroup vào các lĩnh vực mới, đòi hỏi phải mất rất nhiều nguồn lực cho việc thành lập và cũng cần có thời gian đủ dài để đạt được mức tối ưu".
"Do đó, chúng tôi không loại trừ khả năng Vingroup có thể cần huy động vốn, thông qua vốn chủ sở hữu hoặc nợ", SSI nhận định.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/7, cổ phiếu của Vingroup (VIC) đang ở mức 116.800 đồng/cổ phiếu, tăng 0,7% so với phiên trước đó. Như vậy, VIC đã tăng 16% kể từ đầu năm.
Hà Vinh, một nhà đầu tư, cho biết nhiều tập đoàn quốc tế sau cùng buộc phải thu hẹp hoạt động kinh doanh của mình xuống chỉ còn ngành kinh doanh cốt lõi vì việc đa dạng hóa hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn.
“Tôi không có đủ thông tin để tìm hiểu xem Vingroup có đang tiến lên không, nhưng những dự án mới như bán lẻ hay sản xuất ôtô, dự kiến sẽ đối mặt với thua lỗ trong những năm tới”, nhà đầu tư này nói.