5 năm đầu tiên luôn là thử thách khắc nghiệt với các doanh nghiệp. Thống kê cho thấy chỉ khoảng 4% nhà khởi nghiệp thực sự trụ lại được trong khoảng thời gian này, còn lại 6% hoạt động cầm chừng và 90% sẽ không thể tiếp tục tồn tại.
Với một startup về sản xuất điện tử như Asanzo, thách thức còn lớn hơn gấp nhiều lần khi người Việt vốn chỉ tin dùng sản phẩm từ thương hiệu nước ngoài nổi tiếng.
Mọi thứ bắt đầu từ sự tin tưởng
Ông Phạm Văn Tam kể lại: “Thời đó, thị trường TV chỉ sôi động ở phân khúc trung và cao cấp, còn với những gia đình bình dân, các hộ nông dân ở những vùng miền quê xa thành phố thì hầu như không có sự lựa chọn phù hợp. Thấy được vấn đề này, tôi nói với các anh em công nhân viên rằng nếu tạo ra được một chiếc TV dành riêng cho nhóm khách hàng nói trên thì Asanzo sẽ trụ được và chúng ta sẽ có lãi”.
Ông Phạm Văn Tam, CEO của Asanzo chia sẻ về hành trình 5 năm hoạt động và phát triển. |
Thực tế đã diễn ra đúng như những gì người đứng đầu Asanzo dự tính. Những chiếc TV LED của Asanzo với mức giá phù hợp hơn nhờ cắt giảm những tính năng không cần thiết cho người dùng phổ thông được thị trường nông thôn đón nhận. Thương hiệu Asanzo từ đó cũng dần tạo dựng được chỗ đứng nhờ chất lượng sản phẩm tốt, độ bền cao và chế độ hậu mãi, bảo hành chu đáo, kịp thời.
Cách đây 2 năm, hãng không còn đủ nguồn vốn để mở rộng sản xuất. Lúc bấy giờ, một doanh nghiệp điện tử lớn từ châu Á muốn sang Việt Nam đầu tư mảng TV đã đề nghị mua lại 51% công ty cùng nhà máy với mức giá 50 triệu USD.
“Chúng tôi đứng trước lựa chọn vô cùng khó khăn bởi lời đề nghị trên rất hấp dẫn. Sau nhiều đêm suy nghĩ thật kỹ, tôi đã quyết định giữ lại công ty và tự mình xoay sở vốn. Điều đó cũng xuất phát từ niềm tin rằng Asanzo sẽ trụ được trước sức ép của thị trường và các đối thủ ngày càng đè nặng”.
Sau 5 năm, Asanzo đã trở thành một tập đoàn điện tử đa ngành với 6 nhà máy và 2.000 công nhân làm việc liên tục để cung cấp ra thị trường hơn 70 dòng sản phẩm điện tử, gia dụng, điện lạnh, smartphone… đáp ứng nhu cầu của phần đông người tiêu dùng trong nước và hướng ra xuất khẩu.
Điều được lớn nhất cũng là niềm tin
Sau 5 năm có mặt trên thị trường điện tử gia dụng Việt Nam, từ một kẻ vô danh, Asanzo đã dần khẳng định được tên tuổi, giá trị và chất lượng của mình. Sản phẩm của hãng được yêu thích nhờ mẫu mã đẹp, chất lượng cao do sản xuất trên dây chuyền công nghệ Nhật Bản hiện đại, đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe về khả năng vận hành, độ bền, khả năng tiết kiệm năng lượng…
Trước đây, khi nói đến Asanzo, người ta thường đặt câu hỏi “Asanzo là hãng nào, sản xuất cái gì, có tốt không?...”. Hiện tại, những câu hỏi trên đã không còn, thay vào đó là “Chừng nào Asanzo ra sản phẩm mới? Năm tới sẽ cho ra đời bao nhiêu mẫu TV, smartphone, sản phẩm nào sẽ được cải tiến…”. Thị trường đã tin tưởng và trông đợi vào Asanzo.
Asanzo đã đạt những thành công nhất định sau 5 năm thành lập. |
Khi mới thành lập, Asanzo là một doanh nghiệp có cách hoạt động khá mềm dẻo và linh hoạt để phù hợp với sự thay đổi của thị trường. Ông Tam chia sẻ: “Trước đây Asanzo chỉ là một doanh nghiệp sản xuất nhỏ lẻ, phát triển đến đâu điều chỉnh đến đấy, hoàn toàn không có quy củ, định hướng, chiến lược hay mục tiêu. Vì thế không tránh khỏi những sai lầm, va vấp và thất bại cay đắng”.
Không có cách nào khác, Asanzo phải chấp nhận rủi ro, thử và sai để tìm ra chân lý. Đó là cách mà Asanzo đã đi lên trong thời kỳ đầu của mình. Tuy nhiên hiện tại, với quy mô của một tập đoàn điện tử đa ngành, phương pháp này đã không còn phù hợp.
“Công ty đã thay đổi 100% từ triết lý kinh doanh, phương pháp tổ chức hoạt động, định hướng phát triển sản phẩm, truyền thông... Chúng tôi không còn tập trung vào một dòng sản phẩm duy nhất mà phát triển đa dạng các ngành hàng thuộc 3 nhóm chính, điện tử, điện lạnh và thiết bị thông minh. TV vẫn sẽ là sản phẩm chủ lực nhưng trong những năm tới, các sản phẩm công nghệ và điện lạnh sẽ nâng dần mức doanh thu”.
Sau 5 năm có mặt trên thị trường điện tử gia dụng Việt Nam, Asanzo đã dần khẳng định được tên tuổi, giá trị và chất lượng của mình. |
Người đứng đầu không thể dậm chân tại chỗ
Trong sự chuyển mình mạnh mẽ của Asanzo, vai trò đầu tàu của chủ tịch Phạm Văn Tam cũng liên tục biến đổi. Thời điểm mới thành lập, mọi công việc lớn nhỏ ở công ty đều do một tay ông đảm nhận. Còn hiện tại, ông Tam chia việc lại cho cấp dưới, giao nhiều quyền hơn, bản thân dần lui về sau với tư cách người cố vấn hoặc ra quyết định cuối cùng.
Ông giải thích: “Giao việc cho cấp dưới là một quyết định liều lĩnh nhưng cần thiết với bất kỳ doanh nghiệp nào muốn tiếp tục phát triển. Vai trò của tôi hiện tại là xác định chiến lược, đề ra mục tiêu và giữ cho Asanzo đi đúng hướng. Các hoạt động chuyên trách toàn bộ sẽ được giao lại cho các chuyên gia.
Bản thân tôi cũng không còn cảm tính, liều lĩnh và vội vã như trước kia. Khi trong tay mình là sinh kế của 2.000 công nhân viên, mọi quyết định đều có hậu quả rất lớn. Vì thế, tôi cần nhìn xa hơn, nghĩ sâu hơn và tính toán kỹ càng hơn”.
Tự hào với đội ngũ của mình
Khi mới thành lập, Asanzo là một tập thể nhỏ gồm vài anh em thân hữu nhiều năm gắn bó với nhà sáng lập Phạm Văn Tam. Đến nay, dưới sự điều hành của ông là hơn 2.000 cán bộ công nhân viên làm việc ở 15 công ty thành viên và 6 nhà máy của tập đoàn. Dẫu vậy, cách mà ông tuyển dụng, giao tiếp và điều hành đội ngũ của mình vẫn không thay đổi.
“Điều quan trọng đối với việc phát triển đội ngũ, đó là tạo được mối dây gắn kết giữa lãnh đạo và nhân viên, giữa các phòng ban và trong toàn bộ tập đoàn với nhau. Tôi không tạo khoảng cách với nhân viên, thường xuyên dùng bữa trưa, đi xuống thị trường hay làm việc cùng mọi người. Bởi lẽ tôi cho rằng người lãnh đạo phải dùng tình cảm, cái tâm và nhiệt huyết của mình để giao tiếp, trao đổi và gắn kết tập thể thì mới giúp nhân viên phát huy hết tiềm năng và đồng lòng vì sự phát triển của doanh nghiệp”.
Trong 5 năm qua, chưa một công nhân nào của Asanzo bị chậm lương. Công ty còn nhiều lần cho công nhân ứng trước lương nếu gia đình có việc. Họ dùng số tiền ấy để mua gia súc, gia cầm tạo sinh kế cho gia đình ở quê hương, nuôi con ăn học, dựng vợ gả chồng...
Sẵn sàng vượt biển lớn
Nói về mục tiêu tiếp theo trong tương lai, ông Tam cho biết: “So với 5 năm trước, vị thế và vai trò của chúng tôi trong ngành điện tử lúc này đã khác rất nhiều. Asanzo hiện tại không còn chỉ phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng phổ thông mà đã nhắm tới phân khúc cao cấp hơn, cũng như hướng ra quốc tế thông qua các hợp đồng sản xuất đơn hàng cho đối tác nước ngoài”.
Nhờ Asanzo, ngân sách hơn 3 triệu đồng đã có thể mua một chiếc TV 32 inch, sử dụng dễ dàng nhờ việc ra lệnh bằng giọng nói. |
Đầu năm 2019, Asanzo dự định khánh thành nhà máy mới để nâng cao công suất sản xuất, đáp ứng không chỉ nhu cầu trong nước, mà cả xuất khẩu sang các thị trường khác. Hiện tại sản phẩm của tập đoàn đã có mặt ở một số thị trường như Nhật Bản, Myanmar, Lào, Cambodia và nhận được sự phản hồi tích cực.
Asanzo cũng sẽ triển khai một viện nghiên cứu công nghệ cao để đẩy mạnh khâu nghiên cứu và phát triển sản phẩm có hàm lượng chất xám cao hơn. Bên cạnh đó, tập đoàn sẽ tiếp tục đồng hành với các chương trình xã hội thuộc các lĩnh vực giáo dục đào tạo, công tác từ thiện, thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ… nhằm thể hiện vai trò của mình với cộng đồng, góp phần tạo dựng một xã hội tốt đẹp và nhân văn hơn.