Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: Getty |
Angela Merkel
Kristian Berg Harpviken, giám đốc Viện Nghiên cứu Hòa bình của Na Uy, cho rằng Thủ tướng Đức Angela Merkel có thể trở thành người đoạt giải Nobel Hoà bình năm 2015 bởi những hành động nhân đạo của bà với dòng người tị nạn vào châu Âu.
Ông cho hay, trong khi nhiều người chối bỏ trách nhiệm, bà Merkel thể hiện bản thân là một nhà lãnh đạo giàu đạo đức và xoay chuyển hoàn toàn cuộc tranh luận về khủng hoảng tị nạn.
Merkel, con gái của một mục sư Tin Lành, lớn lên tại một thị trấn nhỏ cách thủ đô Berlin 80 km về phía bắc. Bà theo học vật lý tại Đại học Leipzig từ năm 1973 đến năm 1978 và công tác tại Viện Hóa Lý Trung ương thuộc Viện Hàn lâm Khoa học từ năm 1978 đến năm 1990. Sau khi tốt nghiệp với học vị tiến sĩ vật lý, Merkel làm việc trong lĩnh vực hoá lượng tử.
Bà bước chân vào chính trường với tư cách là người phát ngôn cho phong trào đối lập Đông Đức Democraic Awakening (tạm dịch: thức tỉnh dân chủ) suốt cuộc cách mạng năm 1989. Nhậm chức thủ tướng Đức từ năm 2005, bà là người phụ nữ đầu tiên nắm giữ trọng trách này.
Juan Manuel Santos và Timoleon Jimenez
Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos (trái) bắt tay lãnh đạo lực lượng đối lập Timoleon Jimenez (phải) trước sự chứng kiến của Chủ tịch Cuba Raul Castro. Ảnh: Getty |
Ông Juan Manuel Santos là tổng thống và Timoleon Jimenez là lãnh đạo của Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia. Hai người đã đồng ý đề xuất về một hướng đi hoà bình vào năm nay, đặt nền móng cho một hiệp ước chính thức.
Bước đột phá này diễn ra tại Havana, Cuba. Nếu họ đạt được thoả thuận cuối cùng, điều này sẽ đánh dấu sự kết thúc của cuộc nổi dậy dài nhất tại Mỹ Latin.
Nhóm cánh tả bắt đầu cuộc chiến chống chính phủ Colombia từ những năm 1960.
Jean Nacatche Banyere, Jeanette Kahindo Bindu và Tiến sĩ Denis Mukwege
Tiến sĩ Denis Mukwege người Congo. Ảnh: Getty |
Jean Nacatche Banyere, Jeanette Kahindo Bindu và Tiến sĩ Denis Mukwege là những người làm việc để giúp đỡ những nạn nhân bị hiếp dâm ở nước Cộng hoà Dân chủ Congo.
Mukwege là một bác sĩ phụ khoa. Ông được coi là vị cứu tinh của những nạn nhân chịu cảnh bạo lực tình dục tại quê hương.
Nhiều người vượt quãng đường dài hàng trăm km để có thể chữa lành những vết thương về cả thể xác lẫn tinh thần. Hiếp dâm được coi như "vũ khí chiến tranh" trong khu vực, vì vậy, việc làm của Mukwege trở nên rất ý nghĩa.
Giám đốc Viện Nghiên cứu Hòa bình, ông Harpviken, cho biết, Banyere và Bindo tìm những nạn nhân của bạo lực tình dục, hỗ trợ và đảm bảo họ được chữa trị. Theo ông, nếu trao giải thưởng cho bộ 3 này, Uỷ ban Nobel có thể nhấn mạnh tình trạng bạo lực tình dục là một vấn đề toàn cầu.
Giáo hoàng Francis
Giáo hoàng Francis. Ảnh: Getty |
Francis là giáo hoàng đầu tiên không phải người châu Âu trong hơn 1.200 năm qua. Sự cảm thông và lòng từ bi của người đứng đầu tòa thánh Vatican đối với những người gặp thiệt thòi khiến hàng triệu người trên thế giới cảm phục. Đức Thánh cha Francis làm rung chuyển Vatican, thay đổi hình ảnh của một giáo hoàng và thổi một luồng sinh khí mới vào Giáo hội Công giáo.
Giáo hoàng gây ấn tượng mạnh với công chúng khi kêu gọi chủ nghĩa hoà bình trong các vấn đề gai góc như cuộc xung đột ở Ukraine, cuộc chiến trên dải Gaza và nội chiến ở Syria và IS.
Nghị sĩ Na Uy Abid Raja đã đề cử Đức Giáo Hoàng giành giải thưởng năm nay, và Betfair, một trong những trang cá cược lớn nhất thế giới, đánh giá rằng Đức Thánh cha nhiều khả năng đoạt giải nhất.
Mussie Zerai
Linh mục Mussie Zerai. Ảnh: Getty |
Mussie Zerai được đề cử vì cứu được hàng nghìn mạng sống của những người di cư vượt qua biển Địa Trung Hải. Ông đã truyền toạ độ những chiếc thuyền chở người di cư tới đội cứu hộ và bảo vệ bờ biển.
Vị linh mục này lớn lên tại Eritrea, một quốc gia châu Phi. Năm 17 tuổi, ông cùng cha xin tị nạn chính trị tại Italy. Hiện tại, ông đang ở Thuỵ Sĩ.
Zerai thành lập ra Habeshia, tổ chức bảo hộ người tị nạn tại Italy vào năm 2006. Bên cạnh đó, tổ chức cũng giúp đỡ những người nhập cư tại Italy sớm hoà nhập cũng như hỗ trợ họ trở về quê hương. “Trên tất cả, nhiệm vụ của chúng ta là lên tiếng cho những người không có tiếng nói”, tổ chức này tuyên bố.
"Đối với tôi, hành động này chỉ đơn thuần là giúp đỡ. Tôi là linh mục, là mục sư của nhân dân. Thậm chí khi người ta hôn lên tay tôi, thực chất là họ đang hôn Chúa Jesus", New Yorker dẫn lời ông nói.
Daisaku Ikeda
Theo quan điểm của Ikeda, hoà bình toàn cầu chủ yếu dựa vào sự chuyển đổi tự định hướng trong cuộc sống của cá nhân. Ảnh: Getty |
Daisaku Ikeda là chủ tịch của một nhóm Phật giáo Nhật Bản có tên Soka Gakkai International (SGI). Đồng thời, ông cũng là một nhà triết học, nhà văn học và nhà giáo dục.
“Các thành viên SGI cam kết thúc đẩy tầm quan trọng của hoà bình, lý tưởng về tôn trọng phẩm giá của cuộc sống và quyền con người thông qua các hoạt động khác nhau, như thông qua tổ chức các cuộc triển lãm về hiểm hoạ vũ khí hạt nhân hoặc các hoạt động cứu trợ nhân đạo”, website của nhóm cho biết.
Ikeda cũng sáng lập ra hệ thống trường học Soka “dựa trên một lý tưởng về bồi dưỡng tiềm năng sáng tạo độc đáo của mỗi một sinh viên và nuôi dưỡng nền hoà bình, đóng góp xã hội và ý thức toàn cầu”.
Soka Gakkai International cho biết: “Theo quan điểm của Ikeda, hoà bình toàn cầu chủ yếu dựa vào sự chuyển đổi tự định hướng trong cuộc sống của cá nhân”.
Nhóm trích dẫn một bài viết của Ikeda: “Một cuộc cách mạng nội tâm lớn của một cá nhân đơn lẻ sẽ thay đổi vận mệnh của một quốc gia. Hơn nữa, nó có thể thay đổi vận mệnh của toàn nhân loại”.
Edward Snowden
Edward Snowden hiện tị nạn tại Nga. Ảnh: Getty |
Edward Snowden là một cựu nhân viên của Cơ quan An Ninh Quốc gia Mỹ (NSA). Năm 2013, Snowden tiết lộ quy mô của chương trình "nghe lén điện thoại" của NSA trên toàn cầu. Anh đã làm rò rỉ những tài liệu về các chương trình giám sát bí mật hàng đầu của nước này. Đối với một số người, Snowden là anh hùng; đối với một số khác, anh là kẻ phản bội.
Những nhà vận động cho tự do dân quyền nhìn nhận Snowden là người đi đầu về việc bảo vệ quyền riêng tư cá nhân. Tuy nhiên, NSA giải thích, chương trình của họ nhằm mục đích phát hiện và ngăn chặn âm mưu khủng bố.