Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nobel Hóa học trao cho nghiên cứu về cơ chế tự phục hồi DNA

Chiều 7/10, Hội đồng trao giải Nobel Viện hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển quyết định trao giải Nobel hóa học cho nhà khoa học Tomas Lindahl, Paul Modrich và Aziz Sancar.

A
Ba nhà khoa học đồng sở hữu giải Nobel hóa học. Ảnh: Nobelprize.org

Tomas Lindahl, Paul Modrich và Aziz Sancar được trao giải Nobel hóa học 2015 vì vẽ bản đồ giải thích cơ chế tự chữa trị DNA của tế bào nhằm đảm bảo các thông tin di truyền.

Thông thường, DNA thường bị tổn thương khi chuyển từ tế bào này sang tế bào khác hay từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tuy nhiên, bất chấp tác động của môi trường, thông tin di truyền của con người vẫn nguyên vẹn một cách đáng kinh ngạc. Các nhà khoa học nhận giải đã tìm ra cơ chế tự sửa chữa kỳ diệu này.

Nhà khoa học Tomas Lindahl làm việc tại Vương quốc Anh trong khi Paul Modrich và Aziz Sancar làm việc tại Mỹ.

Theo các nhà khoa học, nghiên cứu về cơ chế tự sửa chữa của tế bào giúp con người phát triển các phương pháp điều trị ung thư mới. 

Trong những năm 1970, các nhà khoa học tin rằng DNA là phân tử cực kỳ ổn định. Tuy nhiên, Tomas Lindahl đã chứng minh rằng DNA có thể bị phá hủy nhưng tại sao sự sống vẫn phát triển. Qua các nghiên cứu, Lindahl phát hiện ra những phân tử liên tục theo dõi và sửa chữa DNA trong tế bào.

Aziz Sancar phát hiện ra cơ chế tế bào sử dụng để khắc phục thiệt hại mà tia UV gây ra với DNA. Nếu con người có khiếm khuyết ở hệ thống này, họ có thể bị ung thư da khi tiếp xúc với ảnh nắng. Tế bào cũng có thể tự loại bỏ Nucleotide (đơn vị cấu trúc của DNA) nhằm khắc phục khiếm khuyết mà đột biến gây ra.

Paul Modrich đã chứng minh được khả năng tế bào tự sửa lỗi ở DNA trong quá trình phân bào. Nó làm giảm nguy cơ phát sinh lỗi trong quá trình sao chép DNA xuống 1.000 lần. Nó cũng có thể giúp chúng ta khắc phục được những bệnh do khiếm khuyết bẩm sinh. 

Nhà khoa học Tomas Lindahl sinh năm 1938, mang quốc tịch Thụy Điển trong khi Paul Modrich và Aziz Sancar là người Mỹ. Khoản tiền thưởng gần một triệu USD được chia đều cho cả 3 nhà khoa học vì những cống hiến của họ. 

Năm ngoái, hai nhà khoa học Mỹ và một nhà khoa học Đức nhận giải thưởng danh giá cho công trình chế tạo kính hiển vi huỳnh quang siêu phân giải, cho phép con người nghiên cứu tế bào sống đến cấp độ phân tử nhỏ nhất. Nó vượt qua những hạn chế của kính hiển vi quang học, giúp con người có thể nghiên cứu sâu hơn về phân tử đơn lẻ trong tế bào sống.

Từ năm 1901 tới nay, ủy ban trao giải Nobel đã 106 lần trao giải thưởng danh giá. Nó chỉ bị gián đoạn trong thời gian Chiến tranh Thế giới thứ 1 và thứ 2 nổ ra. Người trẻ nhất được trao giải Nobel hóa học là Frederic Joliot, 35 tuổi năm 1935 và người lớn tuổi nhất nhận giải thưởng danh giá là John B. Fenn, 85 tuổi năm 2002.

Frederic Sanger là nhà khoa học duy nhất hai lần nhận giải Nobel hóa học cho các công trình nghiên cứu về cấu trúc protein và DNA. 4 phụ nữ được trao giải Nobel hóa học trong đó có nhà khoa học người Pháp Marie Curie. Độ tuổi trung bình của các nhà khoa học giành giải Nobel là 58.

Hồng Duy

Bạn có thể quan tâm