Theo số liệu thống kê hàng năm do tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) công bố ngày 29/12, 67 nhà báo đã thiệt mạng trong khi làm nhiệm vụ và 43 người chết trong hoàn cảnh không rõ ràng. Trong khi đó, 27 nhà báo tự do và 7 nhân viên truyền thông bị sát hại trong năm 2015.
Năm 2014, trong số các nhà báo thiệt mạng toàn thế giới, hai phần ba trường hợp tử nạn ở các vùng chiến tranh. Nhưng năm nay, điều này hoàn toàn ngược lại, 70% số nhà báo chết khi tác nghiệp tại các quốc gia hòa bình, AFP đưa tin.
Hai quốc gia Iraq và Syria đứng đầu danh sách các khu vực nguy hiểm nhất đối với “người cầm bút” trong năm nay, với 11 nhà báo thiệt mạng ở Iraq và 10 người khác tại Syria, theo RSF.
Đứng thứ 3 trong danh sách này là Pháp, một điển hình của quốc gia không có chiến sự. 8 nhà báo bị giết hại tại đây trong năm 2015 liên quan tới vụ tấn công khủng bố đẫm máu hồi tháng 1 nhằm vào tòa soạn báo Charlie Hebdo ở thủ đô Paris. Các quốc gia nguy hiểm khác là Yemen, Nam Sudan, Ấn Độ, Mexico, Philippines và Honduras.
Riêng tại Aleppo, thị trấn ở phía bắc Syria, được xem là "ổ mìn" đối với các phóng viên chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp.
Theo RSF, mắc kẹt giữa các bên trong cuộc xung đột kể từ năm 2011, các nhà báo bị những nhóm phi nhà nước như tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), Mặt trận Al Nusra hoặc Quân đội Syria Tự do và bắt giữ. Ngoài ra chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad cũng liên quan tới nhiều vụ bắt và giết hại các phóng viên.
“110 nhà báo thiệt mạng trong năm 2015 khiến chúng ta phải hành động khẩn cấp. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cần chỉ định một đại diện đặc biệt nhằm đảm bảo an toàn cho các nhà báo. Đây là việc không thể chậm trễ”, tổng thư ký RSF Christophe Deloire kêu gọi.
Báo cáo của RSF cũng cho thấy, 9 nhà báo bị giết tại Ấn Độ kể từ đầu năm 2015. Một trong số họ tới quốc gia Nam Á để báo cáo về các tổ chức tội phạm và mối liên hệ với các chính trị gia, trong khi những phóng viên khác điều tra về hoạt động khai thác mỏ bất hợp pháp.
Trong 9 nhà báo, 5 người thiệt mạng trong khi tác nghiệp, 4 người còn lại chưa rõ nguyên nhân. Điều này giải thích lý do Ấn Độ là quốc gia chỉ xếp sau Pháp về số nhà báo thiệt mạng trong năm nay.
Việc các nhà báo thiệt mạng khi tác nghiệp ở Ấn Độ khiến nước này trở thành quốc gia nguy hiểm nhất đối với các nhân viên truyền thông, xếp trước cả Pakistan và Afghanistan. RSF thúc giục chính phủ Ấn Độ lập "một kế hoạch quốc gia để bảo vệ các phóng viên".
Cũng theo RSF, 54 nhà báo bị bắt làm con tin vào thời điểm cuối năm 2015, 26 người trong số này bị bắt ở Syria.