Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

3 lý do Trung Quốc can thiệp vào Trung Đông

Trao đổi với Zing.vn, Thiếu tướng Lê Văn Cương nhận định, Trung Quốc buộc phải can thiệp vào tình hình bất ổn ở Trung Đông nói chung và Syria nói riêng vì lợi ích của Bắc Kinh.

- Một số chuyên gia đánh giá Trung Quốc sẽ không đứng ngoài cuộc xung đột ở Syria nói riêng và bất ổn Trung Đông nói chung. Xin ông cho biết nhận định của mình về quan điểm này?

- Tướng Lê Văn Cương: Nhận định Trung Quốc không thể đứng ngoài tình hình Trung Đông là hoàn toàn đúng. Bắc Kinh có 3 lý do để thực hiện việc này. Thứ nhất, Syria nằm trên cái gọi là trục vành đai của Trung Quốc. Nó đóng vai trò quan trọng với chiến lược phát triển “một vành đai, một con đường” trên bộ của Bắc Kinh, vắt ngang lục địa Á-Âu.

Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công An. Ảnh: Công Khanh

Trong tác phẩm “Bàn cờ lớn”, tác giả  Zbigniew Brzezinski nhận định, về lâu dài, kẻ nào thống trị Á-Âu là thống trị cả thế giới. Trung Quốc đang tiến hành các bước đi cụ thể nhằm hiện thực hóa tham vọng này. Trong khi đó, Syria là mắt xích vô cùng quan trọng. Nó buộc Trung Quốc phải nhúng tay vào “mối tơ vò” đang hiện hữu ở Syria nhằm đạt được tham vọng.

Dù muốn hay không muốn, Trung Quốc vẫn phải tham gia vào cuộc chiến ở Syria để bảo vệ lợi ích của mình. Đây là điều lớn nhất mà Bắc Kinh hướng tới. Bên cạnh đó, sự can thiệp của Trung Quốc có thể đóng vai trò hòa giải và ổn định thế giới.

Thứ hai, những biến động trong thế giới Hồi giáo có quan hệ trực tiếp tới Trung Quốc. Các tổ chức cực đoan có thể tác động tới an ninh và ổn định của Trung Quốc thông qua các hoạt động ở Tân Cương và Tây Tạng. Trong thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục hứng chịu các vụ tấn công mang màu sắc cực đoan, trong đó có nhiều vụ việc xảy ra ở Bắc Kinh. Nó buộc Trung Quốc không thể đứng ngoài cuộc chiến chống khủng bố.

Thứ ba, Trung Đông đang là nơi phân chia quyền lực của các cường quốc. Hai vai chính vẫn là Mỹ và Nga. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua kế hoạch giải quyết hòa bình xung đột thực chất là sự hợp tác của Washington và Moscow. Nếu tiếp tục đứng ngoài cuộc, Trung Quốc sẽ không có chút lợi ích gì ở Syria khi mọi việc ngã ngũ.

Theo tôi, trong suốt thời gian qua, Trung Quốc đã sử dụng kế “tọa sơn quan hổ đấu”. Sau nghị quyết của Hội đồng Bảo an, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã lên tiếng mời chính phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad và các bên liên quan tới Bắc Kinh để bàn luận. Đây là động thái cực kỳ khôn ngoan của Trung Quốc. Bắc Kinh xuất hiện khi mọi việc bắt đầu ngã ngũ để bảo vệ lợi ích của mình đồng thời tỏ rõ họ là một cường quốc có trách nhiệm. Việc Trung Quốc không tham gia dội bom ở Syria khiến Bắc Kinh tránh được sự hận thù của các bên, trong đó có lực lượng tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS).

Trung Quốc chỉ can thiệp vào tình hình Syria khi mọi việc đã ngã ngũ. Ảnh: Al Jazeera

- Cục diện Trung Đông có thay đổi với sự can thiệp của Trung Quốc?

- Theo tôi, Mỹ và Nga vẫn sắm vai chính và Trung Quốc là vai phụ. Sự can thiệp của Trung Quốc không thể làm thay đổi những gì đang và sẽ diễn ra. Mỹ và Nga vẫn đóng vai trò quyết định cho tương lai Trung Đông và Syria.

- Bắc Kinh đang thúc đẩy hợp tác kinh tế với Israel hay các nước Arab ở Trung Đông. Theo ông, Trung Quốc đang tính toán những gì?

- Trước hết là về dầu mỏ. Trong 70 năm qua, Mỹ phụ thuộc nhiều vào nguồn cung của Trung Đông. Tuy nhiên, từ năm 2014 tới nay, Washington đã có thể tự túc dầu mỏ nhờ các phương thức khai thác mới. Điều đó khiến Washington không còn mặn mà với Trung Đông như trước đây.

Trong khi đó, Trung Quốc nhập khẩu tới hơn 60% lượng dầu mỏ để phục vụ nhu cầu khổng lồ của mình. Bắc Kinh cần tìm nguồn cung ổn định để đảm bảo sự phát triển của đất nước đúng thời điểm Trung Đông cần một khách hàng mới.

Ngoài ra, Trung Quốc nắm giữ quá nhiều ngoại tệ, khiến cả thế giới phải dựa vào các khoản vay từ Bắc Kinh trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái. Trên thế giới tồn tại các nghịch lý, chẳng hạn như nhiều nước không thích Mỹ nhưng vẫn cần hợp tác với Washington để phát triển, hay không tin Trung Quốc nhưng vẫn phải làm ăn với Bắc Kinh. Việc đầu tư mạnh vào Trung Đông hay các nước châu Phi cho thấy rõ điều này. Việc hợp tác với Israel giúp Trung Quốc có nhiều lợi thế. Nhà nước Do thái nắm giữ nhiều công nghệ về quốc phòng và sinh học mà Trung Quốc mơ ước.

Trung Quốc có thể can thiệp vào Trung Đông

Tình hình bất ổn kéo dài tại Trung Đông đang đe dọa lợi ích và an ninh của Trung Quốc, điều đó có thể khiến nước này sớm can thiệp vào khu vực.

Hồng Duy (thực hiện)

Bạn có thể quan tâm