Tổng thống Donald Trump ngày 31/5 tuyên bố chính phủ Mỹ sẽ chính tức đưa Antifa, nhóm hoạt động cực tả chống chủ nghĩa phát xít, vào danh sách các tổ chức khủng bố.
Ông đưa ra quyết định giữa giai đoạn hàng loạt thành phố trên khắp nước Mỹ lan rộng làn sóng biểu tình và bạo động. Làn sóng bạo lực là hệ quả sự phẫn nộ của người dân trước tình trạng phân biệt chủng tộc từ lực lượng cảnh sát, châm ngòi bởi cái chết của George Floyd, người đàn ông Mỹ gốc Phi tử vong tại Minneapolis do cảnh sát ghì đầu gối lên cổ trong quá trình bắt giữ.
Những người phản đối thông báo của Tổng thống Trump lập luận rằng Mỹ không có luật về khủng bố nội địa. Họ nhấn mạnh Antifa, viết tắt cho cùm từ "anti-fascist" (chống phát xít), không phải là một tổ chức có lãnh đạo, cấu trúc và cơ cấu thành viên cụ thể.
Theo New York Times, Antifa giống một phong trào nhiều hơn là một tổ chức. Các nhà hoạt động của phong trào này chia sẻ cùng triết lý và chiến thuật. Những người ủng hộ đã xuất hiện ở một số cuộc biểu tình trên khắp nước Mỹ trong vài năm gần đây, đặc biệt là đợt biểu tình phản đối sự kiện "Unite the Right" (Đoàn kết cánh hữu) ở Charlottesville, bang Virginia, năm 2017.
Các thành viên Antifa biểu tình tại Oregon vào năm 2019. Ảnh: Getty. |
Thành viên Antifa là ai?
Antifa là một trong nhiều phong trào hoạt động chính trị xuất hiện trong vài năm qua để phải đối làn sóng cực hữu đang trỗi dậy. Số người tự xem bản thân là thành viên của Antifa vẫn chưa được xác định. Những người ủng hộ thừa nhận rằng phong trào vẫn được giữ bí mật, không có hàng ngũ lãnh đạo chính thức và được tổ chức thành các cơ sở địa phương.
Các thành viên Antifa phản đối những hành động họ xem là chuyên quyền, kỳ thị người đồng tính, phân biệt chủng tộc và bài ngoại. Phong trào này không có mối liên hệ với những tổ chức cánh tả khác. Một vài nhà tổ chức hoạt động còn xem Antifa là tác nhân gây xao lãng trong nội bộ cánh tả.
Thành viên Antifa đôi lúc vẫn làm việc cùng mạng lưới nhà hoạt động địa phương cho các vấn đề cùng mối quan tâm, như phong trào Occupy (chống bất bình đẳng giàu nghèo) hay Black Lives Matter (đòi quyền cho người da màu).
Mục tiêu của Antifa là gì?
Nhìn chung, người ủng hộ phong trào Antifa chủ trương ngăn chặn những nhóm được nhìn nhận là chủ nghĩa phát xít, phân biệt chủng tộc và cực hữu. Antifa không ủng hộ các nhóm này có diễn đàn để cổ xúy quan điểm của mình.
Đối với thành viên phong trào Antifa, việc diễn đạt công khai ý tưởng của các nhóm trên sẽ dẫn đến hành động cực đoan nhắm vào những cộng đồng yếu thế, bao gồm nhóm chủng tộc thiểu số, phụ nữ và LGBTQ.
"Lập luận của họ là dân quân chống phát xít vốn có bản chất tự vệ, dựa trên tính chất bạo lực của chủ nghĩa phát xít đã được ghi chép cụ thể về mặt lịch sử, đặc biệt nhắm vào người yếu thế", Mark Bray, giảng viên môn lịch sử tại Đại học Dartmouth (Mỹ), lý giải.
Nhiều nhà tổ chức hoạt động của Antifa cũng tham gia các hình thức vận động xã hội ôn hòa hơn. Tuy nhiên, nhìn chung, thành viên phong trào cho rằng việc sử dụng bạo lực là chính đáng vì viễn cảnh các nhóm phân biệt chủng tộc và phát xít tự do hoạt động "chắc chắn kéo theo bạo lực nhắm vào những cộng đồng yếu thế", theo Mark Bray.
Người biểu tình tại Charlottesville đụng độ nhóm ủng hộ chủ nghĩa quốc gia da trắng năm 2017. Ảnh: Reuters. |
Antifa bắt đầu từ khi nào?
Khái niệm "antifa" lần đầu xuất hiện vào năm 1946, mượn từ tiếng Đức thể hiện sự đối lập với chủ nghĩa quốc xã (Nazism), theo từ điển Merriam-Webster. Người Mỹ tham gia vào phong trào này nhiều hơn từ năm 2016, sau khi Tổng thống Donald Trump đắc cử. Theo ông Bray, phong trào trỗi dậy nhằm đối phó với mối đe dọa từ lực lượng cánh hữu thay thế (alt-right).
Một trong những nhóm đầu tiên sử dụng tên phong trào là Rose City Antifa, theo mô tả là được thành lập vào năm 2007 ở Portland, bang Oregon. Tài khoản trên mạng xã hội của nhóm thu hút đông đảo người theo dõi. Họ chủ yếu chia sẻ tin tức và đôi khi phanh phui danh tính cùng thông tin cá nhân những nhân vật cánh hữu.
Dấu ấn của phong trào Antifa trở nên rõ nét hơn vào năm 2017, sau một loạt các sự kiện của người biểu tình chống chủ nghĩa phát xít: từ vụ thành viên Antifa đấm người theo phong trào alt-right; biểu tình hủy buổi giao lưu của một tác giả cánh hữu ở Đại học California, Berkeley; và vụ đối đầu leo thang bạo lực giữa antifa với người biểu tình ủng hộ chủ nghĩa quốc gia da trắng ở Charlottesville.
Theo Mark Bray, các nhóm antifa sử dụng chiến thuật tương tự với nhóm ủng hộ tình trạng vô chính phủ, điển hình là trang phục toàn đen và đeo mặt nạ. Họ có nhiều lý tưởng khác nhau, nhưng nhìn chung đều phản đối chủ nghĩa tư bản và tìm cách phân rã cơ cấu quyền lực hiện hành, bao gồm lực lượng cảnh sát.
Chính trường Mỹ đã phản ứng như thế nào?
Phong trào Antifa chịu chỉ trích từ cả hai phía, cánh tả lẫn cánh hữu. Sau vụ biểu tình tai tiếng của họ ở Berkeley, California, vào tháng 8/2017, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã lên án "những hành động bạo lực của người tự gọi mình là antifa". Bà cho rằng các đối tượng này cần bị bắt giữ. Phe bảo thủ cũng thường góp tiếng nói phản đối Antifa. Họ cho rằng phong trào tìm cách bóp nghẹt quyền bày tỏ các quan điểm bảo thủ.
Theo Ruth Ben-Ghiat, giáo sư ngành sử tại Đại học New York, cảnh báo phương pháp của Antifa có thể đổ thêm dầu vào lửa. Cánh hữu có thể tìm cách tạo cân bằng và tấn công nhắm vào cánh tả, đơn cử là vụ giết hại người biểu tình ở Charlottesville thực hiện bởi một cá nhân có quan điểm thượng đẳng da trắng.
"Việc ném một ly sữa không ngang hàng với hành động giết hại người khác, nhưng vì nhóm quyền lực đang liên minh với cánh hữu, mọi sự khiêu khích và bất bình trước hành vi bạo lực của cánh hữu đều phản tác dụng", Ben-Ghiat nhận định.
Theo một nghiên cứu do Đại học Maryland dẫn đầu, từ năm 2010-2016, khoảng 53% vụ tấn công khủng bố tại Mỹ là do các phần tử cực đoan tôn giáo gây nên. Trong khi đó, các phần tử cực đoan cánh hữu chiếm đến 35% số vụ tấn công, còn cực đoan cánh tả và bảo vệ môi trường quá khích chỉ chiếm 12%.
Ben-Ghiat cho rằng tư tưởng chiến đấu nếu xuất hiện ở cánh tả sẽ trở thành "cớ biện hộ cho những người nắm quyền và đồng minh cánh hữu" hành động mạnh hơn.